Người dân khu vực phía Nam sông Tiền ảnh hưởng triều cường
Cập nhật ngày: 17/10/2018 09:58:17
ĐTO - Triều cường cuối tháng 8 - đầu tháng 9 âm lịch dâng cao những ngày qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân nhiều địa phương phía Nam sông Tiền. Hiện nay, mặc dù thủy triều đã xuống, song bà con khu vực hạ nguồn của tỉnh cũng lo lắng khi con nước rằm tháng 9 âm lịch đang cận kề.
Thủy triều dâng cao, các tuyến đường tại chợ Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành bị ngập sâu
Ảnh hưởng triều cường...
Bị thiệt hại gần một nửa diện tích lúa do nước tràn bờ đê ngày 7/10 (nhằm 28/8 âm lịch), ông Trần Văn Chính (canh tác hơn 7.000m2 lúa thu đông tại ấp An Hưng, xã An Khánh, huyện Châu Thành) xót xa chia sẻ, năm nay nước lớn hơn mọi năm. Nước dâng cao hơn bờ đê từ 20 - 30cm nên tràn bờ và gây lở một đoạn đê ô bao. Người dân tại ấp An Hưng trở tay không kịp đành chịu thất thu khoảng 50% cho vụ lúa thu đông muộn này.
Cũng bị thiệt hại như ông Chính, anh Nguyễn Thanh Việt cùng ấp chia sẻ: “Lúa tới ngày cắt thì nước tràn đê không trở tay kịp, mình phải ra công cắt tay được mớ nào hay mớ đó. Tính ra 8.000m2, tôi chỉ đập được 50 bao, mất hơn phân nửa. Do lúa cắt chạy lũ, cắt tay, đập thủ công mất thời gian nên lúa bị đen, lên mọng thương lái không mua nên để ăn một mớ, còn một mớ chỉ biết bán cho gà vịt ăn” – anh Việt ngậm ngùi chia sẻ.
Không chỉ khu vực nông thôn bị ảnh hưởng do triều cường, con nước năm nay còn khiến nhiều nhà dân, cơ sở sản xuất kinh doanh, các cơ quan, trường học bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Phạm Văn Nguyên, nhà gần Quốc lộ 80, ấp Phú Nhuận, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành làm nghề sửa xe cho biết: “Khoảng hơn tuần nay ngày nào triều cường cũng lên cao ngập nhà cửa không làm ăn gì được. Mặc dù nước lên vài tiếng rồi rút nhưng ngày nào cũng lên xuống hai lần nên chỉ lo dọn dẹp là hết ngày...”.
Ông Trần Văn Chính canh tác hơn 7.000m2 lúa thu đông tại ấp An Hưng, xã An Khánh, huyện Châu Thành bị thiệt hại gần một nửa diện tích lúa do nước tràn bờ đê
Theo thống kê của huyện Châu Thành, thủy triều dâng cao những ngày cuối tháng 8 - đầu tháng 9 âm lịch khiến nước tràn qua nhiều đoạn ô, đê bao, đe dọa hàng trăm ha lúa vụ thu đông và nhiều diện tích trồng cây ăn trái của nông dân. Chỉ tính riêng lúa, đã có hơn 250ha lúa bị ngập, 600ha bị đổ ngã.
Không chỉ huyện Châu Thành, TP.Sa Đéc cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đợt triều cường vừa qua. Ông Nguyễn Đăng Định - Bí thư Đảng ủy xã Tân Khánh Đông, TP.Sa Đéc xác nhận, ngày 10/10 (nhằm mùng 2/9 âm lịch), một đoạn đê trên 20m tại ấp Đông Khánh bị vỡ. Sự cố làm 6 tấn cá, ếch nuôi tràn ra ngoài và 50ha trồng cây ăn trái như xoài, mít, chanh... của hơn 40 hộ dân trong khu ô bao bị ngập sâu trong nước. Ước tính thiệt hại hơn 150 triệu đồng.
Nhà ông Phạm Văn Nguyên ở ấp Phú Nhuận, xã Tân Nhuận Đông bị ngập sâu do triều cường dâng cao
Anh Nguyễn Trường Sơn ngụ ấp Đông Khánh, xã Tân Khánh Đông nuôi ếch kết hợp nuôi cá trê phi còn khoảng 1 tháng nữa thu hoạch nhưng sự cố vỡ đê ngày 10/10 vừa qua anh cũng bị thiệt hại trên 40 triệu đồng do số cá trê đi gần hết. Anh Sơn chia sẻ: “Nước tràn nên mình chỉ lo kéo cao mấy vèo ếch chứ đâu lo nỗi tới cá, tính ra chắc đi cũng khoảng hơn 2.000 con cá, thiệt hại vài chục triệu nhưng đó là sự cố ngoài mong muốn, chỉ mong số ếch này khỏe mạnh qua mùa lũ, nhất là con nước rằm tháng 9 này để bù qua...”.
