Châu Thành

Từng bước khai thác sản phẩm gắn với thị trường

Cập nhật ngày: 30/10/2015 12:51:02

Theo UBND huyện Châu Thành, dù việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương (với 5 ngành hàng) còn khá mới mẻ nhưng nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) và nông dân đã nhận thức sâu sát về sự cần thiết của tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Địa phương đã triển khai chương trình nhằm hướng người dân thực hiện chuyển đổi giống lúa, giống cây ăn quả phù hợp với thị trường. Đồng thời, HTX chủ động tìm DN, ký kết hợp đồng thu mua nông sản cho thành viên HTX.


Nhãn là sản phẩm thế mạnh của địa phương

Trong năm 2015, ngành nông nghiệp huyện triển khai thực hiện mô hình cánh đồng liên kết sản xuất lúa chất lượng cao OM5451 với tổng diện tích 110,5ha/148 hộ. Theo đó, lợi nhuận tăng thêm từ mô hình cánh đồng liên kết là trên 4 triệu đồng/ha, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tiến tới khai thác tiềm năng từ trái nhãn, huyện cùng các HTX đẩy mạnh khâu tìm đầu ra cho nông sản. Với nỗ lực đó, dù đến nay hình thức xuất khẩu sản phẩm chỉ mang tính gián tiếp nhưng từng bước mở ra hướng đi cho trái nhãn, một sản phẩm đặc trưng của huyện. Năm 2015, có 14 thành viên HTX (27ha) được cấp mã code có đủ điều kiện để xuất khẩu nhãn trái sang thị trường Mỹ (thông qua Công ty xuất nhập khẩu Nhiệt Đới) và các nước Châu Á với số lượng lớn. Định hướng trong giai đoạn tới, huyện sẽ đầu tư khai thác giống nhãn edor cho năng suất cao để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đồng thời, nghiên cứu thực hiện xử lý ra hoa rải vụ nhằm cung cấp sản lượng hàng hóa quanh năm cho thị trường.

Đối với việc thực hiện nuôi cá tra theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn của thị trường là việc làm cần thiết tạo đòn bẫy giúp ngành hàng phát triển đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu các DN. Theo thống kê của huyện, diện tích đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP hiện nay là 74,73ha, đạt trên 31% diện tích vùng nuôi. Khả năng từ đây đến cuối năm 2015, số diện tích nuôi còn lại sẽ đạt được chứng nhận VietGAP.

Dù có sự chuẩn bị cho ngành hàng, nhưng việc sản xuất tiêu thụ cá tra của huyện gặp khó khăn do giá bán cá thương phẩm thấp. Chỉ có tháng 1 và tháng 2 năm 2015 giá bán cá thương phẩm cho nhà máy chế biến từ 23.000 - 24.000 đồng/kg, hộ nuôi có lãi trung bình 2.000 đồng/kg, từ giữa tháng 3 đến nay, giá cá tra giảm liên tục, người nuôi lỗ từ 1.000 - 1.500 đồng/kg. Thực trạng trên dẫn đến việc các hộ nuôi cá tra trên địa bàn gặp khó khăn trong việc huy động nguồn vốn để tái đầu tư, đặc biệt là các hộ nuôi có qui mô nhỏ lẻ.

Một hình thức khác liên kết với DN là người dân nuôi gia công. Sau khi thu hoạch, người nuôi được hưởng 4.000 - 4.500 đồng/kg cá. Với hình thức này thì người nuôi an tâm về đầu ra, hạn chế rủi ro nhưng lợi nhuận thấp nên đa số chỉ nuôi theo khả năng của mình.

Bước đầu thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên cũng còn khá nhiều khó khăn, trước tiên là sản xuất nông nghiệp chung của huyện vẫn còn quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật còn chậm dẫn đến giá thành một số sản phẩm còn cao so với thị trường, dẫn đến sức cạnh tranh thấp.

Sản xuất chưa gắn kết sâu với thị trường tiêu thụ, chưa xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa cho các nông sản chủ lực cũng là một trong những điểm yếu trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Trong khi các HTX đảm nhận vai trò này nhưng năng lực quản lý điều hành còn yếu...

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn