Nâng cao giá trị kinh tế từ chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả

Cập nhật ngày: 05/10/2018 15:04:50

ĐTO - Để nâng cao giá trị canh tác, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, những năm gần đây, huyện Lai Vung tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng phù hợp hơn.


Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp luôn quan tâm các mô hình canh tác nông nghiệp trên địa bàn huyện Lai Vung

Hiệu quả bước đầu

Là một trong những địa phương hưởng ứng tốt chủ trương chuyển đổi, những năm qua, xã Tân Phước tập trung vận động nông dân chuyển sang canh tác cây ăn trái theo hướng mang lại giá trị kinh tế cao. Đến nay, toàn xã có gần 500ha với khoảng 400 hộ chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang canh tác cây ăn trái có giá trị.

Đến thăm vườn cam, quýt sum suê trĩu quả của gia đình anh Dương Tuấn Kiệt ngụ xã Tân Phước, được biết đây là năm thứ 4 vườn cam của anh Kiệt cho trái. Năm trước, thu nhập của vườn cam xoàn này là hơn 100 triệu đồng. Hiện nay, dù còn hơn một tháng nữa mới bắt đầu thu hoạch, nhưng theo tính toán của anh Kiệt, năng suất của vườn cam sẽ khả quan. “Từ lợi ích kinh tế của việc trồng cam, quýt, tôi thấy mình mạnh dạn chuyển đổi cây trồng là hợp lý. Cam, quýt hiện giờ giá cũng khoảng 20.000 – 25.000 đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa và đầu ra rất ổn định. Tôi cố gắng chăm sóc vườn cam để có thu nhập lo cho cuộc sống gia đình, nuôi các con ăn học thành tài” - anh Kiệt nói.

Theo xu thế chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhiều nông dân không ngại phá bỏ diện tích đất lúa kém hiệu quả để chuyển sang trồng các loại cây có giá trị cao, phù hợp với thị trường. Như trường hợp ông Nguyễn Thanh Huyền ngụ ấp Thới Mỹ 2, xã Vĩnh Thới, nhờ mạnh dạn chuyển đổi trồng lúa sang thanh long ruột đỏ trên diện tích 7.000m2 đất canh tác, mỗi năm mang lại cho ông Huyền lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng. Ông Huyền nói: “Lúc đầu, trồng thanh long nhà vườn phải chịu vốn đầu tư nhiều, nhưng đây là loại cây dễ trồng, dễ thích nghi, cho năng suất cao nên thu hồi vốn nhanh và mang lại hiệu quả cao hơn lúa gấp vài lần. Hiện nay, chúng tôi đã chủ động liên kết với Công ty TNHH Thạch Võ (tỉnh Vĩnh Long) bao tiêu sản phẩm thanh long ruột đỏ nên đầu ra rất ổn định”.

Còn với gia đình ông Ngô Văn Bình ngụ ấp Thới Mỹ 2, xã Vĩnh Thới, sau nhiều năm trồng 3 vụ lúa/năm, từ năm 2014, thực hiện theo khuyến khích của xã, ông Bình chủ động chuyển toàn bộ diện tích trồng lúa sang trồng thanh long ruột đỏ. Ông Bình cho biết: “Lúc trước, gia đình tôi chủ yếu canh tác lúa theo phương thức truyền thống nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2014, tôi chuyển sang canh tác thanh long ruột đỏ cho hiệu quả cao gấp 4 - 5 lần trồng lúa. Thanh long lúc giá cao có thể thu về 30 – 40 triệu đồng/công/năm”.

Theo ông Huỳnh Trung Kiệt - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phước: “Việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây có múi là hướng thay đổi tích cực, phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế tại địa phương, nâng cao thu nhập cho nông dân”.

Ông Mai Quốc Hậu - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Lai Vung cho biết: “Nhận thấy được tiềm năng việc chuyển đổi từ đất lúa sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, những năm qua, địa phương đã tìm những loại cây trồng phù hợp điều kiện thực tế từng vùng, chuyển đổi nhiều diện tích đất lúa sang các cây trồng khác”.


Mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long ruột đỏ ở xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung

Cần chuyển đổi theo hướng bền vững

Theo Phòng NN&PTNT huyện Lai Vung, từ việc quy hoạch sản xuất tập trung đã từng bước hình thành khá rõ nét các vùng sản xuất phù hợp với điều kiện từng địa phương. Cùng với công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, việc liên kết 4 nhà và hợp đồng bao tiêu sản phẩm cũng đã thực hiện. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2018, tổng sản lượng cây ăn trái trên địa bàn thu hoạch khoảng 143.000 tấn, đạt 110% kế hoạch, trong đó sản lượng cây có múi 135.000 tấn. Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản được đẩy mạnh thực hiện, hướng đến sản xuất nông sản sạch, có giá trị cao đáp ứng được nhu cầu cung ứng sản lượng ổn định, góp phần nâng cao giá trị nông sản của huyện...

Ông Phạm Quan Dự - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung cho biết: “Thời gian qua, địa phương đã chú trọng công tác nâng cao thu nhập của người dân, trong đó cải tạo vườn tạp được xem là nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, ngoài các loại cây như cam, quýt, mận thì nông dân còn chủ động ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp để trồng thanh long ruột đỏ. Nhờ tận dụng được hết diện tích trong sản xuất nên đời sống của người dân trên địa bàn xã ngày càng khấm khá”.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Lai Vung, thời gian qua, việc chuyển dịch cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả trên địa bàn huyện như tạo “luồng gió mới” góp phần nâng cao chuỗi giá trị nông nghiệp theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại cần khắc phục như: quy mô nhỏ lẻ, thiếu tập trung; trình độ nông dân không đồng đều; trong quy hoạch phát triển các loại cây trồng, vật nuôi còn bị phá vỡ, thiếu tính bền vững do thị trường đầu ra nông sản không ổn định; liên kết thị trường và tính cạnh tranh sản phẩm còn hạn chế. Tuy năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi có tăng hàng năm, nhưng hiệu quả và lợi nhuận đem lại cho người nông dân vẫn chưa tương xứng.

Ông Lê Minh Khải - Chủ tịch Hội Làm vườn xã Vĩnh Thới đề xuất: “Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả trong công tác chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, công tác quy hoạch phải bảo đảm chi tiết, cụ thể cho từng diện tích, gắn với quy hoạch sản xuất. Cùng với đó, cần xây dựng Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng cụ thể, trong đó nên khuyến cáo mô hình canh tác phù hợp, cả điều kiện canh tác với thị trường tiêu thụ. Ưu tiên mở rộng những mô hình canh tác các cây trồng có “đầu ra” ổn định. Ngoài ra, việc sản xuất phải gắn kết chặt chẽ “4 nhà”, trong đó mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân là rất quan trọng, giúp giảm bớt các khâu trung gian trong chuỗi giá trị sản phẩm nông sản, nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất bền vững hơn”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Mai Quốc Hậu - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lai Vung cho biết: “Để việc chuyển đổi cây trồng được ổn định, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian tới, huyện tiếp tục ủng hộ việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả. Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch của huyện, các địa phương trong huyện sẽ rà soát, xây dựng phương án cụ thể cho từng vùng cần chuyển đổi cả về loại cây trồng và thị trường tiêu thụ; có phương án, chính sách để khuyến khích nông dân chuyển đổi và liên kết với các doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm chuyển đổi nhằm hạn chế sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ”.

Ngoài ra, huyện cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các viện, trường hỗ trợ kỹ thuật canh tác nông nghiệp cho nông dân qua các cuộc hội thảo, tập huấn; đồng thời hỗ trợ 60 triệu đồng kinh phí đăng ký quy trình VietGAP (lần đầu đăng ký) cho các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn huyện.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, từ đầu năm 2016 đến nay, toàn huyện có hơn 2.600ha diện tích đất canh tác lúa kém hiệu quả tiếp tục được cải tạo. Thực tế, nhiều loại cây trồng được thay thế đem lại hiệu quả cao hơn gấp nhiều lần trồng lúa.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn