Khởi nghiệp với sản phẩm nước mắm cá linh truyền thống
Cập nhật ngày: 03/12/2019 06:04:23
ĐTO - Với khát vọng nâng cao giá trị tài nguyên bản địa, chị Phan Thị Kim Diệu (SN 1987) - chủ Cơ sở nước mắm cá linh Dì Mười xã Bình Thạnh, TX.Hồng Ngự đã khởi nghiệp với sản phẩm nước mắm cá linh đậm đà, chuẩn vị truyền thống. Với ý tưởng sáng tạo, nỗ lực của bản thân, Dự án nước mắm cá linh Dì Mười đã xuất sắc đạt giải Nhì cuộc thi Dự án khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2019.
Chị Phan Thị Kim Diệu thường xuyên kiểm tra chất lượng sản phẩm
Sinh ra và lớn lên tại TP.Cao Lãnh, chị Phan Thị Kim Diệu được thưởng thức nhiều món ăn đặc sản quê hương. Và nước mắm cá linh đã để lại cho chị ấn tượng khó quên nhất, bởi màu sắc và độ thơm ngon của sản phẩm.
Trước khi đến với nghề sản xuất nước mắm cá linh, chị Diệu trải qua rất nhiều công việc khác nhau. Sau khi lập gia đình, về làm dâu tại vùng biên giới TX.Hồng Ngự, chị Diệu nhận thấy vào mùa lũ, lượng cá linh từ thượng nguồn đổ về rất nhiều, người dân địa phương chỉ khai thác được với số lượng ít.
Trăn trở trước việc chưa khai thác hết giá trị của nguồn tài nguyên bản địa, chị Diệu quyết định khởi nghiệp với mô hình sản xuất nước mắm cá linh. Xác định được ý tưởng, chị Diệu dành phần lớn thời gian để học hỏi cách muối cá, rút nước mắm, đảo cá để tạo ra sản phẩm vừa chất lượng vừa hợp vệ sinh. Dù trải qua nhiều lần thất bại nhưng với tinh thần chịu khó học hỏi, nghiên cứu, chị Diệu đã xây dựng được công thức ủ nước mắm cho riêng mình. Sau khi làm chủ được quy trình sản xuất nước mắm, năm 2017, chị Diệu quyết định thành lập Cơ sở nước mắm cá linh Dì Mười.
Theo chị Phan Thị Kim Diệu, để sản xuất ra nước mắm cá linh theo phương thức truyền thống phải trải qua nhiều công đoạn. Cụ thể, cá linh được chị trực tiếp đến mua từ các chủ đáy cá trên sông. Sau đó, cá linh được làm sạch, phân loại và vô muối cho cá. Khi đủ lượng cá cần thiết, cơ sở sẽ bắt đầu quy trình ủ, với thời gian kéo dài khoảng 8 – 12 tháng. Thông thường với 40kg cá linh sẽ cho ra khoảng 20 lít nước mắm nhỉ cốt. Để giữ được hương vị nước mắm đậm đà, chị Diệu chọn cách ủ bằng hệ thống khạp bằng sành. Các khạp này sẽ được phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, không thông qua công đoạn nấu, pha màu. Với những bí quyết này, sản phẩm nước mắm cá linh của chị Diệu luôn giữ được độ thơm ngon, đậm vị.
Dù tự tin với chất lượng sản phẩm chuẩn vị truyền thống nhưng thời gian đầu tiếp cận thị trường, nước mắm của cơ sở cũng gặp nhiều khó khăn vì thương hiệu sản phẩm còn mới mẻ và giá thành cao hơn so với các dòng nước mắm ngoài thị trường. Chị Phan Thị Kim Diệu cho biết: “Nhằm giúp sản phẩm nước mắm cá linh Dì Mười được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, tôi đã tham gia nhiều chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Trước sự phản hồi tích cực từ người tiêu dùng, bản thân cảm thấy khá phấn khởi trước những kết quả đạt được. Tuy nhiên, con đường khởi nghiệp phía trước sẽ còn rất nhiều chông gai”.
Nhờ sự kiên trì vượt qua khó khăn cộng với chất lượng sản phẩm từng bước được nâng cao, hiện nay, nước mắm Dì Mười được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận. Hiện tại, Cơ sở nước mắm cá linh Dì Mười có 120 lu và 2 bồn lớn dùng để ủ nước mắm. Mỗi tháng, cơ sở cung ứng ra thị trường từ 500 – 600 lít nước mắm nhỉ cá linh truyền thống.
Chia sẻ về định hướng phát triển sản phẩm trong tương lai, chị Phan Thị Kim Diệu cho biết: “Thời gian tới, để sản phẩm nước mắm cá linh Dì Mười được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, tôi tiếp tục đầu tư, cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm, nâng cao chất lượng nước mắm. Bên cạnh đó, tôi sẽ xúc tiến làm việc với các đối tác là siêu thị Co.opmart và BigC để đưa sản phẩm tiếp vào siêu thị. Ngoài ra, tôi còn lên ý tưởng thành lập Tổ sản xuất nước mắm cá linh với sự tham gia của các hộ lân cận. Qua đó, nhằm tiếp tục khai thác, phát huy giá trị tài nguyên bản địa tỉnh nhà...”.
Khánh Phan