Nghiệm thu 4 đề án Khuyến công địa phương
Cập nhật ngày: 27/12/2018 15:31:16
Ngày 27/12, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Tháp (KC&TVPTCN) tổ chức nghiệm thu 4 đề án khuyến công địa phương hỗ trợ máy móc, thiết bị trong sản xuất tại huyện Lai Vung và TP.Sa Đéc.
Nghiệm thu đề án khuyến công địa phương máy đóng gói nem, tỏi, ớt tự động tại hộ kinh doanh Hoàng Khánh (huyện Lai Vung)
Để nâng cao hiệu quả sản xuất đặc sản nem, hộ kinh doanh Hoàng Khánh (xã Tân Thành, huyện Lai Vung) đã đầu tư máy đóng gói nem, tỏi, ớt tự động. Hệ thống máy đóng gói này có thiết kế hiện đại, giúp đơn vị nâng công suất tối đa khoảng 7,5 triệu chiếc nem/năm. Tổng kinh phí thực hiện Đề án khoảng 270 triệu đồng (trong đó, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ khoảng 132 triệu đồng).
Khi đi vào hoạt động, các thiết bị này giúp đơn vị cải thiện mẫu mã sản phẩm, giúp bảo quản sản phẩm tốt hơn, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.
Từ tháng 12/2018, Trung tâm KC&TVPTCN đã ký hợp đồng với hộ kinh doanh Trúc Duy (TP.Sa Đéc) nhằm hỗ trợ đơn vị đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất bột lọc tươi.
Theo đó, đơn vị này đã đầu tư mới 1 máy làm bột hút chân không, tổng kinh phí là 117 triệu đồng (trong đó, kinh phí khuyến công hỗ trợ hơn 57 triệu đồng). Việc đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến sẽ giúp đơn vị hạn chế tối đa phế phẩm trong quy trình sản xuất; đồng thời, giúp bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm KC&TVPTCN, hộ kinh doanh Tư Nương (TP.Sa Đéc) đầu tư thiết bị hiện đại vào sản xuất bột lọc tươi, gồm: máy hút chân không, máy vo gạo, cối đánh chất trợ lắng… với tổng kinh phí hơn 147 triệu đồng (trong đó, kinh phí Khuyến công địa phương hỗ trợ hơn 72 triệu đồng). Từ Đề án này sẽ giúp hộ kinh doanh Tư Nương áp dụng quy trình sản xuất bột tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm bột, đáp ứng các yêu cầu của khách hàng về chất lượng.
Đối với dây chuyền sản xuất bột lọc khô của hộ kinh doanh Hà Thị Ngọc Dàu (TP.Sa Đéc), hộ kinh doanh này đầu tư thêm máy làm bột hút chân không giúp giảm công lao động chân tay, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Khi đi vào hoạt động, ứng dụng máy làm bột hút chân không sẽ giúp đơn vị tận thu được lượng tinh bột, sử dụng hiệu quả nguyên liệu, kiểm soát được độ ẩm... Tổng kinh phí đầu tư của dây chuyền khoảng 117 triệu đồng, trong đó, kinh phí Khuyến công địa phương hỗ trợ hơn 57 triệu đồng.
Trang Huỳnh