Nông dân phải sản xuất với tinh thần hợp tác cùng doanh nghiệp
Cập nhật ngày: 09/06/2018 20:01:54
ĐTO - Ngày 9/6, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức Hội thảo "Giúp nông dân làm kinh tế nông nghiệp". Diễn ra tại hội trường UBND tỉnh, hội thảo do Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương và Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn Trần Minh Hùng đồng chủ trì.
Bí thư Lê Minh Hoan gửi gắm tâm tư đến bà con nông dân và doanh nghiệp tỉnh nhà
Đến dự hội thảo có Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp Phan Văn Thắng. Hội thảo được tổ chức trực tuyến đến 80 điểm cầu tại các địa phương trong tỉnh với sự tham dự của hơn 150 đại biểu là các chuyên gia, đại diện các Sở, ban ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và các hội quán trên địa bàn tỉnh.
Chuyển đổi tư duy sản xuất thích ứng với thị trường
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương bày tỏ hy vọng: "chúng tôi mong muốn hội thảo sẽ mang đến những thông tin bổ ích về định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao và hỗ trợ nông dân sản xuất theo đúng nhu cầu thị trường, thúc đẩy thực hiện tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mong rằng, từ những thông tin bổ ích của hội thảo ý nghĩa này, bà con nông dân sẽ nhanh chóng lĩnh hội và biến thành hành động cụ thể. Đó là chuyển đổi tư duy sản xuất thích ứng với thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, có ích cho cộng đồng và cùng nhau thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững".
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương phát biểu khai mạc hội thảo
Tại hội thảo, doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch Công ty tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu đã chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chuỗi ngành hàng nông nghiệp tại ĐBSCL. Ông Ngọc Trai cho rằng, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Ông nêu ra 10 giải pháp mà ngành nông nghiệp ĐBSCL nên quan tâm thực hiện.
Trong đó, tỉnh Đồng Tháp nên lưu ý, với những điều kiện và thế mạnh hiện có, địa phương rất phù hợp để thực hiện giải pháp liên quan đến chiến lược phát triển du lịch ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Ông cũng đề nghị ngành du lịch tỉnh nhà nên có những giải pháp thiết thực trong sự phối hợp giữa phát triển du lịch và nông nghiệp địa phương.
Doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai đánh giá cao mô hình hội quán tại Đồng Tháp, ông cho rằng, đây là mô hình vô cùng thiết thực và phù hợp cho quá trình xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp.
Đến với hội thảo lần này, qua nội dung trình bày "Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt Nam 2018", bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc BSA đã chia sẻ về công thức hội nhập "chuẩn chất - 2 thương" cho nông sản Việt. Đây là công thức BSA đề nghị cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam bối cảnh năm 2018, về những gì doanh nghiệp cần xây dựng để vươn ra thế giới.
Theo đó, thứ nhất, doanh nghiệp phải xây dựng tiêu chuẩn (cam kết về chất lượng) và công bố đảm bảo chất lượng, kế đó là 2 thương (xây dựng thương hiệu và tổ chức thương mại hóa) tốt để tiêu thụ được sản phẩm.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, khi có được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, doanh nghiệp mới mong vươn mình ra thế giới. Bà cũng khẳng định, công thức này nghe ngắn gọn thôi nhưng để làm được phải trải qua không ít khó khăn.
Đặc biệt, bà Vũ Kim Hạnh đề nghị tỉnh Đồng Tháp nên nhanh chóng thành lập 2 nhóm đặc nhiệm (một nhóm chuyên về nghiên cứu thị trường, một nhóm chuyên về thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương trong nước và quốc tế). Theo bà, điều này sẽ góp phần giúp Việt Nam tiếp cận được những xu hướng nông nghiệp mới nhất của thế giới.
Từng gắn bó cùng sự phát triển của ngành nông nghiệp ĐBSCL, phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan (Trà Vinh) đã có những thông tin về quá trình phát triển của Tập đoàn của mình. Dịp này, ông đã chia sẻ với hội thảo nhiều kinh nghiệm quý giá về Công nghiệp 4.0 trong canh tác lúa.
