Người trẻ với khát vọng khởi nghiệp

Cập nhật ngày: 27/02/2020 15:39:14

ĐTO - Những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp của các bạn trẻ Đất Sen hồng Đồng Tháp diễn ra sôi nổi với nhiều dự án thiết thực, kiến tạo môi trường khởi nghiệp bền vững, khơi dậy, hun đúc tinh thần cho nhiều người khác cùng tham gia. Mỗi dự án khởi nghiệp, tạo ra sự khác biệt, sáng tạo gắn với thực tiễn đời sống, góp phần quan trọng vào sự phát trển kinh tế của tỉnh nhà.

Kỳ 1: Tạo ra sản phẩm khác biệt

Thời gian qua, tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên Đồng Tháp rất đáng ghi nhận. Nhiều bạn trẻ đã tự tìm cho mình con đường khởi nghiệp riêng bằng khát vọng làm giàu, đam mê, nhiệt huyết với ý tưởng đổi mới, sáng tạo ra những sản phẩm không “đụng hàng” với bất kỳ ai.

Sản phẩm vươn ra thế giới

Sau 8 năm gắn bó với nghề giáo, anh Trương Lê Huy Hoàng (32 tuổi, ngụ khóm Tân Bình, phường An Hòa, TP.Sa Đéc) đã rẽ sang con đường khác khi quyết định khởi nghiệp với sản phẩm khô trâu. Tại hội chợ Quốc tế về thực phẩm và đồ uống ThaiFex 2019, diễn ra tại Bangkok (Thái Lan), gian hàng khô trâu Quang Hiển của anh nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp quốc tế.


Anh Trương Lê Huy Hoàng tham gia giới thiệu sản phẩm khô trâu tại Hội chợ Thaifex (Thái Lan)

Trước đây, ngoài thời gian đi dạy học, anh Hoàng tranh thủ tham gia Câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế do Thành đoàn Sa Đéc tổ chức. Qua quá trình tham gia sinh hoạt, anh Hoàng dần đam mê việc làm kinh tế và muốn khởi nghiệp. Năm 2017, anh Hoàng thành lập cơ sở chuyên sản xuất kinh doanh đặc sản khô trâu. Ban đầu, khô trâu được anh Hoàng sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống nên bị mất nhiều hàm lượng dinh dưỡng, do đó anh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào dây chuyền sản xuất.

Từ số vốn ban đầu khoảng 50 triệu đồng, anh Hoàng bắt tay xây dựng dự án khởi nghiệp. Sau đó, anh đầu tư thêm gần 500 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, trang bị máy móc, đưa quy trình sản xuất vào khép kín để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng năng suất. “Ngày xưa, tôi học chuyên ngành sư phạm sinh học, hay nghiên cứu về giá trị dinh dưỡng trong các loại sinh vật, thấy thịt trâu là loại thịt tốt cho sức khỏe, giá trị dinh dưỡng protein và hàm lượng sắt trong thịt trâu cao, hàm lượng cholesterol thì lại thấp. Mặt khác, hiện tại trên thị trường, thịt trâu Việt Nam rất thấp so với các loại thịt nhập khẩu khác, từ suy nghĩ đó tôi muốn tạo ra sản phẩm nâng cao giá trị của thịt trâu lên” - anh Hoàng cho biết ý tưởng khởi nghiệp.

Đến nay, sản phẩm khô trâu Quang Hiển của anh Hoàng đã đến tay người tiêu dùng khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước qua hệ thống siêu thị BigC, các cửa hàng ministop tại TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, TP.Đà Nẵng, TP.Cần Thơ... Mỗi tháng, cơ sở khô trâu Quang Hiển cung cấp ra thị trường hàng trăm ký khô trâu với các hương vị ớt hiểm, sả ớt, tiêu... Anh Hoàng đúc kết: “Khởi nghiệp cần phải chịu khó tìm thị trường. Người khởi nghiệp phải tìm đến các điểm bán hàng nắm bắt phản hồi người tiêu dùng để có sự điều chỉnh phù hợp từ chất lượng, hương vị cho đến bao bì, quy cách đóng gói”.

Từng xuất thân từ việc bán trái mãng cầu xiêm ở lề đường, sau thời gian khởi nghiệp, anh Đặng Quý Ngọc (33 tuổi, ngụ xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung) hiện là Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển thực phẩm Thuận Thiên Thành. Điều đặc biệt ở vị giám đốc trẻ tuổi này là tinh thần “tự bơi” ra “biển lớn” đàm phán thành công với đối tác “khó tính”, ký kết nhiều hợp đồng bán hàng sang các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia.


Anh Đặng Quý Ngọc “tự bơi” tìm thị trường để đưa trái mãng cầu xiêm quê nhà ra thế giới

Anh Ngọc trải lòng: “Trước đây, gia đình tôi có vài công đất trồng mãng cầu xiêm nhưng đến mùa thu hoạch thường bị thương lái mua ép giá. Thấy vậy, tôi cùng người thân chở mãng cầu đi bán lẻ tại các chợ. Việc tôi chọn khởi nghiệp từ trái mãng cầu xiêm, trước hết là muốn giúp nông sản của nông dân ở huyện Lai Vung có đầu ra ổn định, không còn cảnh bị thương lái ép giá. Đồng thời, tôi muốn nâng cao giá trị cho trái mãng cầu xiêm của quê mình”.

Học xong lớp 12, anh Ngọc đi TP.Hồ Chí Minh làm công nhân với nhiều công việc khác nhau. Ngoài giờ gian làm việc, anh Ngọc tranh thủ học thêm tin học, ngoại ngữ... để tích lũy cho mình những kiến thức cần thiết. Gần 10 năm “bôn ba” làm công nhân, cuối cùng anh Ngọc quyết định trở về quê nhà huyện Lai Vung để khởi nghiệp. Từ trái mãng cầu xiêm giá trị kinh tế chưa cao, anh Ngọc chế biến ra các sản phẩm như: Sona - Mãng cầu tươi sấy dẻo vị truyền thống, Sona - Mãng cầu tươi sấy dẻo vị muối ớt đỏ, Soga - Trà trái cây mãng cầu xiêm, thức uống mãng cầu dinh dưỡng... Các sản phẩm này hiện nay đã được xuất khẩu sang các nước do chính anh trực tiếp đi nước ngoài đàm phán với đối tác, mở rộng thị trường, đưa giá trị trái mãng cầu xiêm ra thế giới.


Anh Nguyễn Chí Khanh (thứ 4 từ trái sang) nhận giải Ba Cuộc thi dự án khởi nghiệp (Ảnh: VCCI)

Nâng cao giá trị ngành hàng vịt

Luôn bám sát định hướng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp và để khai thác các thế mạnh, tiềm năng sẵn có, anh Nguyễn Chí Khanh (33 tuổi, ngụ ấp K10, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông) đã khởi nghiệp với mong muốn góp phần nâng cao giá trị ngành hàng vịt. Theo anh Khanh, vịt được lãnh đạo tỉnh xác định là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực để phát triển Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp nhưng xét về tổng thể, ngành hàng vịt vẫn còn gặp khó khăn so với các ngành hàng còn lại là cá tra, lúa gạo, hoa kiểng, xoài. Đặc biệt, trong khâu liên kết và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi, chưa tạo được chuỗi giá trị chăn nuôi, thị trường tiêu thụ còn phụ thuộc vào thương lái, giá cả không ổn định.

“Xuất phát từ thực tế đó, tôi đã quyết tâm tìm hướng đi hiệu quả và bền vững cho trứng vịt, bằng việc xây dựng thương hiệu đặc sản “Trứng hột vịt muối ngâm thuốc bắc Thanh Long” nhằm góp phần hình thành chuỗi liên kết phát triển sản xuất thực hiện đề án trọng tâm của tỉnh” - anh Khanh chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp. Và sau thời gian ngắn khởi nghiệp, tại Vòng chung kết Cuộc thi dự án khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long năm 2018, dự án khởi nghiệp “Trứng hột vịt muối ngâm thuốc bắc Thanh Long” của anh Nguyễn Chí Khanh đã được trao giải Ba.

Với lợi thế là gia đình có tiệm bán thuốc bắc, quen thuộc các loại dược liệu, anh Khanh đã chế biến trứng vịt muối ngâm thuốc bắc với hương vị đặc trưng. Anh Khanh tiết lộ: “Lúc đầu, tôi chỉ thí nghiệm khoảng 100 trứng vịt muối ngâm thuốc bắc để ăn trong gia đình và bán lẻ cho bà con trong xóm, được nhiều người ăn khen ngon. Cuối năm 2017, tôi mạnh dạn sản xuất và đăng ký thương hiệu độc quyền “Trứng hột vịt muối ngâm thuốc bắc Thanh Long”. Sau khi chào hàng, sản phẩm trứng vịt muối ngâm thuốc bắc của anh Khanh được người tiêu dùng ưa chuộng và bán rất chạy. “Thương hiệu của tôi được tin dùng bởi đây là đặc sản địa phương, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thơm ngon, có hương vị thuốc bắc đặc trưng” - anh Khanh cho biết.

Anh Khanh chia sẻ định hướng sắp tới: “Tôi trang bị thêm nhiều máy móc trong quá trình sản xuất hiện đại theo hướng công nghệ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài sản phẩm trứng vịt muối ngâm thuốc bắc, cơ sở sẽ sản xuất thêm dạng lòng đỏ trứng vịt muối hút chân không để đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như nhu cầu xuất khẩu sang các nước có tiềm năng”.

Bí thư Tỉnh đoàn Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh cho biết: “Để tiếp sức cho thanh niên khởi nghiệp, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn đã hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp như thành lập mạng lưới khởi nghiệp, mô hình phòng hỗ trợ khởi nghiệp, các chương trình đào tạo, tập huấn chuyên đề trong lĩnh vực quản trị sản xuất và kinh doanh, tuyển chọn dự án để đầu tư thúc đẩy phát triển, các cuộc thi tìm dự án khởi nghiệp để ươm tạo, hỗ trợ vốn phát triển... Thanh niên khởi nghiệp nên chọn ý tưởng mang tính khác biệt, phục vụ thiết thực cho nhu cầu thị trường. Khởi nghiệp luôn gặp nhiều khó khăn và rủi ro nên các bạn cần phải trang bị kiến thức đầy đủ về khả năng quản trị dự án, cập nhật kịp thời tác động và xu thế thị trường để linh hoạt trong sử dụng các giải pháp phát triển dự án, phải tăng cường tính liên kết, tinh thần hợp tác... để thúc đẩy dự án ngày càng phát triển, thị trường mở rộng và tăng sức cạnh tranh sản phẩm của dự án”.

DƯƠNG ÚT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn