Nhà nước – Doanh nghiệp chung tay gỡ khó cho ngành hàng vịt
Cập nhật ngày: 11/03/2020 12:53:14
ĐTO - Thời gian qua, Đồng Tháp đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành hàng vịt, đưa nghề chăn nuôi thế mạnh của địa phương bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, “điểm nghẽn” lớn nhất khiến cho ngành hàng vịt chưa phát huy hết tiềm năng chính là khâu tiêu thụ còn khó khăn. Hướng đến sự phát triển bền vững, địa phương đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp (DN) tham gia xây dựng chuỗi liên kết ngành hàng vịt.
Mô hình chăn nuôi vịt theo hướng công nghiệp tại huyện Tháp Mười
Khâu tiêu thụ còn khó khăn
Trong năm 2019, ngành chăn nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn về thị trường, dịch bệnh. Riêng người nuôi vịt phải gồng mình trước tình trạng giá cả bấp bênh, vịt nuôi đến lứa nhưng không có đầu ra. Đáng buồn hơn, có thời điểm giá trứng và vịt thịt bán thấp hơn giá thành sản xuất, khiến cho người chăn nuôi bị thua lỗ nghiêm trọng.
Ông Hà Thanh Duy ở xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh tâm sự: “Năm qua, có những thời điểm giá vịt xuống thấp tới mức chỉ còn 29 – 30 ngàn đồng/kg và không có thị trường tiêu thụ. Do giá vịt xuống thấp nên sau 3 đợt thả nuôi với tổng đàn trên 2.000 con, gia đình tôi lỗ ngót nghét gần 50 triệu đồng”.
Nhiều hộ nuôi vịt lấy trứng cũng gặp khó khăn khi giá trứng vịt xuống thấp bất ngờ, khiến cho những hộ nuôi vịt rọ (theo hướng công nghiệp) cho vịt chạy đồng trở lại nhằm tiết giảm chi phí. Tuy nhiên, theo ngành thú y tỉnh Đồng Tháp, khi cho vịt chạy đồng bộc lộ rất nhiều hạn chế. Trong đó, hạn chế rõ nhất là việc không kiểm soát được nguồn thức ăn đầu vào dẫn đến trứng không đạt chất lượng để cung ứng cho DN xuất khẩu hay tiêu thụ tại các kênh phân phối hiện đại. Bên cạnh đó, rủi ro về dịch bệnh cũng gia tăng khiến cho tỉ lệ đàn vịt hao hụt nhiều hơn sau mỗi lần vượt đồng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có khoảng 6,8 triệu con vịt, sản lượng trứng cung cấp cho thị trường bình quân 273 triệu trứng/năm. Mặc dù Đồng Tháp là địa phương có tổng đàn vịt lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long nhưng hiện nay chỉ có khoảng 154 ngàn con vịt được chăn nuôi theo quy trình công nghiệp tại 5 tổ hợp tác (THT) trên địa bàn các huyện: Tháp Mười, Tam Nông, Thanh Bình, với sản lượng bình quân trên 3,8 triệu trứng/tháng. Đây cũng là rào cản khi có DN muốn thực hiện liên kết tiêu thụ quy mô lớn. Hiện nay, phần lớn sản lượng trứng vịt của tỉnh chủ yếu được bán tươi cho thương lái, phục vụ thị trường nội địa.
Được biết, cách đây khoảng 4 năm, tỉnh Đồng Tháp hình thành một số THT chăn nuôi vịt theo mô hình công nghiệp tại một số địa phương, đã có DN ở TP. HCM đến thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm trứng vịt của bà con. Tuy nhiên, trong thời gian hợp tác, giữa DN thu mua trứng vịt và nông dân nuôi vịt chưa tìm được tiếng nói chung về giá cả, dẫn đến chuỗi ngành hàng vịt bị đứt gãy. Đến nay, các khâu chế biến sản phẩm vẫn còn bỏ ngỏ khiến cho ngành hàng vịt của Đồng Tháp khó bước ra khỏi phạm vi “ao làng”.
Mở ra hy vọng cho người chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững
Xác định DN là một trong những mắt xích quan trọng giúp cho chuỗi ngành hàng vịt phát triển bền vững, cuối tháng 2 vừa qua, Đoàn công tác của tỉnh Đồng Tháp do Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan làm Trưởng đoàn đã đến làm việc về kết nối tiêu thụ sản phẩm trứng vịt của tỉnh với Công ty CP Ba Huân (TP.HCM). Đáp lại lời mời của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, đầu tháng 3/2020, DN Ba Huân đến khảo sát vùng chăn nuôi vịt tập trung của tỉnh. Hướng đến sự phát triển của ngành hàng vịt, qua chuyến khảo sát, nhiều ký kết hợp tác giữa người chăn nuôi vịt của tỉnh nhà và Công ty CP Ba Huân được thực hiện. Thông qua việc hợp tác này, mở ra nhiều hi vọng cho người chăn nuôi về việc phát triển chăn nuôi ổn định và bền vững.
Bà Phạm Thị Huân - Tổng Giám đốc Công ty CP Ba Huân nhận xét: “Từ việc nuôi vịt chạy đồng chuyển sang nuôi vịt nhốt rọ theo quy trình công nghiệp là sự đột phá về tư duy sản xuất của nông dân tỉnh Đồng Tháp. Bởi đây là giải pháp duy nhất có thể giúp nhà chăn nuôi chủ động kiểm soát chất lượng trứng vịt một cách hiệu quả. Hiện tại, thị trường xuất khẩu trứng vịt của công ty đang tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, để trứng vịt có thể xuất khẩu cũng như tiêu thụ tốt tại các kênh phân phối hiện đại trong nước thì người chăn nuôi cần thực hiện theo hướng an toàn sinh học, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Nhận thấy sự cần thiết của DN tham gia chuỗi sản xuất ngành hàng vịt, ông Lê Ngọc Mới - Tổ trưởng THT chăn nuôi vịt an toàn xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười bày tỏ: “Nông dân chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng liên kết hợp tác Công ty CP Ba Huân lần này. Bởi chỉ có liên kết với DN thì nông dân sẽ yên tâm hơn về thị trường để từ đó chuyên tâm nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề THT trăn trở hiện nay chính là làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa DN và người nông dân. Bởi trước đây, THT từng ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ với một DN, tuy nhiên khi lợi nhuận không được san sẻ hợp lý, dẫn đến mối liên kết bị đứt gãy. Để sự hợp tác bền vững hơn, ngoài nỗ lực thì người nông dân cũng cần có sự san sẻ nhiều hơn từ phía DN”.
Vấn đề ông Mới băn khoăn cũng là nỗi niềm chung của nhiều nông dân. Tuy nhiên, đứng trước cơ chế thị trường, bản thân DN cũng phải chịu rủi ro nhất định chứ không riêng gì nông dân. Dưới góc nhìn rộng mở hơn, người nông dân sẽ dễ dàng có những thấu hiểu và chia sẻ với DN hơn khi thực hiện chuỗi liên kết.
Nhìn nhận về thực hiện chuỗi liên kết trong nông nghiệp thời gian qua tại địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, phần lớn các chuỗi liên kết giữa nông dân và DN bị đứt gãy thường xuất phát từ hai phía, không phải lỗi của riêng DN. Bà con nông dân vẫn còn tình trạng không tuân thủ hợp đồng khi giá cả thay đổi. Do đó, để chuỗi liên kết bền chặt, nền nông nghiệp phát triển bền vững hơn, người nông dân cần hướng đến sự “tử tế” và chuyên nghiệp hơn trong làm ăn và liên kết với DN.
Mỹ Lý