Canh Tân Hội quán
Tạo sự đoàn kết trong sản xuất
Cập nhật ngày: 09/12/2019 11:57:04
ĐTO - Là Hội quán đầu tiên của tỉnh được thành lập năm 2016, Canh Tân Hội quán (ấp An Hòa, xã An Nhơn, huyện Châu Thành) ra đời với mong muốn thay đổi cách nghĩ, cách làm của người nông dân trong canh tác nhằm tạo ra sản phẩm nông sản đạt chất lượng cao. Qua thời gian hoạt động, Canh Tân Hội quán từng bước thực hiện được mục tiêu đề ra, tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa người dân với nhau trong sản xuất...
Việc thành lập Hợp tác xã nông sản an toàn An Hòa giúp người dân nâng cao ý thức trong sản xuất cây ăn trái
Theo ông Lê Thành Lộc - Chủ nhiệm Canh Tân Hội quán, từ lúc thành lập đến nay, Hội quán được chính quyền các cấp tập huấn về công nghệ thông tin, ứng dụng các tiến bộ kĩ thuật mới, hỗ trợ máy vi tính, đường truyền cáp quang, tivi, máy chiếu... giúp Hội quán kết nối nhanh với khoa học công nghệ để áp dụng vào sản xuất và tiêu thụ nông sản. Môi trường sinh hoạt của Hội quán còn là kênh để tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa người dân và Nhà nước.
Bên cạnh sự quan tâm của chính quyền địa phương, Hội quán còn tổ chức nhiều cuộc hội thảo tuyên truyền về sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng, tiêu thụ nông sản đạt hiệu quả cho bà con nông dân. Kết nối các nhà khoa học, nhà chuyên môn về nông nghiệp đến trao đổi với nông dân về những kĩ thuật sản xuất mới.
Hướng đến sản xuất mang tính bền vững, Hội quán còn đẩy mạnh liên kết sản xuất với các doanh nghiệp. Trong đó, Công ty phân bón Con Cò Vàng cung ứng vật tư đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) cho nhà vườn. Riêng Công ty xuất khẩu tiêu thụ sản phẩm Vina T&T đảm nhận khâu tiêu thụ nông sản cho nông dân tại địa phương.
Linh hoạt trong khâu tổ chức, Hội quán chủ động xây dựng quy chế, đề ra chương trình hoạt động Hội quán theo định kỳ ít nhất 1 lần/tháng. Nội dung sinh hoạt của Hội quán cũng rất phong phú, tại đây, các thành viên sẽ bàn luận, trao đổi cách làm mới, hiệu quả; bàn chuyện nhà, chuyện làng xóm... Ngoài ra, bà con nông dân còn được các nhà khoa học, doanh nghiệp chia sẻ về ứng dụng khoa học kĩ thuật mới trong sản xuất và liên kết tiêu thụ hàng nông sản bền vững.
Trong không gian sinh hoạt của Hội quán, các thành viên không chỉ bàn luận về tình hình sản xuất mà còn là nơi để chia sẻ về chuyện đời sống, giải quyết các vấn đề chung của xã hội như: xây dựng cầu đường, nhà ở, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự... Qua đó, từng bước thay đổi quan điểm, cách sống của người dân trước những vấn đề của cộng đồng, “Chuyện chung của xã hội là chuyện chung của từng người, từng gia đình, mọi người đều có trách nhiệm tham gia thực hiện”. Mô hình Canh Tân Hội quán còn góp phần xây dựng thành công chương trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại địa phương. Thời gian qua, người dân tự huy động nguồn vốn để cùng nhau xây cây cầu Mơ Ước, cầu Đoàn Kết với kinh phí hàng trăm triệu đồng; tuyến đường Tám Ấu - Út Hiện, Nhà nước hỗ trợ vật tư, người dân hỗ trợ ngày công lao động để xây dựng...
Theo ông Lê Thành Lộc - Chủ nhiệm Canh Tân Hội quán, thời gian tới, Ban Chủ nhiệm Hội quán đề ra phương hướng nhiệm vụ là đẩy mạnh hợp tác, áp dụng các kỹ thuật mới vào canh tác. Đặc biệt là sản xuất hàng hóa chất lượng cao, theo hướng an toàn giúp sản phẩm đạt tiêu chuẩn vào các siêu thị và xuất khẩu, nâng cao kiến thức về tư duy làm kinh tế nông nghiệp cho các thành viên...
Sau thời gian hoạt động hiệu quả, Canh Tân Hội quán đã tiến đến thành lập Hợp tác xã nông sản an toàn An Hòa vào tháng 11/2017, với định hướng thực hiện liên kết sản xuất với các doanh nghiệp và thương lái trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Cùng hoạt động song song với Hợp tác xã An Hòa, Canh Tân Hội quán vẫn tiếp tục thực hiện vai trò của mình trong việc tuyên truyền, triển khai cách làm ăn mới, sản xuất theo nhu cầu thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, chia sẻ chuyện làng, việc xóm... thông qua không gian Hội quán.
|
MN