Ngành cá tra cần linh hoạt để thích ứng với thị trường thế giới
Cập nhật ngày: 15/12/2019 05:51:55
ĐTO - Nhằm giúp cho doanh nghiệp (DN), người chăn nuôi có cái nhìn tổng quan về những thay đổi trong chính sách nhập khẩu cá tra của thị trường thế giới, vừa qua, tại TP.Cao Lãnh, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức diễn đàn “Nâng cao giá trị xuất khẩu sản phẩm cá tra thích ứng với thị trường thế giới”. Tham dự diễn đàn có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng, cùng hơn 200 đại biểu đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, DN xuất khẩu các tra và nhà chăn nuôi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng phát biểu tại diễn đàn
Năm 2019 – một năm nhiều biến động với ngành hàng cá tra
Theo đánh giá của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, năm 2019 là một năm mà ngành hàng cá tra của Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Theo số liệu của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, năm 2019 ước tính sản lượng cá tra của cả nước đạt 1,23 triệu tấn, giảm 6% so với năm 2018 và kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 2 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh những khó khăn từ thị trường xuất khẩu thì giá cá tra nguyên liệu ở thị trường nội địa cũng giảm liên tục, hai tháng đầu năm ở mức khá cao từ 28.500 – 36.000 đồng/kg, đến tháng 3 giá cá tra bắt đầu lao dốc mạnh, hiện giảm còn 20 ngàn đồng/kg.
Cá tra Việt Nam đã xuất khẩu sang 137 thị trường trên toàn thế giới, trong đó Trung Quốc, Mỹ, EU là 3 thị trường chiếm tỷ trọng xuất khẩu chủ yếu. Vì vậy, trong thời gian qua với những thay đổi về chính sách thuế, ảnh hưởng đạo luật chống phá giá của Mỹ, Trung Quốc siết chặt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy suất nguồn gốc... đã ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu cá tra của DN rất nhiều. Bên cạnh những khó khăn từ thị trường truyền thống thì Nhật Bản và ASEAN là hai thị trường mới nổi có mức tăng trưởng tốt trong năm 2019. Do đó, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà nhập khẩu truyền thống thì các DN xuất khẩu cá tra cũng nên chú ý hướng đến phát triển thị trường ở những quốc gia và khu vực có tiềm năng, tránh tình trạng “trứng tập trung một giỏ”.
Vài năm gần đây, vượt qua Mỹ và EU, Trung Quốc trở thành thị trường số một về nhập khẩu cá tra của Việt Nam. Song, đây là thị trường thường xuyên không ổn định và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, các chuyên gia cũng bày tỏ sự quan ngại về sự tăng trưởng không ngừng của thị trường này. Ông Võ Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng: “Những năm gần đây, cơ cấu thị trường xuất khẩu đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Nếu như năm 2015, thị trường Trung Quốc chỉ chiếm 10,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của toàn ngành thì năm 2018 thị trường này đã tăng trưởng lên 23,5% và 10 tháng đầu năm tăng trưởng lên 32%. Tuy nhiên, nếu thị trường này tiếp tục tăng trưởng nóng sẽ là một điều đáng lo ngại. DN cần hướng đến phát triển thị trường ở những khu vực nhập khẩu mới nổi hơn là chỉ chú trọng vào mỗi thị trường Trung Quốc”.
Thu hoạch cá tra
Nắm bắt cơ hội trong khó khăn
Bên cạnh những khó khăn về thị trường xuất khẩu, tại diễn đàn, nhiều DN xuất khẩu cá tra và các địa phương cho rằng ngành cá tra khó khăn cũng xuất phát từ những yếu tố nội tại như: chất lượng giống cá tra ngày càng suy giảm khiến tỷ lệ hao hụt giai đoạn nuôi thương phẩm cao, hiệu quả sản xuất thấp; liên kết chuỗi trong sản xuất cá tra bị ảnh hưởng lớn, do trước đây giá cá tra thương phẩm cao nên tình trạng người nuôi chủ động xin không tham gia liên kết sản xuất...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng cho rằng: “Để ngành hàng cá tra khai thác tốt những tiềm năng và lợi thế, trước hết là tổ chức tốt việc thực thi chương trình kiểm soát chất lượng trong sản xuất. Trong bối cảnh thị trường nhập khẩu đang ngày càng khó khăn, Việt Nam không còn “một mình một chợ” thì tôi nghĩ DN chế biến, xuất khẩu, người nuôi cá tra phải có giải pháp chủ động thích ứng. Trong đó, cần chú ý tăng cường liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các khâu, nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm chế biến để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới.
Nhận định về vấn đề này, ông Võ Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp Hội cá tra Việt Nam cho biết, mặc dù thị trường xuất khẩu, cá tra thời gian gần đây diễn biến khó đoán gây khó khăn cho DN xuất khẩu, song nếu DN nào mạnh về công tác quản trị, có định hướng chiến lược tốt sẽ có nhiều lợi thế hơn trong xuất khẩu. Ông Dũng cũng cho rằng, ngoài thị trường xuất khẩu thì thời gian gần đây thị trường nội địa cũng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm cá tra. Hiện dư địa của thị trường nội địa đối với mặt hàng này vẫn còn khá lớn. Tuy nhiên, do có một thời gian dài phân khúc của thị trường nội địa bị lãng quên nên khi quay lại phát triển khu vực nội địa, các doanh nghiệp vẫn còn lúng túng và gặp nhiều khó khăn. Hiệp Hội cá tra Việt Nam cũng kiến nghị các Bộ, ngành liên quan có chính sách hỗ trợ phù hợp cho các DN phát triển thị trường nội địa. Bởi nếu thị trường 97 triệu dân được khai thác tốt thì đây là một thị trường tiềm năng sẽ góp phần giảm bớt áp lực xuất khẩu cho ngành hàng cá tra.
Nhìn nhận ở góc độ chế biến, ông Trần Văn Công - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, mặc dù hiện nay Việt Nam đang đứng số một thế giới về xuất khẩu cá tra, nhưng chỉ dừng lại ở xuất khẩu cá phi lê đông lạnh là chính, các sản phẩm chuyên sâu mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn thì vẫn còn chiếm tỷ lệ rất hạn chế. Ông Công khuyến cáo không đầu tư thêm cơ sở chế biến sản phẩm sơ chế phi lê đông lạnh vì hiện nay đã thừa công suất 40%, mà tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, sản phẩm từ phụ phẩm cá tra, sản phẩm phi thực phẩm, nhằm khai thác và phát huy tốt hơn những tiềm năng và thế mạnh vốn có của con cá tra.
Ngoài ra, để phát triển ngành hàng cá tra cần tăng cường cải thiện chất lượng cá tra giống, cá nguyên liệu, quy trình chế biến, môi trường; thúc đẩy cạnh tranh và tái cấu trúc ngành cá tra; nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá tra Việt Nam. Các ao nuôi cá tra phải được cấp mã số nhận diện và áp dụng nhiều các tiêu chuẩn trong nuôi như: Global GAP, ASC, BAP, VietGAP...; thực hiện theo các quy định của Cục Thú y về việc giám sát bệnh theo kế hoạch cho nguyên liệu đầu vào, thực hiện FarmBill cũng là cách để cải thiện chất lượng nuôi, chế biến và giám sát an toàn thực phẩm. Ngành cá tra cũng đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế, củng cố hình ảnh, tìm kênh bán hàng mới như: xúc tiến tiêu thụ qua ẩm thực, thương mại điện tử, giao dịch thủy sản và thực phẩm.
Mỹ Lý