Ghi nhận tại huyện Lai Vung, có thời điểm, mực nước tại cột tiêu báo lũ cao hơn mức báo động 3 từ 1 - 5cm. Mặc dù chưa ghi nhận thiệt hại về sản xuất nhưng nhiều nhà cửa, đường đi, trường học đã bị ngập. Một số tuyến đường ngập sâu 30 - 40cm, ảnh hưởng việc đi lại của người dân. Tình trạng này cũng diễn ra tại TP.Sa Đéc, nhất là ở khu vực phường 3 và phường 4, ven bờ sông Tiền, hàng chục nhà dân đã bị ngập sâu trong nước, có nơi nước ngập lên cao gần 1m.
Làm nghề sửa cơ khí tại nhà ở phường 3, TP.Sa Đéc, anh Phạm Ngọc Thông cho biết, khu vực này phần lớn là nhà đã cất lâu năm, nền còn khá thấp. Mọi năm tình trạng ngập vào độ tháng 9 âm lịch vẫn có xảy ra, nhưng năm nay nước dâng cao hơn mọi năm 50cm, tình trạng ngập sâu nằm ngoài dự đoán. Mặc dù đầu mùa nước, người dân đã chủ động kê kích đồ đạc, vật dụng trong nhà nhưng hiện tại, công việc này phải thực hiện nhiều lần theo mực nước lên hằng ngày. Ông Thông lo lắng, mặc dù nước dâng gây ngập chỉ kéo dài từ 3 - 4 tiếng đồng hồ, nhưng cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt và buôn bán của người dân. Hiện tại, triều cường đã xuống, song bà con nơi đây lo lắng khi con nước rằm tháng 9 và cuối tháng 9 - đầu tháng 10 âm lịch sắp cận kề.
Ứng phó với con nước rằm tháng 9
Theo dự báo từ Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, mực nước cao nhất ngày 13/10 trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,26m, tại Mỹ Thuận là 1,77m (dưới báo động 3 là 0,03m); trên sông Hậu tại Châu Đốc là 3,11m (trên báo động 1 là 0,11m), tại Cần Thơ là 1,93m (trên báo động 3 là 0,03m). Hiện tại, mực nước sông Cửu Long đang xuống, sau đó lên lại từ ngày 18/10. Đến ngày 25/10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 3,05m; tại Châu Đốc ở mức 2,95m (dưới báo động 1 là 0,05m), tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long ở mức báo động 1 - báo động 2.
Ông Nguyễn Ngọc Việt - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết, địa phương liên tục cập nhật, theo dõi tình hình thủy văn của địa phương để tuyên truyền, giúp dân kê kích đồ đạc. Đối với các tuyến đường nông thôn thuộc vùng trũng thấp như: Tân Nhuận Đông, An Nhơn, An Khánh... lực lượng tại chỗ ở các xã phối hợp người dân đắp các “tuyến đê giả” cao thêm từ 30 - 50cm để chống chọi với con nước rằm tháng 9. Mục đích là bảo vệ các vườn cây ăn trái và thu hoạch dứt điểm trà lúa thu đông.
Ông Lê Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, tính đến cuối tháng 9/2018, hơn 450ha lúa, hoa màu, cây ăn trái trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do lũ, ước thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp khoảng 7,2 tỷ đồng.
Cán bộ xã Tân Khánh Đông kiểm tra lại đoạn đê bao được gia cố sau vụ vỡ đê
Nhận định tình hình triều cường kết hợp với lũ có khả năng còn diễn biến phức tạp cho đến tháng 10/2018, Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu công tác chỉ đạo điều hành theo dõi sát diễn biến tình hình mưa, lũ tại các địa phương vẫn luôn được thực hiện hàng ngày. Mặt khác, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai phải được thông tin, cập nhật thường xuyên để các ngành, các cấp và người dân biết chủ động phòng ngừa, ứng phó.
Đặc biệt, các địa phương cần tăng cường kiểm tra đê bao, gia cố ngay những đoạn đê bao cống đập còn thấp, chủ động bơm tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp một cách an toàn; song song đó, phải tổ chức, chỉ đạo lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai trong tư thế sẵn sàng ứng trực hỗ trợ người dân ứng phó hiệu quả, đảm bảo an toàn về người, tài sản, hạn chế thiệt hại do lũ gây ra. Đối với các địa phương thực hiện xả lũ lấy phù sa, sau khi thu hoạch dứt điểm vụ lúa thu đông cần tiến hành xả lũ có kiểm soát để giảm áp lực lũ và vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị mùa vụ mới.
Thảo Vy