Ngành công thương đề ra nhiều giải pháp quản lý an toàn thực phẩm
Cập nhật ngày: 06/06/2016 10:55:34
ĐTO - Thông qua các hoạt động quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) của ngành công thương tỉnh, ý thức chấp hành pháp luật của chủ cơ sở và người lao động được nâng cao; hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm từng bước đi vào nề nếp. Tuy nhiên, ngành còn gặp một số khó khăn, bất cập cần sớm giải quyết.
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm (năm 2010) và Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ, ngành công thương thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về ATTP đối với 8 nhóm sản phẩm thực phẩm, gồm: bia; rượu, cồn và đồ uống có cồn; nước giải khát; sữa chế biến; dầu thực vật; bột, tinh bột; bánh, mứt, kẹo; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành quản lý.
Nhìn chung, hầu hết các cơ sở thực phẩm do ngành công thương quản lý có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, tập quán sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống, thủ công gia đình là chủ yếu. Trong đó, có 2 nhóm mặt hàng có nguy cơ ô nhiễm cao là rượu, bột và các sản phẩm từ bột (bún, bánh phở, hủ tiếu...) như: bột, bún, bánh phở... nhiễm tinopal, ngộ độc rượu.
Khó khăn, bất cập đầu tiên trong quản lý ATTP của ngành công thương là về nhân sự: hiện có tổng số 89 cán bộ, trong đó tuyến tỉnh 65 cán bộ, tuyến huyện 24 cán bộ, tuyến xã chưa có cán bộ. Lực lượng này được cho là vừa thiếu, vừa yếu, đa số kiêm nhiệm, đặc biệt tuyến huyện và tuyến xã không có cán bộ chuyên trách về ATTP. Do đó, không đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ của ngành như: quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn chưa sâu sát nên việc thống kê, cập nhật số liệu cơ sở thực phẩm do ngành quản lý chưa được thường xuyên, liên tục; chưa kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về ATTP; phân cấp việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho tuyến huyện chưa thực hiện được, vì thiếu cán bộ có trình độ chuyên ngành ATTP;...
Bên cạnh đó, Sở Công Thương còn có những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng các quy định, hướng dẫn của Trung ương như: một số văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ Công Thương thiếu đồng bộ, chậm ban hành, hoặc đã ban hành nhưng không phù hợp tình hình thực tế của địa phương.
Ngành công thương tỉnh đang tăng cường triển khai mạnh mẽ các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông, tạo sự thay đổi nhận thức và hành vi về ATTP, làm cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhân dân hiểu rõ hậu quả trước mắt cũng như lâu dài của thực phẩm không đảm bảo an toàn đối với sức khỏe con người, cùng với đời sống sản xuất và sự phát triển bền vững của địa phương; tăng cường năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về ATTP, trong đó có tăng cường năng lực cho thanh tra chuyên ngành ATTP từ cấp tỉnh đến cơ sở, đẩy mạnh công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP.
Ngành sẽ xây dựng hệ thống cảnh báo và phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm làm cơ sở cho công tác quản lý an toàn thực phẩm dựa vào bằng chứng: hình thành hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ làm cơ sở khoa học cho công tác quản lý an toàn thực phẩm theo hướng dẫn của Bộ Công Thương; hợp tác chặt chẽ và có hiệu quả với các sở, ngành trong chia sẻ thông tin và xử lý các vấn đề về ATTP...
TN