Ngành ngân hàng đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng dịch vụ và chia sẻ khó khăn của khách hàng
Cập nhật ngày: 17/06/2020 09:46:59
ĐTO - (Ông Nguyễn Văn Quế - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Đồng Tháp trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đồng Tháp)
* PV: Xin ông cho biết tình hình hoạt động của hệ thống ngân hàng trong tỉnh những tháng đầu năm trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19?
Ông Nguyễn Văn Quế - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Đồng Tháp
- Ông Nguyễn Văn Quế (N.V.Q.): Ngành ngân hàng trên địa bàn đã tích cực triển khai các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, UBND tỉnh. Trong đó, từng tổ chức tín dụng (TCTD) xây dựng phương án, kịch bản phòng, chống dịch tại đơn vị, xây dựng và triển khai thực hiện tốt phương án nhân sự làm việc để chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra do ảnh hưởng của dịch, đặc biệt là trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả, hoạt động ngân hàng vẫn đảm bảo an toàn, thông suốt, cung cấp và đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài nên nhu cầu vốn để đầu tư, sản xuất kinh doanh cũng giảm đáng kể. Huy động vốn tăng trưởng chậm và dư nợ tín dụng đến ngày 31/5/2020 giảm so với đầu năm. Cụ thể: nguồn vốn huy động trên địa bàn đến ngày 31/5/2020 đạt 48.431 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 481 tỷ đồng, tăng 1%; dư nợ tín dụng đạt 64.299 tỷ đồng, so với đầu năm giảm 797 tỷ đồng, giảm 1,22%.
* PV: Trong điều kiện khó khăn chung, các TCTD trên địa bàn tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về miễn, giảm lãi suất, gia hạn nợ,... cụ thể như thế nào?
- Ông N.V.Q.: Để kịp thời hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với khách hàng, các TCTD trên địa bàn đã tích cực triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng theo chỉ đạo của ngành và các chương trình, sản phẩm đặc thù của từng đơn vị. Điển hình là triển khai thực hiện nghiêm việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của NHNN Việt Nam.
Để theo dõi, đánh giá và kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm Thông tư số 01/2020/TT-NHNN nói trên, NHNN, chi nhánh Đồng Tháp đã có nhiều văn bản chỉ đạo các TCTD trên địa bàn, trong đó yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm các giải pháp hỗ trợ nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay. Mặc khác, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của người dân trong tiếp cận chính sách hỗ trợ theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN.
* PV: Kết quả hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh?
- Ông N.V.Q.: Thực hiện giảm lãi suất cho vay mới từ 0,1- 2,5% cho 659 khách hàng gồm 165 doanh nghiệp (DN) và 494 cá nhân với tổng dư nợ cho vay mới được hưởng lãi suất ưu đãi là 5.696,96 tỷ đồng; thực hiện cơ cấu lại nợ (gia hạn thời gian trả nợ gốc, lãi, giữ nguyên nhóm nợ) cho 173 khách hàng gồm 11 DN và 162 cá nhân, với tổng dư nợ gốc đến hạn được cơ cấu lại là 1.024,86 tỷ đồng, nợ lãi được cơ cấu là 0,14 tỷ đồng, thời hạn gia hạn nợ là từ 2 -12 tháng. Một số TCTD thực hiện giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm trên dư nợ hiện hữu đối với khách hàng.
Ngoài ra, để chia sẻ khó khăn với khách hàng vay, các TCTD đã thực hiện nghiêm việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của NHNN Việt Nam, mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên sau 2 lần giảm lãi suất trong các tháng đầu năm, hiện nay là 5%/năm, giảm 1% so với cuối năm 2019.
* PV: Các TCTD thực hiện các giải pháp nào để tăng cường tín dụng ngân hàng hỗ trợ DN và người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo chỉ đạo của NHNN?
- Ông N.V.Q.: NHNN, chi nhánh Đồng Tháp đã sớm chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tăng cường làm việc trực tiếp với từng khách hàng, đặc biệt là các khách hàng DN để đánh giá mức độ thiệt hại, tình hình sản xuất kinh doanh do tác động của dịch để triển khai các giải pháp tín dụng phù hợp. Kết quả, từng TCTD đã chủ động liên hệ, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, đánh giá mức độ thiệt hại và nhu cầu của khách hàng để hỗ trợ kịp thời.
Mặt khác, các TCTD tham dự các cuộc họp của UBND tỉnh có liên quan đến các chính sách hỗ trợ DN để kịp thời nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh chung của các DN trong tỉnh, đồng thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của DN để tháo gỡ kịp thời.
Chúng tôi cũng đã tích cực làm việc, nắm bắt thông tin về các khó khăn của DN trên địa bàn thông qua Hiệp Hội DN tỉnh, các buổi gặp mặt DN cùng với đoàn công tác UBND tỉnh và thông tin từ các sở, ngành liên quan để có chỉ đạo kịp thời đến các TCTD.
*PV: NHNN nhận định như thế nào về hoạt động của các TCTD cũng như các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới?
- Ông N.V.Q.: Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam về cơ bản đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, DN đang dần phục hồi. Do đó, dự báo hoạt động của các TCTD trong các tháng cuối năm dự báo sẽ tăng trưởng trở lại đối với các chỉ tiêu cơ bản, đặc biệt là chỉ tiêu tín dụng để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ người dân, DN khôi phục sản xuất kinh doanh. Riêng bản thân từng TCTD sẽ triển khai đa dạng hơn các gói tín dụng ưu đãi để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng của người dân sau dịch.
Trọng tâm từ nay đến cuối năm vẫn là các giải pháp chủ động phòng, chống dịch để đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Mặt khác, việc triển khai các giải pháp cơ cấu lại nợ, miễn giảm phí, lãi suất theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN vẫn được xem là nhiệm vụ quan trọng của ngành trong các tháng cuối năm để hỗ trợ người dân, DN khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch.
Việc triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động tại Ngân hàng Chính sách xã hội Đồng Tháp cũng được quan tâm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa phát sinh khoản giải ngân tại ngân hàng này do chưa nhận được hồ sơ đề nghị vay vốn của DN theo quy định.
Đồng thời, để chia sẻ khó khăn với khách hàng vay theo chủ trương chung của ngành, NHNN, chi nhánh Đồng Tháp đã chỉ đạo các TCTD rà soát, cắt giảm các chi phí không cần thiết để có điều kiện chia sẻ khó khăn với khách hàng vay; tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay nhưng không nới lỏng các điều kiện cho vay để đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
*PV: Xin cám ơn ông!
Thành Nam (thực hiện)