Nâng cao năng lực tuân thủ các quy định đối với xoài xuất khẩu
Cập nhật ngày: 12/04/2021 19:08:54
ĐTO - Ngày 12/4, tại Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực tuân thủ các quy định đối với xoài xuất khẩu của Việt Nam”.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tại hội thảo
Hội thảo nhằm đánh giá tình hình thị trường xuất khẩu xoài, nhận định các vướng mắc, rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu tại thị trường quốc tế; phổ biến các yêu cầu, quy định của các thị trường nhập khẩu; nâng cao nhận thức của địa phương, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, cơ sở chế biến, đóng gói…Từ đó, khuyến nghị các giải pháp, chính sách, kế hoạch hành động; kết nối giao thương giữa DN với các đơn vị cung cấp xoài.
Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, bà Lê Thị Thanh Thảo - Giám đốc Đại diện quốc gia - Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tại Việt Nam. Về phía tỉnh Đồng Tháp có Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Quốc Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn. Hội thảo còn có sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre và An Giang.
Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm xoài Đồng Tháp
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hơn 47.000ha trồng xoài (Đồng Tháp dẫn đầu về diện tích 12.106ha), với sản lượng hằng năm trên 567.700 tấn, năng suất đạt từ 11-13 tấn/ha. Kim ngạch xuất khẩu xoài năm 2020 của Việt Nam đạt trên 180,7 triệu USD, chỉ chiếm 1,15% tổng nhu cầu nhập khẩu xoài của thế giới. Hiện phần lớn xoài Việt Nam được xuất sang thị trường Trung Quốc với gần 84% thị phần, ngoài ra, xoài Việt Nam cũng được xuất sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ, Canada, EU…
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp hiện nay có diện tích trồng xoài khoảng 12.171ha, lớn nhất vùng ĐBSCL, với sản lượng hàng năm gần 124 ngàn tấn. Hiện nay, diện tích trồng xoài của tỉnh Đồng Tháp đã có 977,6ha được cấp mã vùng xuất khẩu sang thị trường khó tính và 4.228,6ha được cấp mã vùng xuất sang thị trường Trung Quốc; được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP 342ha và mô hình sản xuất hữu cơ 5,75ha tại xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh.
Các đại biểu trao đổi, chia sẻ về xuất khẩu xoài
Tuy nhiên, khó khăn của ngành hàng xoài ĐBSCL nói chung cũng như Đồng Tháp nói riêng là tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch còn khá lớn, có khi lên đến 70%; cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong vùng nguyên liệu xoài, chính sách hỗ trợ DN, hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực logistics, sau thu hoạch ngành hàng xoài còn hạn chế; việc quản lý và sử dụng mã số vùng trồng và mã số nhà đóng gói xuất khẩu sang các thị trường chưa chặt chẽ... Trong khi đó, yêu cầu của các thị trường khó tính hiện nay là các vấn đề liên quan đến nhãn mác, tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ, tính liên tục trong cung ứng, thời gian bảo quản…
Để gia tăng xuất khẩu xoài, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật kiến nghị Bộ NN&PTNT đầu tư nâng cấp các trung tâm kỹ thuật của Cục Bảo vệ thực vật để thực hiện các nghiên cứu phục vụ dỡ bỏ rào cản kỹ thuật, mở cửa thị trường và thực hiện công tác giám định sinh vật gây hại, kiểm tra dư lượng trước khi xuất khẩu; số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý trên cơ sở kết nối từ người nông dân đến DN xuất khẩu và cơ quan kiểm tra tại cửa khẩu...
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, nêu các giải pháp quản lý, điều hành hoạt động xuất khẩu xoài; công tác quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu; các quy định thị trường đối với xoài xuất khẩu, kinh nghiệm đối với xoài xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và cơ hội xuất khẩu sang thị trường EU, kinh nghiệm xuất khẩu xoài vào thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản; cung cấp thông tin về các đơn vị đầu mối xuất khẩu nông sản; các giải pháp quản lý vùng nguyên liệu, hướng dẫn nông dân sản xuất, áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao các ý kiến góp ý, chia sẻ tại hội thảo. Để nâng cao năng lực tuân thủ chất lượng và tiêu chuẩn của chuỗi giá trị xoài ở ĐBSCL, Thứ trưởng đề nghị các địa phương gia tăng hơn nữa diện tích trồng xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; chú trọng đến đối tượng liên kết trong chuỗi giá trị ngành hàng xoài, đó là hợp tác xã, nông dân; phải xác định được thị trường xuất khẩu mục tiêu, từ đó xây dựng tiêu chuẩn dành cho thị trường đó và định hướng sản xuất cho nông dân. Đồng thời xây dựng bộ tiêu chí phù hợp, thống nhất về tiêu chuẩn chung giữa nước xuất khẩu và nhập khẩu xoài, giải pháp nhằm giảm chi phí cho nông dân và DN xuất khẩu xoài.
Ký kết thoả thuận phối hợp thực hiện dự án phát triển chuỗi trái cây tại ĐBSCL
Dịp này, Bộ NN&PTNT, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp quốc (UNIDO), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), UBND tỉnh Đồng Tháp và UBND tỉnh Bến Tre đã tuyên bố hợp tác thực hiện dự án “Hướng tới tương lai tốt đẹp hơn: Phát triển chuỗi giá trị có khả năng chống chịu do phụ nữ và thanh niên làm chủ và tăng cường ứng dụng nền tảng số tại Việt Nam”, với sự hỗ trợ tài chính của Quỹ Ứng phó và Phục hồi khẩn cấp trong đại dịch Covid-19 của Liên Hợp Quốc (UN COVID-19 MPTF), nhằm mục tiêu cùng nhau phục hồi tốt bằng cách trao quyền cho phụ nữ và thanh niên thông qua ứng dụng công nghệ số vào chuỗi giá trị trái cây tại tỉnh Đồng Tháp và Bến Tre.
Mỹ Nhân