Nông dân Nguyễn Anh Dũng - “Nhà khoa học của Nhà nông”

Cập nhật ngày: 29/12/2018 08:48:33

Trong 53 cá nhân được vinh danh tại lễ tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông” lần thứ nhất năm 2018 có anh Nguyễn Anh Dũng (xã Định An, huyện Lấp Vò). Đây là người nông dân duy nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đứng trong hàng ngũ những nhà khoa học được vinh danh với việc nghiên cứu lai tạo thành công các giống lúa chất lượng.


Ông Nguyễn Anh Dũng (đứng hàng thứ nhất, vị trí thứ 7 từ trái sang) được chứng nhận tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông”

Từ trước tới nay, việc nghiên cứu lai tạo giống lúa mới chủ yếu là công việc đòi hỏi những người có chuyên môn sâu tại các viện, trường. Tuy nhiên với sự nỗ lực học hỏi, nghiên cứu, nông dân Nguyễn Anh Dũng đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Trong nhiều năm qua, ở Đồng Tháp nói riêng và ĐBSCL nói chung, nông dân chủ yếu sử dụng giống IR50404 để canh tác. Ưu điểm của giống lúa này cho năng suất cao, thích nghi tốt với khí hậu nhưng phẩm chất và giá trị xuất khẩu thấp, trong khi các giống lúa mới lại chưa đáp ứng được trọn vẹn yêu cầu sản xuất của nông dân.

Chia sẻ khó khăn với người nông dân cùng với sự thay đổi của thị trường, anh Nguyễn Anh Dũng xác định bản thân cần được trang bị những kiến thức khoa học nông nghiệp, ứng dụng kỹ thuật để tạo giống lúa mới, tạo ra sự khác biệt, nâng cao thu nhập cho gia đình và bà con nông dân.


 Ông Nguyễn Anh Dũng tại buổi lễ vinh danh

Anh Nguyễn Anh Dũng chia sẻ: “Người nông dân sẽ khó đổi đời nếu sản xuất loại giống có phẩm chất gạo thấp. Để vươn lên làm giàu từ canh tác lúa đòi hỏi phải có những hướng đi mới, sản phẩm gạo phải có sự khác biệt về chất lượng. Bởi hiện nay, nhiều nước trên thế giới sản xuất được mặt hàng này với sản lượng khá lớn”.

So sánh về những ưu điểm, nhược điểm của những sản phẩm lúa gạo ở Việt Nam và của các nước Campuchia, Thái Lan... anh Nguyễn Anh Dũng định hướng lai tạo được một giống lúa mới có chất lượng vượt trội mang thương hiệu Đồng Tháp.

Nghĩ là làm, năm 2006, nông dân Nguyễn Anh Dũng bắt đầu thử nghiệm lai tạo giống lúa, từ những lý thuyết được học tại lớp sản xuất giống nông hộ, tập huấn cách trồng lúa; phòng trừ sâu bệnh ngắn hạn do Viện Lúa ĐBSCL và Trường Đại học Cần Thơ tổ chức.

Đầu tiên, anh thử nghiệm lai tạo giữa nếp Thái với giống IR50404 để chọn ra những cá thể vượt trội rồi tiếp tục nhân giống. Qua 6 vụ trồng chọn lọc, đến năm 2008, anh Dũng đã tìm được cá thể lúa giống vượt trội, đặt tên là LD2008. Tuy nhiên, khi đưa vào sản xuất trên diện tích 5.000m2 thì kết quả không đạt.

Anh Dũng chia sẻ: “Khi mới bắt tay vào lai tạo giống, bản thân gặp phải vô vàn khó khăn do chưa có nhiều kiến thức chuyên môn. Sau này khi được tham gia các khóa tập huấn ngắn hạn của Trường Đại học Cần Thơ, cộng với kinh nghiệm đúc kết sau mỗi lần thất bại đã giúp tôi làm tốt hơn công việc lai tạo giống”.

Không dừng lại trước khó khăn, với sự kiên trì nỗ lực của bản thân trong hoạt động nghiên cứu lai tạo giống lúa LD2012 được lai tạo từ cặp giống IR50404 và OM 6976 đã mang lại thành công cho anh với thời gian sinh trưởng ngắn (88 - 92 ngày), kháng rầy nâu và bệnh đạo ôn rất tốt.

Đặc biệt, với sự tỉ mỉ, nhạy bén của người nghiên cứu khoa học, anh Dũng phát hiện ra cá thể lúa lạ trên ruộng lúa giống LD2012 và đem về trồng. Khi lúa chín, tách ra thấy gạo màu đỏ, nấu dùng thử thấy gạo dẻo, có mùi thơm lá dứa rất đặc trưng. Hướng đến khai thác sự khác biệt, anh Dũng đem nhân rộng giống lúa này và đặt tên là Ngọc đỏ hương dứa. Đây được xem là giống lúa gắn liền tên tuổi nông dân Nguyễn Anh Dũng và nay đã trở thành đặc sản của huyện Lấp Vò.


Ông Bùi Hữu Soi - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh thăm cánh đồng lúa giống của ông Nguyễn Anh Dũng. Ảnh Mỹ Lý

Điểm đáng quan tâm là lúa Ngọc đỏ hương dứa có hạt dài, thời gian sinh trưởng từ 90 – 95 ngày, thân cao, có khả năng chống chịu đổ ngã, kháng rầy nâu và đạo ôn rất tốt.

Ngoài ra, loại giống này không cần bón nhiều phân nhưng cho năng suất cao, từ 6 - 7 tấn/ha. Đặc biệt hơn là hàm lượng chất dinh dưỡng trong gạo rất cao với protein cao gấp đôi so với gạo trắng hiện nay nhưng lượng đường thấp, rất thích hợp cho bệnh nhân bị tiểu đường, nhiều người gọi đây là “gạo thảo dược”.

Đến thời điểm hiện tại, ngoài việc lại tạo thành công giống LD2012, anh Nguyễn Anh Dũng còn chọn tạo thành công giống lúa Sen Việt (hiện đang được gửi khảo nghiệm giống quốc gia với tên gọi ND3).

Điểm nổi bật của các giống lúa là phần lớn cho năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, thích nghi với điều kiện canh tác và kháng sâu bệnh tốt, cho phẩm chất gạo cao được khách hàng ưa chuộng.

Trên cơ sở chủ động được nguồn giống có chất lượng là một yếu tố quan trọng quyết định thành công trong sản xuất nông nghiệp. Hướng đến sản xuất mang tính bền vững, anh Dũng đã quyết định liên kết với các hộ nông dân khác ở địa phương thành lập Câu lạc bộ sản xuất giống và hiện tại phát triển thành Hợp tác xã giống nông nghiệp Định An “nổi tiếng” được nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm.


Nông dân Nguyễn Anh Dũng đi thăm ruộng lúa. Ảnh Mỹ Lý

Chia sẻ về cảm giác được vinh danh “Nhà khoa học của Nhà nông”, anh Dũng cho rằng: “Những kết quả đạt được và chưa đạt được đều là động lực để phấn đấu. Sắp tới, tôi vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu lai tạo các giống lúa mới, định hướng sản xuất lúa theo hướng sạch, an toàn và đưa Hợp tác xã giống nông nghiệp Định An phát triển hơn nữa. Qua đó, giúp bà con nông dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đồng thời tạo dựng thương hiệu gạo cho địa phương”.

Để tiếp sức tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học công nghệ cho bà con nông dân có thể thực hiện ước mơ, biến ý tưởng thành hiện thực, anh Nguyễn Anh Dũng chia sẻ: “Thật sự nông dân Việt Nam có nhiều người rất giỏi, nhưng số đông vẫn còn tính thụ động. Theo tôi, người nông dân cần chủ động hơn, thay đổi tư duy thông qua việc trang bị cho bản thân nhiều kiến thức khoa học, kỹ thuật mới. Đây được xem là đòn bẩy để thành công”.

Nguyễn Hồng Ly (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn