PCI 2020, năm thứ 3 liên tiếp Đồng Tháp giữ vị trí á quân
Cập nhật ngày: 15/04/2021 15:54:49
ĐTO - Ngày 15/4, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa tham dự lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020. Diễn ra tại Hà Nội, chương trình do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa nhận Kỷ niệm chương tại lễ công bố PCI 2020. Ảnh: Hòa Châu
Kết quả PCI 2020, Quảng Ninh tiếp tục xác lập vững chắc ngôi vị quán quân bảng xếp hạng trong 4 năm liên tiếp với điểm số PCI đạt 75,09 điểm, tăng 1,69 điểm so với năm 2019. Quảng Ninh cũng là địa phương duy nhất trong 63 tỉnh, thành phố vượt qua mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 trở lại đây.
Năm 2020, lần thứ 3 Đồng Tháp liên tiếp giữ vị trí á quân PCI. Đây cũng là cột mốc ghi dấu 13 năm liên tiếp Đồng Tháp vinh dự được xếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI toàn quốc. Báo cáo PCI nêu, với điểm số 72,8, Đồng Tháp nắm giữ vị trí thứ 2 trong PCI 2020 với những cải thiện đáng kể so với năm 2019 trong công tác cải cách hành chính (tăng 1,1 điểm), tạo thuận lợi về gia nhập thị trường (tăng 0,81 điểm) và giảm thiểu chi phí không chính thức cho doanh nghiệp (DN) tăng 0,45 điểm.
Top 10 PCI năm 2020
Vị trí hạng 3 thuộc về Long An (đạt 70,37 điểm). Các tỉnh tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI 2020 là Bình Dương (70,16 điểm), Đà Nẵng (70,12 điểm), Vĩnh Long (69,34 điểm), TP.Hải Phòng (69,27 điểm), Bến Tre (69,08 điểm), TP.Hà Nội (66,93 điểm) và Bắc Ninh (66,74 điểm).
Kết quả phân tích PCI 2020 cho thấy, trong 10 chỉ số thành phần được sử dụng làm thước đo đánh giá chỉ số PCI, Đồng Tháp có đến 6 chỉ số thành phần dẫn đầu cả nước là: tiếp cận đất đai 3,98 điểm; tính minh bạch 13,54 điểm; chi phí thời gian 4,75 điểm; chi phí không chính thức 8,09 điểm; tính năng động 4,11 điểm; thiết chế pháp lý 4,16 điểm. Các chỉ số thành phần Đồng Tháp thấp hơn địa phương giữ vị trí đầu bảng Quảng Ninh là: gia nhập thị trường; dịch vụ hỗ trợ DN; đào tạo lao động (tổng số điểm thấp hơn là 2,28 điểm).
TS.Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI Việt Nam phát biểu, PCI không chỉ là bảng xếp hạng về chất lượng điều hành của các tỉnh, thành phố, PCI còn là tín hiệu và động lực để nhiều tỉnh, thành phố đẩy nhanh quá trình cải cách, là kênh đối thoại hiệu quả giữa chính quyền và hàng trăm ngàn DN tư nhân, là “tiếng lòng” của DN, là biểu tượng của sự cầu thị và lắng nghe của hệ thống chính quyền… mà nó còn thể hiện sức đổi mới từ cấp cơ sở.
Những mô hình tốt, những cách làm hay trong quá trình cải cách PCI có sức khơi gợi và lan tỏa rất lớn. Một trong những lực đẩy mạnh mẽ nhất của quá trình cải cách môi trường kinh doanh tại Việt Nam đến từ cấp tỉnh. Tại lễ công bố, TS.Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI Việt Nam nhắc đến những mô hình cải cách, bài học thành công tạo sức lan tỏa trên toàn quốc từ PCI. Đáng chú ý, mô hình “café Doanh nhân” của Đồng Tháp tiếp tục được TS.Vũ Tiến Lộc đánh giá cao tại sự kiện này.
Báo cáo PCI 2020 đánh dấu năm thứ 16 VCCI và USAID hợp tác thực hiện và công bố chỉ số PCI tại Việt Nam. Cho đến nay, kết quả điều tra PCI đã trở thành nguồn dữ liệu đầu vào tin cậy cho chính quyền các tỉnh, thành phố trong việc hoạch định và thực thi các chương trình, kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh địa phương.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI, năm 2020 vừa qua là 1 năm đặc biệt khi cộng đồng DN, hệ thống chính quyền phải căng sức để đối phó với đại dịch Covid-19. Phần đặc biệt của báo cáo PCI 2020 là hai nghiên cứu chuyên đề tại Chương 3 và Chương 4, được thiết kế đặc biệt để đo lường tác động của hai vấn đề lớn trong năm 2020: tác động của dịch Covid-19 tới hoạt động của các DN tại Việt Nam; và vai trò của DN trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
Kể từ năm 2005 tới nay, có trên 153.300 DN bao gồm gần 135.900 DN tư nhân và trên 17.400 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) phản hồi điều tra PCI. Riêng năm 2020, 1 năm đầy biến động và khó khăn do đại dịch Covid-19, điều tra PCI vẫn có sự tham gia của gần 12.300 DN, trong đó có hơn 10.700 DN tư nhân và trên 1.500 DN FDI. Xét theo chuỗi thời gian, đây là năm có số lượng phản hồi cao thứ 2, chỉ sau năm 2019 (12.429 DN). Con số tỷ lệ phản hồi cao của năm 2020 (27,4%) cho thấy, điều tra PCI tiếp tục được cộng đồng DN hưởng ứng như một kênh hiệu quả truyền tải tiếng nói của mình về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh tại các địa phương của Việt Nam.
(Lược ghi từ nguồn VCCI)
|
Thanh Hiền