Phát huy nội lực nông thôn qua Chương trình mỗi xã một sản phẩm
Cập nhật ngày: 09/12/2019 05:45:46
ĐTO - Nhằm giúp các địa phương hiểu rõ hơn về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), ngày 6/12, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo trực tuyến “Tiềm năng, định hướng và giải pháp phát triển các sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp”. Tham dự hội thảo có PGS.TS.Trần Văn Ơn - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Dược Hà Nội, ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc điều hành Công ty The PathFinder cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.
Quang cảnh buổi hội thảo
Theo PGS.TS.Trần Văn Ơn, OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.
Trong chương trình này, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Đồng thời hỗ trợ đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.
Mục tiêu của Chương trình OCOP là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Ngoài ra, Chương trình OCOP còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.
Chia sẻ tại buổi hội thảo, ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc điều hành Công ty The PathFinder cho rằng, để các sản phẩm OCOP có thể phát triển bền vững và tăng sức cạnh tranh trên thị trường thì việc đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ cốt lõi. Giải pháp này, giúp sản phẩm định vị được sản phẩm trên thương trường, tăng sức hấp dẫn và tạo nên sự khác biệt. Để doanh nghiệp phát triển bền vững, việc tạo ra sản phẩm chất lượng là yếu tố cần thiết và cần lựa chọn mô hình kinh doanh “khôn ngoan”.
Để phát triển Chương trình OCOP đạt kết quả trong thời gian tới, tại hội thảo, các đại biểu chia sẻ nhiều vấn đề xoay quanh về tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP tại địa phương, phương thức tuyên truyền, tập huấn cho người dân về chương trình đạt hiệu quả; lựa chọn sản phẩm OCOP tạo sự khác biệt, tránh trùng lắp giữa các địa phương... Những thắc mắc trên được các diễn giải nhiệt tình giải đáp. Đồng thời, các diễn giả cũng cho rằng với những thế mạnh vốn có cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, tỉnh Đồng Tháp có nhiều ưu thế trong việc thực hiện Chương trình OCOP.
MỸ LÝ