Tham dự hội thảo, diễn giả Nguyễn Hồng Quang - Chủ tịch Công ty Cổ phần Nông trại sinh thái (Ecofarm) trình bày nội dung "Giúp nông dân làm kinh tế nông nghiệp - một góc nhìn khác của Ecofarm với tỉnh Đồng Tháp". Với tư cách là một doanh nghiệp sinh thái, ông Hồng Quang trình bày về quan điểm, góc nhìn khác trong mục tiêu phát triển doanh nghiệp và hỗ trợ, giúp đỡ nông dân làm kinh tế nông nghiệp.
Nông dân phải sản xuất với tinh thần hợp tác cùng doanh nghiệp
Báo cáo hiệu quả hoạt động kết nối sản xuất với thị trường của mô hình Hội quán nông dân ở Đồng Tháp, ông Phạm Minh Cường - đại diện Nhân Tâm hội quán (xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh) cho biết, đến nay hội quán đã khẳng định được vai trò tập hợp nông dân để gặp gỡ, giao lưu với nhau, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau bàn bạc, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Hội quán làm chuyển biến nhận thức của bà con nông dân trong việc đưa ra cách làm mới và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay nhiều hội quán đã tham gia mô hình sản xuất theo yêu cầu đối tác tiêu thụ (VinEco...)
Trao đổi kinh nghiệm từ mô hình "Cây xoài nhà tôi"; kết quả trồng và bán xoài qua mạng toàn cầu, tại hội thảo, ông Ngô Văn Dỡ - đại điện HTX Xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh) cho rằng, điểm nổi bật của mô hình "Cây Xoài nhà tôi" là mang lại lợi ích cho thành viên; quảng bá thương hiệu; góp phần phát triển du lịch cộng đồng; góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất của người nông dân.
Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của các đại biểu tham dự tại hội trường UBND tỉnh cũng như các điểm cầu huyện, thị, thành. Đó là những ý kiến, kiến nghị liên quan đến vấn đề "giải cứu nông sản"; đầu tư trang thiết bị sản xuất; trăn trở về vấn đề xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu; chính sách để giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp...
Đề cập đến việc kết nối thông tin báo chí giữa TBKTSG với tỉnh Đồng Tháp, ông Trần Minh Hùng - Tổng Biên tập TBKTSG khẳng định: "Chúng tôi hết sức cảm kích vì đã nhận được sự đồng tình từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tạo điều kiện cho chúng tôi cùng kết hợp để tổ chức buổi hội thảo này.
Tôi tin rằng hội thảo hôm nay không phải là hành động duy nhất mà sẽ là sự bắt đầu của một chuỗi những hoạt động cụ thể như trong tương lai. Cụ thể như sẽ có thêm những cuộc hội thảo khác về những đề tài được đào sâu hơn theo hướng thiết thực hơn như vấn đề về nhân lực, vấn đề làm thế nào để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài..."
Ban tổ chức tặng hoa cho các diễn giả tại chương trình
Chủ trì hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan phát biểu, những khó khăn mà bà con nông dân đang gặp phải sẽ không thể tháo gỡ được nếu chính bản thân bà con nông dân không thay đổi. Cơ hội chỉ đến với những người biết tư duy và chấp nhận thay đổi.
Theo Bí thư, câu chuyện chủ đề hội thảo "Giúp nông dân làm kinh tế nông nghiệp" rất hay nhưng cũng rất khó. Điều quan trọng nhất mà bà con nông dân cần nhận thức được là: "phải giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng. Nếu muốn áp dụng công nghệ tiên tiến, ứng dụng thành tựu khoa học một cách hiệu quả thì bà con nông dân phải liên kết lại với nhau".
Gửi gắm tâm tư đến bà con nông dân và doanh nghiệp tỉnh nhà, Bí thư Lê Minh Hoan cho rằng, hội thảo lần này là dịp để tỉnh nhà tìm ra thông tin nhiều nhất cho công tác điều hành của Đảng, chính quyền, của địa phương và người nông dân. Bà con nông dân, doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh phải suy nghĩ lại và phải có cùng chí hướng, cùng hành động. Chính sự thay đổi của bà con nông dân mới thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh nhà. Để làm kinh tế nông nghiệp thì người nông dân phải sản xuất với tinh thần hợp tác cùng doanh nghiệp.
Thanh Hiền