Nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của tỉnh

Cập nhật ngày: 18/04/2021 06:32:17

ĐTO - Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN) tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp với các cơ quan, địa phương triển khai thực hiện tốt việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi liên kết ngành hàng chủ lực, đặc thù...


Sản phẩm của doanh nghiệp tỉnh nhà được quảng bá, giới thiệu tại một hội chợ triển lãm

Một trong những điểm nổi bật là Sở Công Thương tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) liên kết với các nhà phân phối. Qua đó, tạo cơ hội cho các DN, HTX, THT giới thiệu sản phẩm nông sản của tỉnh góp mặt tại các hệ thống phân phối hiện đại trên cả nước. Ngoài ra, Sở cũng phối hợp tổ chức tuần hàng thực phẩm cá tra/ba sa và đặc sản Đồng Tháp tại TP.Hà Nội; hỗ trợ kết nối đưa sản phẩm đặc sản tỉnh nhà lên sàn thương mại điện tử Tiki để tạo thuận lợi cho người tiêu dùng cả nước tiếp cận với sản phẩm của Đồng Tháp.

 Thời gian qua, ngành công thương cũng tích cực thực hiện công tác thông tin và dự báo thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, phát hành Bản tin thị trường. Những hoạt động này góp phần giúp các DN sản xuất, người nông dân ở các HTX, THT kịp thời nắm bắt xu hướng tiêu dùng của thị trường. Xác định tầm quan trọng của việc xây dựng nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, ngành công thương còn chú trọng tổ chức triển khai, thực hiện tập huấn kiến thức về xây dựng nhãn hiệu, bao bì sản phẩm cho các đối tượng là các DN, HTX, THT, hội quán trong tỉnh. Đến nay, có 53 đơn vị được tập huấn có sản phẩm tham gia vào các kênh phân phối hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ...

Trong năm 2020, có 3 đơn vị được ngành công thương hỗ trợ xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, bán hàng và trung chuyển hàng hóa, cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn... Với tổng chi phí 105 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí khuyến công Quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương, ngành công thương đã hỗ trợ cho các DN, cơ sở sản xuất, HTX mua sắm, đầu tư trang thiết bị, cải tiến quy trình sản xuất nhằm hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa của các đơn vị với tổng kinh phí hỗ trợ là 5,906 tỷ đồng.

Để tiếp cận với các thị trường tiềm năng, ngành công thương thường xuyên phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan, hỗ trợ giới thiệu các DN, HTX tham gia kết nối với thị trường nước ngoài thông qua các hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế được tổ chức qua các hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đến nay, nhiều sản phẩm nông sản của Đồng Tháp xuất khẩu đi nước ngoài và tiếp cận được thị trường có yêu cầu tiêu chuẩn cao như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... góp phần đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu và gia tăng giá trị sản phẩm.

Theo Sở Công Thương, quý 1 năm nay, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều đạt được mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2020, cụ thể như thủy sản chế biến, bánh phồng tôm và các sản phẩm từ ngũ cốc, gạo... Tuy đạt nhiều kết quả tích cực nhưng việc phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể như, việc tổ chức sản xuất theo phương thức truyền thống, mùa vụ và diện tích sản xuất manh mún nên chưa đáp ứng nhu cầu cung ứng hàng hóa theo yêu cầu của nhà phân phối. Chưa có DN, HTX đủ lớn để phát huy vai trò dẫn dắt chuỗi nhằm thực hiện liên kết và tiêu thụ sản phẩm.

Sở Công Thương cũng nêu ra một số vấn đề đáng lưu ý hiện nay là tại địa phương, các hoạt động logistics đầu ra cho sản phẩm như lưu trữ bảo quản, kho bãi, vận chuyển còn hạn chế. Điều này gây nhiều khó khăn cho việc cung ứng hàng hóa ra thị trường, gây phát sinh thêm nhiều chi phí. Các cơ sở sản xuất, HTX, THT đa phần có quy mô nhỏ, trình độ, năng lực cán bộ quản lý còn hạn chế nên khả năng tiếp cận thị trường, kết nối tiêu thụ và phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, vẫn còn nhiều DN, nhất là DN khởi nghiệp, HTX chưa mạnh dạn đầu tư vào bao bì nhãn hiệu nên sản phẩm thiếu sức cạnh tranh trên thị trường và chưa đủ năng lực trong việc xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài...

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương, nhằm nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực trong thời gian tới, trước mắt là năm 2021, địa phương cần tổ chức liên kết sản xuất và hình thành vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường, đảm bảo cung ứng hàng hóa được liên tục. Bên cạnh đó, hình thành, mời gọi DN, HTX đủ lớn tham gia chuỗi để phát huy vai trò dẫn dắt và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Vấn đề quan trọng khác ông Nguyễn Hữu Dũng đề cập là cần phải hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ logistics, nhằm đảm bảo khả năng cung ứng hàng hóa được xuyên suốt, ổn định, giảm tổn thất cho nhà sản xuất. Hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, khuyến khích đầu tư phát triển nhãn hiệu, cải tiến bao bì, đa dạng sản phẩm, đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất nhằm tạo điều kiện cho DN, cơ sở sản xuất, HTX nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm Đồng Tháp. Tiếp tục tăng cường mời gọi các DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản nhằm gia tăng giá trị sản phẩm địa phương và hình thành các điểm thu mua tập trung để giảm tối đa chi phí phát sinh trong việc thực hiện chuỗi giá trị...

T.H

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn