Công ty Lương thực Đồng Tháp

Xây dựng chuỗi liên kết gạo, hướng đến đảm bảo an toàn thực phẩm

Cập nhật ngày: 11/10/2018 05:16:06

Lúa, gạo là một trong những ngành hàng có tiềm năng lớn của Việt Nam nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng. Thế nhưng trong khi nhiều nước trong khu vực đã xây dựng thành công nhiều thương hiệu thực phẩm có vị trí vững chắc tại thị trường thế giới thì các sản phẩm của Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu do các rào cản tiêu chuẩn chất lượng.


Lễ ra mắt thương hiệu “Ruộng nhà mình”

“Để phát triển thị trường xuất khẩu gạo bền vững, nhất thiết phải giảm “lượng”, tăng “chất” bằng cách nâng cao chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, sản xuất theo hướng an toàn. Đặc biệt phải xây dựng được mối quan hệ kinh doanh bền vững, tin tưởng và hợp tác với người nông dân để tạo điểm tựa cho doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững” – ông Trần Tấn Đức – Giám đốc Công ty Lương thực Đồng Tháp chia sẻ.

Từ quan điểm này, những năm qua, hoạt động của Công ty Lương thực Đồng Tháp luôn hướng tới việc xây dựng mối liên kết bền vững, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp và người nông dân, xây dựng quan hệ hợp tác và cùng phát triển.

Là doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực xuất khẩu, mua bán, bảo quản, dự trữ, chế biến lương thực thực phẩm, nuôi trồng thủy sản và kinh doanh thương mại (siêu thị), từ năm 2013, Công ty Lương thực Đồng Tháp đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất bằng việc phối hợp cùng với chính quyền địa phương, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng mô hình liên kết sản xuất, gắn sản xuất và tiêu thụ. Tuy nhiên, bước đầu công ty cũng gặp không ít khó khăn do nông dân chưa quen với mô hình liên kết dẫn đến việc lật kèo, bẻ kèo khi giá lúa lên xuống thất thường.

Từ năm 2015 đến nay, việc liên kết sản xuất tiêu thụ lúa của công ty với các HTX trở nên khả quan hơn, do các bên đã tìm được tiếng nói chung, nông dân bước đầu đã sản xuất theo quy trình, có ý thức trong việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Cụ thể, trong 3 năm (2015-2017), Công ty Lương thực Đồng Tháp đã ký hợp đồng liên kết với diện tích 6.909ha, thu mua được 29.635 tấn lúa tươi với doanh số mua đạt trên 150 tỷ đồng.

Thông qua mô hình liên kết, công ty đã có vùng nguyên liệu ổn định. Cùng với cơ sở vật chất hiện có, công ty đã xây dựng thành công 3 loại gạo thơm an toàn mang nhãn hiệu Sếu Đỏ, Hương Tràm và Ramsa. Những sản phẩm này hiện được bán tại các siêu thị lớn như Auchan (Giant), hệ thống FoodcoMart, các đại lý tại TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Tháp, bước đầu đã được người tiêu dùng chấp nhận.

Để tiếp tục nâng cao giá trị cho hạt gạo nhằm tạo ra những sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), từ năm 2017, công ty đã xây dựng vùng nguyên liệu gạo sạch với quy trình sản xuất sử dụng 100% phân hữu cơ, 100% thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học. Từ đó đã xây dựng thêm 2 nhãn hiệu: gạo sạch Tràm Chim và gạo sạch Tháp Mười đạt tiêu chuẩn VSATTP. Những sản phẩm này bước đầu được tiêu thụ ở thị trường nội địa, sau khi được người tiêu dùng chấp nhận, đơn vị sẽ từng bước củng cố nhãn hiệu và nhân rộng quy mô sản xuất, đồng thời xúc tiến chào hàng vào thị trường Mỹ, EU và các nước phát triển khác.

Nhằm nâng cao năng lực sản xuất và dự trữ lúa gạo, công ty tăng cường cải tiến, hoàn thiện máy móc bằng việc mạnh dạn thay đổi các thiết bị lỗi thời bằng những thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến. Cụ thể, ngoài việc việc đầu tư trang thiết bị sản xuất và chế biến gạo xuất khẩu theo tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001:2015, công ty cũng mạnh dạn đầu tư nâng cấp một nhà máy sản xuất gạo cao cấp với quy trình sản xuất đạt chuẩn HACCP và các tiêu chuẩn tiên tiến khác như: BRC, SA 8000:2014 với năng lực đóng gói 120 tấn/ngày.

Đặc biệt, để đưa sản phẩm nông sản an toàn đến bữa ăn người tiêu dùng, trong vụ đông xuân năm 2018-2019, công ty phối hợp với 2 HTX trong dự án VnSAT là HTX Tiến Cường (Tam Nông) và HTX Thuận Tiến (huyện Cao Lãnh) cùng Công ty Cổ phần Chuỗi giá trị Nông sản Việt thực hiện chuỗi liên kết Gạo an toàn - tối ưu giá dưới thương hiệu “Ruộng nhà mình”. Đây là thương hiệu chung của các sản phẩm nông sản, thực phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi. Thông qua việc tối ưu hóa hiệu quả của từng khâu trong chuỗi bằng việc áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất và thương mại, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân và tiết kiệm chi phí mua nông sản từ 10-15% cho người tiêu dùng so với giá bán sản phẩm cùng loại trên thị trường.


Các đại biểu tham quan quy trình sản xuất gạo thương hiệu “Ruộng nhà mình”

Cụ thể với gạo từ lúa trong vùng trồng theo hướng VietGAP theo quy trình và biện pháp kiểm soát chất lượng từ khâu đầu vào đến đầu ra. Theo đó, trước khi thu hoạch 10 ngày, tổ chức lấy mẫu ngẫu nhiên phân tích để cơ quan chức năng chứng nhận sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam và các chỉ tiêu dư lượng thuốc BVTV theo quy định của Bộ Y tế. Sau đó, toàn bộ sản phẩm thu hoạch được bảo quản, chế biến, đóng gói tại Nhà máy chế biến gạo cao cấp đạt chứng nhận quốc gia và quốc tế. Các tổ chức tham gia chuỗi liên kết được chia sẻ lợi nhuận sau bán hàng lên đến 500 đồng/kg đối với lúa sạch và 150 đồng/kg đối với lúa an toàn. Sản phẩm của chuỗi được đa dạng gồm: gói 2kg, 5kg, 10kg.

Ông Trần Tấn Đức – Giám đốc Công ty Lương thực Đồng Tháp cho rằng: “Với tôn chỉ hoạt động “Công bằng về lợi ích trên toàn chuỗi và minh bạch mọi thông tin với người tiêu dùng”, sản phẩm gạo “Ruộng nhà mình” được xem như bước đột phá tư duy về xây dựng niềm tin cho hạt gạo Việt trong bối cảnh người tiêu dùng còn nhiều lo lắng về chất lượng lẫn an toàn thực phẩm với nông sản trong nước. Tôi tin tưởng, với quy trình sản xuất an toàn, minh bạch, đảm bảo VSATTP, người tiêu dùng trong nước sẽ tin tưởng dùng sản phẩm gạo quê hương với thương hiệu “Ruộng nhà mình”. Đồng thời, đây sẽ là bước đệm để thương hiệu gạo Việt Nam có thể vươn xa trên thị trường thế giới”.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn