Nghề làm khô vào vụ sản xuất Tết

Cập nhật ngày: 06/12/2019 10:02:31

Hiện tại, hàng chục hộ sản xuất khô trên địa bàn huyện Hồng Ngự tất bật chế biến khô thành phẩm để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2020.


Ảnh: Văn Bửu

Tại cơ sở khô cá lóc Tiến Phương - cơ sở có sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia 2019, không khí sản xuất rất nhộn nhịp. Theo chủ cơ sở, để kịp cung ứng khô thành phẩm cho các siêu thị, đại lý cũng như khách hàng, cơ sở đang tăng nhịp độ sản xuất. Do vào vụ Tết, số lượng đặt hàng gấp 5 lần so với bình thường nên cơ sở đẩy mạnh hoạt động với hơn 1.000kg khô thành phẩm/tháng, tăng gấp 3 lần so với ngày thường, chủ yếu là khô cá lóc, cá sặc, cá tra... Giá bán khô cá lóc từ 250 ngàn - 280 ngàn đồng/kg, riêng khô cá sặc, cá tra giá từ 200 ngàn - 600 ngàn đồng/kg (tùy loại).

Việc đẩy mạnh sản xuất khô của các cơ sở cũng tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, nhất là chị em phụ nữ, có thu nhập trên 100 ngàn đồng/ngày từ khâu làm cá.


Ảnh: TRẦN TRỌNG TRUNG

Tại xã Phú Thọ, huyện Tam Nông hiện có Phú Nông hội quán, Công ty khô cá lóc Tứ Quý và gần 200 hộ nuôi cá lóc và chế biến khô cung cấp sản lượng khoảng 4,3 tấn/ngày. Xã còn có 50 cơ sở chế biến và bán cá khô các loại. Mỗi cơ sở chế biến thu hút từ 10 - 15 lao động làm việc ngày đêm. Trung bình mỗi ngày, 1 cơ sở làm ra 50 - 70kg khô cá lóc thành phẩm các loại để cung cấp ra thị trường trong và ngoài huyện. Lúc cao điểm, 1 cơ sở bán được cả trăm ký khô cá lóc các loại. Giá bán dao động từ 150 ngàn - 170 ngàn đồng. Khoảng 4kg cá lóc tươi sẽ làm ra được 1kg cá lóc khô, hiện làng nghề đã có thêm sản phẩm khô cá lóc phơi 1 nắng, giá bán khoảng 100.000 đồng/kg.

Được biết, Làng nghề làm khô cá lóc ở xã Phú Thọ đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu.

Văn Bửu - Trần Trọng Trung

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn