Người trẻ với khát vọng khởi nghiệp

Cập nhật ngày: 28/02/2020 10:12:41

Kỳ 2: Khởi nghiệp từ thế mạnh tài nguyên bản địa

Khai thác các tài nguyên bản địa vốn có của quê hương thành sản phẩm khởi nghiệp có giá trị kinh tế cao đang là hướng đi được nhiều bạn trẻ ở Đồng Tháp thực hiện có hiệu quả. Nhiều sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, thể hiện rõ nét đặc trưng, thế mạnh tài nguyên bản địa của địa phương.

>> Kỳ 1: Tạo ra sản phẩm khác biệt


Nhiều người trẻ chọn nghề làm nước mắm truyền thống để khởi nghiệp

Đậm đà nước mắm truyền thống

Với ý nghĩ muốn giữ gìn cách làm nước mắm truyền thống mang hương vị quê nhà, chị Lương Thị Bích Tuyền (32 tuổi, ngụ xã An Hòa, huyện Tam Nông) chọn nghề sản xuất nước mắm làm hành trang khởi nghiệp.

Dẫn chúng tôi đi tham quan cơ sở sản xuất nước mắm nhỉ truyền thống 3 đời của gia đình, chị Tuyền nhớ lại, dự án khởi nghiệp nước mắm nhỉ truyền thống ra đời từ cuối năm 2016. Trước đó, gia đình chỉ có 3 khạp mắm, chủ yếu làm để dùng trong gia đình, sau giới thiệu cho hàng xóm ăn thử, nhiều người khen ngon nên đặt mua. Dần dà sản phẩm có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng, nên chị đã tăng lượng sản xuất hơn 200 khạp. Dự kiến trong 3 năm tới, cơ sở sẽ tăng lên 1.000 khạp ủ cá để đáp ứng nhu cầu của khách hàng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các siêu thị, các cửa hàng bán lẻ.

Chị Tuyền chia sẻ: “Nước mắm ủ từ cá linh và muối, phải ủ từ 9 - 12 tháng mới thành phẩm nên đến mùa nước nổi là tôi thu mua cá để ủ đến mùa nước năm sau có nước mắm bán ra thị trường. Nước mắm nhỉ truyền thống, tôi làm hoàn toàn từ cá thiên nhiên và muối, không chất bảo quản, không phẩm màu, không dùng bất cứ chất gì gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng”.

Trên thị trường có rất nhiều thương hiệu nước mắm truyền thống hình thành hàng trăm năm như: nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết... nhưng đó là nước mắm cá biển còn “Nước mắm nhỉ cá linh Bích Tuyền” là nước mắm cá đồng có hương vị rất riêng. Đang kiểm tra các khạp ủ cá, chị Tuyền tiết lộ bí quyết: “Cá và muối ủ trong khạp, phơi nắng và khuấy đảo thường xuyên nên cá ủ mau rã và mau chín. Khi cá rã hoàn toàn thì cho ra khạp để nhỉ từng giọt, vừa nhỉ vừa phơi nắng. Khi nước mắm đã nhỉ hết khạp thì đổ nước mắm ra khạp nhỏ để phơi nắng lại cho nước mắm chín đều và thơm hơn”.

Anh Nguyễn Chí Khanh - Phó Bí thư Huyện đoàn Tam Nông nhận xét: “Dự án nước mắm nhỉ truyền thống của chị Tuyền rất có nhiều tiềm năng phát triển. Chị Tuyền đã khai thác lợi thế và điều kiện tự nhiên sẵn có ở vùng đầu nguồn, mỗi khi mùa nước nổi về là mùa cá linh theo con nước rất nhiều nên ngư dân đánh bắt được sản lượng lớn. Chị Tuyền đã tận dụng lợi thế này và thực hiện tốt dự án khởi nghiệp. Hiện nay, nước mắm nhỉ truyền thống của chị Tuyền đã được thị trường đón nhận, nhiều khách hàng tin dùng”.

Cũng chọn khởi nghiệp từ nước mắm, chị Phan Thị Kim Diệu (30 tuổi, ngụ xã Bình Thạnh, TX.Hồng Ngự), chủ Cơ sở nước mắm cá linh Dì Mười đã làm ra sản phẩm được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp tỉnh. Từ khâu chọn nguyên liệu là cá linh ủ ra nước mắm đều được chế biến thủ công và sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, sạch nên người tiêu dùng an tâm khi sử dụng. Hiện nay, thị trường tiêu thụ nước mắm Dì Mười đã được mở rộng, chất lượng ngày càng nâng cao. “Do nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có của địa phương và dựa trên nhu cầu sử dụng nước mắm ngon, sạch của người tiêu dùng nên tôi chọn hướng khởi nghiệp từ nghề sản xuất nước mắm” - chị Diệu cho biết.

Mỗi tháng, cơ sở xuất ra thị trường hàng trăm lít nước mắm các loại. Nước mắm Dì Mười đang có 3 loại: nước mắm nhỉ, nước mắm loại nhất và nước mắm loại kho. Mỗi loại, tuy có công thức chế biến riêng nhưng tất cả đều có điểm chung là hương vị thơm ngon đặc trưng. Tinh túy của sản phẩm có được nhờ cách chế biến truyền thống, thơm ngon từ nguyên liệu cá thiên nhiên, an toàn trong từng khâu sản xuất đã làm nên hương vị đậm đà trong từng giọt nước mắm. “Sản phẩm của tôi mang đặc trưng vùng miền, là nước mắm cá linh thơm ngon, khác các loại nước mắm công nghiệp, không sử dụng hóa chất, phẩm màu, ủ nước mắm hoàn toàn tự nhiên nên người tiêu dùng tin tưởng sử dụng sản phẩm an toàn” - chị Diệu chia sẻ.


Sử dụng hoa làm trà để phát huy tác dụng của hoa

Biến hoa thành trà

Là giáo viên dạy học tại Trường THCS Trần Thị Nhượng (TP.Sa Đéc) nhưng với niềm đam mê sưu tầm, chế biến các sản phẩm từ hoa, chị Lương Thị Diễm Trinh (27 tuổi, ngụ xã Tân Quy Tây, TP.Sa Đéc) đã chọn hoa để làm hướng đi khởi nghiệp.

Vận dụng kiến thức đã học và học hỏi từ nhiều nơi, chị Trinh theo đuổi niềm đam mê sưu tầm và chế biến ra các sản phẩm trà hoa. “Lúc đầu, tôi chỉ sản xuất dùng trong gia đình, sau đó biếu bạn bè dùng thử và được nhiều người khen ngợi. Từ động lực đó, tôi quyết định làm ra số lượng nhiều để cung cấp cho người tiêu dùng” - chị Trinh cho biết.

Tận dụng diện tích hơn 1.000m2 đất vườn nhà, Chị Trinh trồng hoa đậu biếc, nguyệt quế, đinh lăng... theo phương pháp an toàn sinh học, không sử dụng phân bón hóa học để có nguồn nguyên liệu sạch sản xuất trà. Sản phẩm trà hoa của chị Trinh đã phần nào giúp nhiều người hiểu thêm công dụng của hoa mang lại và nâng cao giá trị ngành hàng hoa kiểng trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp. Sản phẩm trà hoa của chị Trinh đã đến với khách hàng trong, ngoài tỉnh Đồng Tháp.

Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành bảo vệ thực vật, anh Trần Duy Đôn (32 tuổi, ngụ xã An Phong, huyện Thanh Bình) từng làm việc cho các công ty nhưng cuối cùng quyết định về khởi nghiệp trên chính mảnh ruộng của quê nhà. Anh Đôn chọn khởi nghiệp bằng dự án cung ứng hoa và trà thiên lý. Dự án khởi nghiệp của anh Đôn mới bắt đầu chưa được bao lâu đã đạt giải Khuyến khích Cuộc thi dự án khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long năm 2018.

Anh Đôn cho biết, tình cờ đến tỉnh Long An, thấy người dân trồng rất nhiều hoa thiên lý nên nảy ra suy nghĩ về quê trồng hoa thiên lý để cung cấp cây giống. Ban đầu, anh Đôn trồng thử nghiệm trên khoảng 2 công đất, đến nay, anh đã phát triển trồng hoa thiên lý trên 30 công đất. Hiện mỗi năm, anh cung ứng cho thị trường khoảng 20.000 cây giống, 20 tấn hoa thiên lý tươi và chế biến sản phẩm trà túi lọc hoa thiên lý cung cấp ra thị trường 60.000 hộp sản phẩm.


Chị Nguyễn Anh Thy đóng gói củ ấu đã tách vỏ

“Thương nhau củ ấu cũng tròn”

Củ ấu vốn sần sùi màu đen, với hình dạng dài, ngắn khác nhau nên tuyệt nhiên không thể nào gọi là tròn được. Ấy vậy mà chị Nguyễn Anh Thy (33 tuổi, ngụ xã Mỹ Trà, TP.Cao Lãnh) đã biến củ ấu xù xì thành “tròn” và “tròn” ở đây là hàm ý nâng cao giá trị kinh tế của củ ấu.

Là giáo viên của Trường Năng khiếu thể dục thể thao tỉnh Đồng Tháp nhưng chị Thy lại mang niềm trăn trở với củ ấu và đã chọn để làm dự án khởi nghiệp. Dự án khởi nghiệp của chị Thy hướng đến việc nâng cao giá trị nông sản địa phương và giúp người nông dân trồng ấu có đầu ra ổn định. Đặc biệt, Dự án sản xuất và chế biến sản phẩm từ củ ấu của chị đạt giải Nhì - Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức năm 2018.

Biết củ ấu được trồng nhiều tại 2 huyện Lai Vung, Lấp Vò của tỉnh nhưng chị Thy chỉ thấy người dân bán củ ấu tươi hoặc luộc sẵn để bán ở ven đường nên giá trị của củ ấu rất thấp. Xuất phát từ những trăn trở đó, chị Thy đã đưa ra ý tưởng khởi nghiệp các sản phẩm từ củ ấu. Năm 2017, chị Thy bắt đầu nghiên cứu dự án sản xuất củ ấu tươi tách vỏ xuất khẩu. Sau đó, chị tiếp tục cho ra mắt thị trường dòng sản phẩm mới từ củ ấu như: sữa củ ấu, sữa hạt sen củ ấu, sữa củ ấu gạo lứt.

Bí thư Tỉnh đoàn Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh đánh giá: “Nhiều sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên Đồng Tháp phát huy từ thế mạnh vốn có ở địa phương đã được thị trường đón nhận và có tiềm năng phát triển bền vững. Việc khai thác các nguồn tài nguyên bản địa để làm sản phẩm khởi nghiệp đã góp phần làm tăng giá trị các tài nguyên. Tư duy dám nghĩ, dám làm của thanh niên tạo ra nhiều sản phẩm khởi nghiệp có giá trị, chất lượng được sản xuất từ các nguyên liệu tại địa phương sẽ là tiềm lực lớn, góp phần để thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh Đồng Tháp”.

DƯƠNG ÚT

(Hết)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn