Nhiều nông dân trồng lúa lo lắng vì “hàng xóm” vô tư bán đất mặt
Cập nhật ngày: 03/09/2019 10:33:49
ĐTO - Mặc kệ những lời cảnh báo của các nhà khoa học và ngành chức năng về tác hại nghiêm trọng khi khai thác lớp đất mặt, nhiều nông dân ở huyện biên giới Hồng Ngự vẫn vô tư bán đi lớp đất mặt trên ruộng của mình. Điều đáng nói là không chỉ dừng lại khai thác một lớp đất mỏng trên mặt mà các chủ ruộng này còn cho khai thác sâu xuống từ 1 - 1,5m so với những ruộng lân cận.
Nông dân trồng lúa lo lắng trước tình trạng rầm rộ đào ao nuôi cá
Vụ lúa đông xuân sắp đến, anh Nguyễn Văn Cơ ngụ xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự lo lắng vì không biết vụ đông xuân tới phải canh tác như thế nào khi ruộng lúa của “ông hàng xóm” đã trở thành một ao nuôi cá. Anh Cơ than: “Làm lúa mà trên ruộng có chỗ gò cao, chỗ trũng sâu là đã khó canh tác, nói chi đến chuyện hai ruộng liền kề nhau nhưng lại chênh lệch độ cao hơn 1,5m. Canh tác khó khăn, thất thoát phân bón và nước tưới là chuyện tất yếu, nhưng vấn đề mà tôi lo lắng hơn hết chính là việc quản lý chuột bọ và dịch hại”.
Theo ghi nhận tại huyện Hồng Ngự, tình trạng khai khác đất mặt và đào ao nuôi cá khá phổ biến trên cặp các tuyến kinh nội đồng như: kênh Tứ Thường, kênh Mương Lớn. Phần lớn diện tích ao nuôi tự phát và khai thác đất mặt thường nằm ngay mặt tiền dọc các tuyến kinh.
Ông Lê Văn Khợi ở ấp 6, xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự cho biết: “Đất nhà người ta, người ta muốn bán đất mặt hay chuyển làm cái gì thì mình cũng không thể can thiệp được. Nhưng điều đáng nói là khi mấy hộ ngoài mặt tiền cứ đào ao hết thì tới mùa thu hoạch lúa, chúng tôi cũng không biết cộ lúa ra đê bằng đường nào. Chưa kể trong quá trình làm lúa thì nước mọi từ ao cá chảy qua sẽ rất khó khăn cho việc trồng lúa”.
Theo nhiều người dân ở huyện Hồng Ngự, nguyên nhân khiến cho việc bán đất mặt rầm rộ thời gian gần đây là giá mua của các chủ lò gạch khá hấp dẫn. Mỗi công (khoảng 1.300m2) nếu khai thác lớp đất mặt có bề sâu khoảng từ 1 - 1,5m, chủ ruộng có thể “bỏ túi” từ 80 - 100 triệu đồng. Đây là mức giá bằng với giá bán một công đất trồng lúa hiện thời tại địa phương. Do đó, bán đất mặt không chỉ có được một khoản tiền lớn mà chủ ruộng còn lãi thêm được cái ao sâu để chuyển sang nuôi cá.
Theo ông Trịnh Văn Thảo, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hồng Ngự, tình trạng đào ao tự phát diễn ra trên địa bàn huyện trong thời gian gần đây là do ảnh hưởng từ việc giá cá tra và cá lóc tăng mạnh trong năm 2018. Hiện trên địa bàn huyện có gần 25ha đào ao tự phát, nằm rải rác khắp 11 xã trên địa bàn huyện. Thời gian qua, địa phương cũng lập đoàn công tác liên ngành đến kiểm tra thực tế tình trạng đào ao trái phép ở các xã. Trong đó đã xử phạt 33 trường hợp vi phạm, đoàn kiểm tra cũng yêu cầu các chủ ruộng ký cam kết không tiếp tục tái phạm. Hiện tại, UBND huyện Hồng Ngự cũng có công văn chỉ đạo UBND các xã theo dõi và cam kết không để phát sinh thêm trường hợp đào ao nuôi cá và khai thác đất mặt trên địa bàn xã. Nếu xã nào để phát sinh thêm thì lãnh đạo xã phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện Hồng Ngự.
Việc khai thác đất mặt quá đà sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường, trước hết là ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế và phát triển sản xuất của những hộ trồng lúa xung quanh, kế đến là phá vỡ về quy hoạch sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Điều quan trọng là một khi đất mặt đã được lấy đi thì không biết phải mất bao lâu để các diện tích này mới được bồi lắng như bình thường. Và việc các hộ dân này có muốn quay lại trồng lúa hay canh tác bất kỳ cây trồng nào thì sẽ là điều không thể. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả là chủ trương chung của tỉnh, song người dân cần chuyển đổi sang những mô hình sản xuất bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, tránh tình trạng khai thác thiên nhiên thô bạo.
Mỹ Lý