Các chợ đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong mùa nắng nóng

Cập nhật ngày: 12/04/2021 09:13:55

ĐTO - Mùa nắng nóng, nguy cơ tiềm ẩn của sự cố cháy, nổ cao. Để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC), Ban quản lý chợ Cao Lãnh, chợ Sa Đéc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật PCCC và tổ chức thực tập phương án tại chỗ nhằm nâng cao ý thức chấp hành của các hộ tiểu thương kinh doanh.


Ban quản lý chợ Sa Đéc kiểm tra các bình chữa cháy

Thời gian qua, Ban quản lý chợ Cao Lãnh quản lý 6 chợ gồm: chợ Cao Lãnh, chợ Mỹ Trà, chợ Rạch Chanh, chợ Mỹ Ngãi, chợ Hòa An và chợ Trần Quốc Toản. Ngay từ đầu năm, Ban quản lý chợ Cao Lãnh đã xây dựng kế hoạch, phương án triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn PCCC. Ban quản lý chợ phối hợp đội PCCC kiểm tra thường xuyên về an toàn PCCC trong các khu vực chợ, nhất là thời điểm nắng nóng như hiện nay.

Để nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm đối với công tác PCCC, đơn vị đã đẩy mạnh việc tuyên truyền về Luật PCCC; Nghị định 46/2012/NĐ-CP ngày 22/5/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC... bằng nhiều hình thức thích hợp, bằng loa phóng thanh, họp tổ ngành hàng và công tác quản lý khu vực thường xuyên tuyên truyền phổ biến cho viên chức, người lao động và các hộ tiểu thương nắm vững yêu cầu và nội dung; xây dựng đội ngũ viên chức, người lao động của Ban quản lý chợ thành thạo các thao tác sử dụng các dụng cụ PCCC được trang bị, nâng cao được ý thức trách nhiệm của từng cá nhân trong việc tuyên truyền vận động, kiểm tra hướng dẫn hộ kinh doanh thực hiện tốt an toàn PCCC tại chợ.

Bên cạnh đó, trong chợ, Ban quản lý chợ Cao Lãnh cũng bố trí đặt bảng nội quy PCCC, tiêu lệnh PCCC ở các lối đi chính của nhà lồng các chợ. Đồng thời khuyến cáo các tiểu thương, hộ kinh doanh không mua bán chất dễ cháy nổ theo nội quy chợ; sử dụng đúng các thiết bị điện đảm bảo theo tiêu chuẩn an toàn PCCC; không tự ý câu, mắc, lắp đặt thêm thiết bị điện phát sinh vào hệ thống điện tại quầy sạp; khi hết giờ chợ hoạt động phải kiểm tra ngắt tất cả nguồn điện trong khu vực quầy sạp.

Ngoài việc tuyên truyền hướng dẫn, Ban quản lý chợ Cao Lãnh cũng thường xuyên kiểm tra các tiểu thương, hộ kinh doanh về thực hiện các yêu cầu về công tác PCCC. Trong đó, kiểm tra việc sử dụng điện an toàn đảm bảo các tiêu chuẩn về PCCC được Nhà nước quy định; tổ chức sắp xếp tốt việc quy hoạch đúng ngành hàng, việc trưng bày hàng hóa phải đáp ứng cho công tác PCCC, có phương án thoát nạn và giải tỏa hàng hóa khi có sự cố cháy xảy ra; kiên quyết xử lý các trường hợp mua bán các chất dễ cháy nổ trong khu vực chợ.

Ông Huỳnh Minh Tùng - Trưởng Ban quản lý chợ Cao Lãnh cho biết: “Trong quá trình hoạt động, nhất là thời tiết nắng nóng, Ban quản lý chợ luôn chú trọng việc kiểm tra các phương tiện, dụng cụ trang bị theo phương án đề ra như: bình chữa cháy, dây, vòi, máy chữa cháy... tránh tình trạng làm hư hỏng, tự ý thay đổi di chuyển phương tiện thiết bị về PCCC; thường xuyên kiểm tra hệ thống điện phục vụ các hộ kinh doanh và hệ thống điện bảo vệ, khắc phục triệt để tình trạng xuống cấp hoặc quá tải; tuyệt đối đảm bảo an toàn PCCC trong quá trình hoạt động và kinh doanh...”.

Tại chợ Sa Đéc, để nâng cao ý thức PCCC tại các chợ, Ban quản lý đã chủ động thành lập các tổ PCCC tại các chợ gồm 8 tổ, 69 người. Trong đó, lực lượng PCCC Ban quản lý chợ 34 người, lực lượng PCCC hộ tiểu thương 35 người; nhân sự trực PCCC chợ đảm bảo có mặt 24/24 giờ. Riêng ngoài giờ hành chính, có 11 người/ca trực. Ban quản lý chợ cũng ban hành nội quy PCCC đặt tại các khu vực chợ; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về PCCC bằng nhiều hình thức như: thông báo trên hệ thống loa chợ, các khuyến cáo về công tác PCCC vào các ngày thứ Hai, Tư, Sáu hàng tuần; in pano tuyên truyền về công tác phòng, chống cháy nổ treo tại các chợ....

Ban quản lý chợ cũng phân công các tổ trực chủ chốt luân phiên kiểm tra công tác PCCC vào các ngày 10, 20, 30 hàng tháng. Trong đó, chú trọng nhắc nhở các hộ tiểu thương về tình trạng lấn chiếm lối đi, lối thoát nạn, khoảng không; để vật dụng, bao bì trên nóc quầy, sử dụng điện không an toàn; thắp nhang thờ cúng, sử dụng lửa trần, mua bán cồn, tàng trữ, đưa các vật dụng, xăng dầu, chất cháy nổ vào chợ. Đồng thời bố trí thực hiện việc luyện tập PCCC theo lịch, sắp xếp, vệ sinh thiết bị PCCC và đảo bình MFZ8; tăng cường công tác kiểm tra sử dụng điện của tiểu thương, nghiêm cấm sử dụng lửa trần, thờ cúng và ở lại qua đêm trong khu vực chợ; tổ chức cho hộ kinh doanh ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC.

Thời gian qua, Ban quản lý chợ Sa Đéc cũng chú trọng đầu tư phương tiện PCCC. Cụ thể, quan tâm đầu tư các trang, thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác PCCC như: bộ chống sét đánh thẳng, tiếp địa, họng chữa cháy, tủ báo cháy trung tâm, bình chữa cháy bột, còi báo, máy bơm... Ký hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kim Quang Phát thường xuyên bảo trì, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống báo cháy tự động chợ Sa Đéc, chợ nông sản, chợ cá và chợ Nàng Hai, đảm bảo hoạt động tốt khi có sự cố cháy, nổ xảy ra... Chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng trong các hộ kinh doanh về nội quy PCCC, khuyến cáo về công tác PCCC trên hệ thống loa chợ; xây dựng nội quy PCCC; bộ tiêu lệnh PCCC; nội quy sử dụng điện và biển hướng dẫn lối thoát hiểm tại các chợ... Qua đó, giúp bà con tiểu thương kinh doanh tại chợ nhận thức tốt được việc đảm bảo an toàn PCCC.

Bà Lê Thị Hồng - Trưởng Ban quản lý chợ Sa Đéc cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục duy trì việc tổ chức cho hộ kinh doanh ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC; lập kế hoạch phối hợp với các lực lượng có liên quan tổ chức thực tập phương án chữa cháy ở các chợ. Cùng với đó, tổ chức kiện toàn lực lượng PCCC tại đơn vị đủ về số lượng, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng ca trực và từng tổ viên bảo vệ, tăng cường tuần tra vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ; tăng cường công tác tự kiểm tra an toàn PCCC nhằm kịp thời phát hiện các sơ hở, thiếu sót và có biện pháp khắc phục kịp thời; tổ chức kiểm tra thật cụ thể hệ thống điện chung và hệ thống điện tại các quầy, sạp, nếu phát hiện thiếu an toàn, đề nghị đơn vị có thẩm quyền kiên quyết xử lý nghiêm không để các hộ kinh doanh tự ý câu móc dẫn đến quá tải, chập mạch gây cháy. Ban quản lý cũng chú trọng trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy tại chỗ, đặt đúng nơi quy định; tăng cường công tác bảo quản, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy; máy bơm chữa cháy đảm bảo vận hành tốt trong mọi thời điểm; đồng thời kiểm tra, bổ sung nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy thường xuyên và đầy đủ; thường xuyên phát loa, cảnh báo, nhắc nhở về công tác PCCC đối với hộ kinh doanh và người dân nhằm nâng cao ý thức, đảm bảo an toàn PCCC...

Trang Huỳnh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn