Nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông dân sản xuất lúa - cần sự nỗ lực từ nhiều phía

Cập nhật ngày: 26/10/2015 12:21:56

Hội nhập kinh tế mở ra nhiều triển vọng mới cho nền nông nghiệp Đồng Tháp, tuy nhiên với một nền nông nghiệp vẫn còn đang trong giai đoạn cơ cấu tổ chức lại sản xuất, dường như người nông dân vẫn đang yếu thế trong sân chơi mới. Điều này đòi hỏi nông dân cần chủ động thay đổi tư duy và kỹ thuật sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm phù hợp, đủ sức cạnh tranh.


Giảm chi phí sản xuất, nâng cao phẩm chất lúa gạo là “chìa khóa vàng” giúp sản phẩm nâng cao giá trị cạnh tranh

Khi Việt Nam tham gia WTO và gần đây nhất là việc ký kết hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), sẽ tạo điều kiện cho các sản phẩm nông nghiệp vươn xa hơn ở thị trường thế giới. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phần lớn nông dân (những người trực tiếp sản xuất, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp) vẫn còn khá mơ hồ và lúng túng về khái niệm hội nhập kinh tế.

Đồng Tháp được biết đến là một tỉnh với nền kinh tế mũi nhọn là sản xuất nông nghiệp, hơn 80% lực lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và cây lúa là cây trồng chiếm tỷ trọng GDP lớn của tỉnh Đồng Tháp. Những năm gần đây, do tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp nhiều khó khăn nên ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người nông dân. Vì vậy, vấn đề nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa là một trong những mục tiêu quan trọng mà nền nông nghiệp Đồng Tháp đang hướng tới. Để đạt được điều này cần có nhiều việc phải làm, tuy nhiên vấn đề quan trọng hiện nay là việc nâng cao năng lực sản xuất cho người nông dân nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, cạnh tranh, thích ứng với giai đoạn mới.

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, để người nông dân thắng được trên sân nhà, cũng như trên đấu trường quốc tế trong giai đoạn kinh tế hiện nay cần phải “biết người, biết ta”, cần thấy được cơ hội và lường được những thách thức. Vấn đề quan trọng là phải thực hiện liên kết, trong giai đoạn hiện nay, nông dân cá thể không thể tồn tại, thay vào đó là nông dân tập thể, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu mới là người đứng ra liên kết với doanh nghiệp, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nguyên liệu từ nông dân. Ngoài ra, giữa lực lượng nhà nông với doanh nghiệp cần phải liên kết và tin tưởng lẫn nhau, nông dân và doanh nghiệp phải có cơ chế chia sẻ lợi ích cũng như phí tổn hại, cần giữ mối quan hệ mật thiết với nhau. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách và cơ chế hợp lý, phải tích cực đầu tư nâng cao trình độ tay nghề của tất cả các thành phần tham gia kinh tế.

Giảm chi phí sản xuất để tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm là một trong những giải pháp mấu chốt mà người nông dân có thể làm hiện nay. Để giảm chi phí trong sản xuất, nông dân có thể thực hiện bằng nhiều cách song song. Trong đó, việc cùng nhau liên kết vào tổ chức HTX được xem là giải pháp quan trọng nhất để người nông dân cùng nhau tạo ra những sản phẩm đồng nhất chất lượng, với số lượng lớn. Đồng thời, thông qua tổ chức HTX, người nông dân có thể liên kết với các doanh nghiệp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để được hưởng những ưu đãi tốt nhất từ doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng tiếp theo để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm lúa gạo, người nông dân phải đổi mới phương thức sản xuất, áp dụng công nghệ hóa, hiện đại hóa vào sản xuất lúa; sản xuất sản phẩm lúa gạo theo quy trình an toàn... Điều này nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng có giá thành rẻ, có như vậy sản phẩm lúa gạo của Việt Nam mới đủ sức “đọ sức” với các đối thủ mới hiện nay như: Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ...

Chia sẻ về vấn đề quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo hiện nay, ông Đào Duy Linh - Phó Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ lúa giống Mỹ Trà trăn trở: “Hiện nay người nông dân đang có những thay đổi về tập quán canh tác cũng như tư duy sản xuất, sản xuất những giống lúa chất lượng cao đáp ứng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, khi người nông dân quản lý được chất lượng sản phẩm lúa gạo trên đồng ruộng thì khâu quản lý chất lượng đầu ra sản phẩm gạo ở các doanh nghiệp lại còn bỏ ngỏ. Do đó, dù nhiều năm Việt Nam xuất khẩu lúa gạo hạng nhất nhì trên thế giới nhưng người sản xuất lúa chúng tôi vẫn nghèo”.

Trăn trở của ông Linh cũng là một thực trạng đáng báo động hiện nay. Tỉnh Đồng Tháp nói riêng và Việt Nam nói chung không thiếu những sản phẩm lúa gạo ngon, chất lượng, tuy nhiên do không quản lý chặt ở khâu đầu ra nên tình trạng đấu trộn nhiều loại gạo để xuất khẩu vẫn còn tồn tại ở một số doanh nghiệp. Điều này đã ảnh hưởng đến giá cả và uy tín đối với sản phẩm gạo xuất khẩu.

Do đó, để người nông dân trụ vững với ngành hàng lúa gạo trong giai đoạn kinh tế mở cửa, không riêng người nông dân cần phải nâng cao năng lực mà cần có sự chung tay giữa các thành viên trong chuỗi liên kết này. Trong đó, vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học là một trong những “đòn bẩy” quan trọng trợ lực cho người nông dân, giúp cho họ có thể làm giàu với chính những nông sản do họ làm ra.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn