Vợ chồng người nông dân nặng lòng với giống lúa Nhật Akita Komachi
Cập nhật ngày: 12/12/2019 05:43:01
ĐTO - “Vùng quê mình xưa nay là vựa gạo của cả nước, nông dân canh tác lúa nhiều nhưng hiệu quả mang lại còn ở mức thấp do chất lượng sản phẩm hạn chế. Vì vậy, tôi nghĩ sao mình không tìm ra một hướng đi mới và tự tin vào mục tiêu cuối cùng là tạo ra hạt gạo sạch. Trước tiên là vì sức khỏe gia đình, tiếp đó là vì cộng đồng, góp phần nâng cao giá trị hạt gạo trên chính mảnh đất quê hương” - vợ chồng ông Nguyễn Văn Tùng và bà Tăng Thị Kim Xuyến ngụ ấp Hòa Dân, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh tâm sự khi được hỏi về việc phát triển giống lúa Nhật Akita Komachi đầy tiềm năng.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Tùng, bà Tăng Thị Kim Xuyến luôn nặng lòng với giống lúa Nhật Akita Komachi. Ảnh: N.KHÁNH
Từ thực tế sản xuất của địa phương...
Từ lâu cuộc sống của vợ chồng ông Nguyễn Văn Tùng và bà Tăng Thị Kim Xuyến gắn bó nhiều với cây lúa. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, cùng với vốn kiến thức sẵn có, ông Tùng rất chịu khó nghiên cứu trên sách, báo và từ những nông dân trên địa bàn huyện. Mặt khác, thay vì “bán lưng cho đất, bán mặt cho trời” thì ông Tùng lại đi lo việc của người tiêu dùng hơn, luôn tìm những giống lúa chất lượng cao, hạn chế sử dụng phân hóa học.
Với 3ha, ông Tùng chọn cách sản xuất giống lúa chất lượng cao là Đài thơm 8 và Nàng Hoa 9, mỗi năm 3 vụ. Tuy nhiên, trong thời gian dài canh tác 2 giống lúa này, gia đình thường rơi vào tình trạng khó khăn là đầu ra và giá cả bấp bênh. Ông Tùng quyết định tìm ra một giống lúa mới đạt giá trị kinh tế cao hơn và có đầu ra ổn định, góp phần nâng cao thu nhập. Ông Tùng chia sẻ: “Khoảng năm 2016, qua lời người quen giới thiệu, tôi biết đến giống lúa xuất xứ từ Nhật Bản mang tên Akita Komachi. Thực tế, giống lúa này gạo rất thơm ngon, độ dinh dưỡng cao. Vì vậy, tôi đến TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ để học hỏi và thu thập thông tin về giống lúa này”. Khi bắt tay vào làm, ông Tùng lại gặp nhiều khó khăn, bởi khác với cách canh tác bình thường, giống lúa Akita Komachi không hề thích ứng với các loại thuốc hóa học. “Lúc đầu mang về canh tác, do quen với tập quán cũ, tôi đã can thiệp thuốc trừ cỏ. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian phun thuốc, gần 2.000m2 lúa đã héo từ từ rồi chết. Mặc dù đã có điều chỉnh cho phù hợp nhưng qua 3 vụ liên tiếp tôi đều thất bại với giống lúa Nhật này” – ông Tùng nhớ lại.
Qua mỗi lần thất bại, ông Tùng đã nghĩ ra được nguyên lý phù hợp để canh tác giống lúa khó tính này. Đến vụ thứ 4, ông lập ra một quy trình cho lúa Akita Komachi theo hướng hữu cơ. Trong đó, sau khi lúa được ủ lên giống sẽ được cấy; chú trọng điều chỉnh mực nước để hạn chế cỏ dại nhằm bảo tồn lượng thiên địch. Cùng với đó, trong quá trình canh tác, ông Tùng sử dụng 100% phân hữu cơ và chế phẩm sinh học nhập khẩu từ Australia, Nga... để đáp ứng sự phát triển của cây lúa.
Với sự phấn đấu không mệt mỏi, ông Tùng đã thành công với quy trình do chính ông xây dựng cho giống lúa Nhật Akita Komachi. Từ vụ thứ 5, ông mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất lên 1ha trồng lúa Nhật. Sau 85 ngày gieo sạ, lúa đã cho thu hoạch với chất lượng hạt gạo thơm, ngon và độ dẻo vượt trội so với giống lúa thường. Khi đó, giá thành gạo Akita Komachi được mua với giá 50.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với các giống lúa thường.
“Ban đầu, những người hàng xóm đều nghĩ tôi không bình thường vì cách làm lạ đời. Nhưng thực chất, trong tôi đang ấp ủ một giấc mơ lớn hơn. Đó là một giấc mơ làm ra hạt gạo sạch, chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng” – ông Tùng chia sẻ.
...Đến thành công với giống lúa chất lượng cao
Đến nay, ông Nguyễn Văn Tùng đã thành công với giống lúa Nhật Akita Komachi nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp hữu cơ, giúp giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Vụ lúa nào vợ chồng ông Tùng cũng sản xuất lúa không đủ cung ứng cho thị trường, với mức giá cao hơn so với lúa bình thường.
Theo ông Tùng, giống lúa Nhật Akita Komachi có nhiều ưu điểm như: ít nhiễm phèn, tương đối thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng vùng miền, thân cây ít ngã đổ, ít sâu bệnh nên nông dân có thể hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... Từ đó, chi phí canh tác cũng thấp hơn so với lúa thường, mang lại thu nhập cao cho người sản xuất. Hiện tại, mỗi vụ ông chỉ cung ứng hơn 2 tấn gạo Nhật Akita Komachi ra thị trường trong tỉnh và các tỉnh Đông Nam bộ... Số lượng này còn rất thấp so với nhu cầu thị trường. Đây là giống lúa hạt tròn và gạo rất thơm, dẻo. So với các giống lúa thông dụng, năng suất lúa tuy thấp nhưng phẩm chất gạo tốt và giá trị cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Tùng cho biết: “Thời gian tới, để đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, tôi sẽ mở rộng diện tích sản xuất lúa Nhật Akita Komachi. Trong quá trình sản xuất sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều phương thức hiện đại để nâng cao giá trị hạt gạo. Cùng với đó, hoàn tất các thủ tục về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, mã vạch và chất lượng an toàn thực phẩm... để đảm bảo các điều kiện tiếp cận kênh siêu thị... Tôi sẽ có hướng hỗ trợ các hộ lân cận về kỹ thuật, giống để cùng sản xuất và cùng thành lập tổ hợp tác để nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm”.
Theo ông Huỳnh Thanh Sơn – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh, lúa Nhật Akita Komachi được xem là giống lúa tiềm năng, phù hợp với việc nâng cao giá trị ngành nông nghiệp của địa phương. Huyện sẽ có định hướng quy hoạch lại vùng sản xuất, đồng thời hỗ trợ mô hình trong việc mở rộng vùng sản xuất; hỗ trợ kết nối, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Cùng với đó, có định hướng xây dựng để giống lúa này trở thành sản phẩm Ocop của địa phương”.
Vượt qua các sản phẩm chất lượng khác trong tỉnh, giống lúa Akita Komachi của vợ chồng ông Nguyễn Văn Tùng và bà Tăng Thị Kim Xuyến đã xuất sắc đạt giải Ba Hội thi Gạo ngon tỉnh Đồng Tháp 2019.
|
Khánh Phan