Lũ gây thiệt hại gần 21,7 tỷ đồng

Cập nhật ngày: 15/10/2018 09:26:39

http://baodongthap.com.vn/database/video/20181016061727NHA DOC bai.mp3

ĐTO - Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BĐKH PCTT&TKCN), tính đến hết ngày 30/9/2018 tổng thiệt hại do lũ của cả tỉnh là gần 21,7 tỷ đồng.


Nông dân huyên Châu Thành phải thu hoạch lúa sớm để chạy lũ. 
Ảnh: M.LÝ

Trong đó, lũ gây ra thiệt hại sạt lở ở hai khu vực sông Tiền và sông Hậu là nghiêm trọng nhất, ước tổng thiệt hại khoảng 12,62 tỷ đồng. Tình trạng sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu xảy ra tại 21 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị xã, thành phố: huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Cao Lãnh, Lấp Vò, Tam Nông, Châu Thành, TX.Hồng Ngự và TP.Sa Đéc (các khu vực sạt lở trọng điểm gồm bờ sông Hổ Cứ, xã Hòa An - TP.Cao Lãnh; xã Bình Thành - huyện Thanh Bình, xã An Hiệp - huyện Châu Thành, xã Long Thuận - huyện Hồng Ngự). Với tổng chiều dài sạt lở 26,1km, diện tích sạt lở 5,72ha. Sạt lở bờ sông gây mất an toàn cho đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh việc gây sạt lở ở khu vực sông, lũ cũng gây sạt lở ở nội đồng. Tình trạng sạt lở xảy ra tại 26 xã, phường, thị trấn của 8 huyện (Cao Lãnh, Thanh Bình, Lấp Vò, Châu Thành, Lai Vung, Tháp Mười, Tam Nông và TX. Hồng Ngự) với tổng chiều dài là 2.984m, diện tích 8.526m2, ảnh hưởng trực tiếp tới 11 hộ dân, ước thiệt hại khoảng 1,56 tỷ đồng.

Do tình hình lũ năm nay có nhiều diễn biến phức tạp, lũ lên cao và nhanh gây ra nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Theo ghi nhận của Ban Chỉ đạo Ứng phó với BĐKH PCTT&TKCN, diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do lũ là 458,4ha bao gồm thiệt hại về lúa, hoa màu và cây ăn trái, ước thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp khoảng 7,2 tỷ đồng. Trong đó, diện tích lúa bị thiệt hại do lũ là 231,7ha, diện tích hoa màu bị thiệt hại do lũ là 177,4ha chủ yếu là bắp, sắn, khoai môn, bí, ớt và khổ qua.

Diện tích thiệt hại chủ yếu nằm ở vùng không có ô bao hoặc ô bao không kiên cố như Thường Phước 1, Long Khánh A (huyện Hồng Ngự), Tân Thạnh, Tân Hòa (huyện Thanh Bình), xã Mỹ An Hưng A, xã Vĩnh Thạnh (huyện Lấp Vò)... Ngoài ra, lũ cũng gây thiệt hại trên diện tích vườn cây ăn trái, tổng diện tích bị ảnh hưởng do lũ là 49,3ha tập trung ở vùng mới, vùng chuyển đổi từ vườn tạp sang cây ăn trái không theo quy hoạch, chưa có bờ bao kiên cố đã bị ngập có nguy cơ bị thiệt hại cao (huyện Thanh Bình 44,1ha, TP.Cao Lãnh 4,06ha và Châu Thành 1,1ha).

Lũ lên nhanh cũng gây ảnh hưởng và thiệt hại ở nhiều diện tích nuôi thủy sản. Diện tích thủy sản bị thiệt hại 0,44 ha ở ấp Bình Lý, xã Bình Thạnh (TX Hồng Ngự) ước thiệt hại khoảng 300 triệu đồng.

Trước tình hình lũ diễn biến lũ phức tạp, Ban Chỉ đạo Ứng phó với BĐKH PCTT&TKCN yêu cầu các địa phương cần theo dõi sát diễn biến tình hình mưa, lũ hàng ngày; tham mưu kịp thời các phương án, biện pháp công trình và phi công trình chủ động phòng, chống, ứng phó thiên tai. Tăng cường chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai và thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để các ngành, các cấp và người dân biết chủ động phòng ngừa, ứng phó.

Tăng cường kiểm tra đê bao, gia cố ngay những đoạn đê bao cống đập còn thấp, chủ động bơm tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp; kiểm tra khu vực bờ sông có nguy cơ xảy ra sạt lở để cảnh báo và di dời dân đến nơi an toàn. Tăng cường chỉ đạo bảo vệ sản xuất nông nghiệp, dừng xuống giống vụ thu đông, thu hoạch sớm diện tích lúa hè thu ở những nơi không đảm bảo an toàn và đang ở giai đoạn trổ chín; bảo vệ và thu hoạch sớm các sản phẩm nông nghiệp khác, các sản phẩm nuôi trồng thủy sản có nguy cơ bị thiệt hại do nước lũ lên nhanh. Tổ chức, chỉ đạo lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến tại cấp xã, ấp và sẵn sàng hỗ trợ người dân ứng phó hiệu quả, đảm bảo an toàn về người, tài sản.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn