Nông dân “nóng ruột” vì lúa non bị ngập nước nhiều ngày liền

Cập nhật ngày: 02/11/2015 12:27:48

Nhiều nông dân có ruộng ở ấp 3 và ấp 4, xã Ba Sao (huyện Cao Lãnh) đã tham gia dịch vụ tưới tiêu của Tổ kinh tế hợp tác ô bao số 10 (gọi tắt là Tổ hợp tác). Bên cạnh những hiệu quả mang lại cho nhiều nông dân thì một số nông hộ có ruộng ở vùng đất trũng, thấp lại phải chịu đựng hậu quả từ việc tưới tiêu tập thể.


Đã cố gắng bơm nước ra nhưng ruộng vẫn bị ngập sâu nhiều ngày, thiệt hại là không tránh khỏi

Mấy ngày qua, một số nông dân có ruộng trong ô bao số 10 rất “nóng ruột” vì lúa của gia đình (khoảng hơn 10 ngày tuổi) bị ngập nước sâu nhiều ngày liền. Theo người dân, nguyên nhân chính là do trạm bơm lấy nước vào quá nhiều nhưng không kiểm soát, nắm tình hình nhằm có sự điều chỉnh lượng nước hợp lý giữa ruộng vùng đất gò và đất lung.

Bà Trần Thị Cúc (SN 1954) ở ấp 3, xã Ba Sao có hơn 30 công ruộng trong ô bao số 10. Theo bà Cúc, ngày 20/10, vừa xuống giống vụ đông xuân sớm thì gặp trận mưa lớn nên ngày 22/10, bà tiếp tục sạ lại đợt 2. Chỉ 3 ngày sau, theo lịch tưới nước, Tổ hợp tác cho nước vào. Do ruộng thuộc vùng đất lung nên bị ngập nước suốt nhiều ngày liền. Ngày 29/10, bà và một số hộ khác đến UBND xã trình báo tình hình nhưng chính quyền địa phương tỏ vẻ không nhiệt tình giải quyết cho bà con.

Có mặt vào ngày 30/10, theo quan sát của phóng viên Báo Đồng Tháp thì ruộng của bà Cúc nước ngập trắng đồng. Bà Cúc và con gái là Nguyễn Thị Ngọc Nhiều cho hay, lúc trước, gia đình tưới tiêu cá nhân, chủ động được nguồn nước nên làm ruộng có lãi. Từ khi tham gia vào tưới tiêu tập thể (năm 2008) đến nay, việc sản xuất lúa của gia đình không hiệu quả vì bị ngập úng thường xuyên. Từ đó, chi phí đầu tư tăng lên với nhiều khoản như: lúa giống, thuốc diệt ốc, tiền thuê nhân công dặm lúa, tiền bơm nước, giá thuê máy thu hoạch và tỉ lệ lúa hao hụt trong thu hoạch cao, chất lượng lúa giảm...

Để cứu lúa, bà Cúc đã thuê cơ giới gia cố bờ ruộng, trang bị 1 mô tơ, 2 máy xăng phục vụ việc bơm nước, trong khi bà vẫn phải đóng cho Tổ hợp tác 120 ngàn đồng/1.000m2/vụ (tiền phục vụ tưới tiêu). Đối với bà, tham gia tổ này không mang lại hiệu quả mà còn nhận lãnh hậu quả và phải tốn mấy triệu đồng mỗi vụ đóng cho Tổ hợp tác. “Lúc trước, địa phương vận động nên tôi tham gia. Bây giờ, tôi chỉ muốn ra khỏi diện, việc tưới tiêu do tôi tự lo còn tốt hơn”  - bà Cúc cho biết.

Không chỉ bà Cúc mà bà Nguyễn Thị Ánh, Hồ Thị Hiếu Hậu, ông Nguyễn Văn Rết... cũng lo lắng, bức xúc không kém vì lúa mới sạ mấy ngày bị ngập nước sâu. Theo ông Rết, tình trạng ngập nước đã diễn ra nhiều năm nay và gây thiệt hại. Hầu như năm nào cũng sạ lại hay thuê người dặm lúa. Vụ đông xuân sớm này, ông xuống giống đúng lịch thông báo nhưng ngay sau đó gặp 2 trận mưa lớn. Vậy mà việc lấy nước vào vẫn thực hiện đúng theo lịch, không điều chỉnh cho hợp lý với tình hình thực tế.


Dù tham gia tưới tiêu tập thể nhưng bà Cúc vẫn phải trang bị máy bơm cứu lúa

Ông Lê Văn Vui - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Sao thông tin, việc lấy nước được thực hiện đúng theo lịch đã thống nhất trước đó. Trưa ngày 29/10, có 4 hộ dân đến trình bày việc lúa bị ngập. Chiều cùng ngày, lãnh đạo địa phương đã mời người phụ trách trạm bơm điện đến làm việc. Yêu cầu trạm bơm cho tiêu nước hết công suất (vì tối 29/10 đến lịch tiêu nước); sau đó sẽ cử người đi khảo sát, xem xét tình hình lúa để bàn bạc thống nhất cách giải quyết cho người dân bị thiệt hại.

Về nguyên nhân lúa bà Cúc bị ngập mấy ngày qua, ông Lê Văn Vui cho rằng do bà xuống giống không đúng lịch thông báo (sạ trễ); ruộng lung; có thể do bờ ruộng bị mọi, không giữ nước được... Ông Vui cho biết thêm, lịch tưới tiêu đã được thông báo nên người dân phải tự quản lý, gia cố bờ ruộng của mình để đảm bảo giữ được nước; không thể vì ruộng lung đủ nước mà để ruộng gò thiếu nước.

Việc phục vụ nước tưới tiêu tập thể như “làm dâu trăm họ”, khó làm hài lòng tất cả mọi người. Tuy nhiên địa phương cũng nên tìm ra giải pháp để khắc phục, hạn chế tình trạng trên. Nếu để việc người dân tham gia Tổ kinh tế hợp tác chẳng những không mang lại hiệu quả mà còn nhận hậu quả như trên thì bà con sẽ quay về với lối canh tác cá thể trước đây là điều tất yếu.

Hòa Hiệp

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn