Định hướng phát triển kinh tế mang tính khác biệt, đột phá

Cập nhật ngày: 07/06/2018 05:59:32

ĐTO - Để kinh tế Đồng Tháp phát triển sát với tình hình thực tế, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng Đồng Tháp cần khai thác hệ sinh thái vùng, tăng cường chế biến tạo ra những sản phẩm khác biệt...


Hoa kiểng tỉnh nhà sở hữu nhiều tiềm năng cần được khai thác

Kinh tế - xã hội có những chuyển biến tích cực

Đó là những nội dung cốt yếu được các chuyên gia chia sẻ tại cuộc họp góp ý dự thảo báo cáo điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng cho rằng, sau 7 năm thực hiện “Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020”, KT-XH của tỉnh có những chuyển biến tích cực. Có 11/17 chỉ tiêu quan trọng về kinh tế, môi trường đã đạt và vượt. Tuy nhiên, trong quá trình tỉnh thực hiện quy hoạch còn nhiều thách thức mới. Đơn cử như tình hình biến đổi khí hậu, tiêu thụ nông sản hàng hóa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0... đòi hỏi Đồng Tháp cần tiếp cận thông tin bổ sung vào quy hoạch để sát với tình hình thực tế.

Tinh thần điều chỉnh quy hoạch lần này chính là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu theo hướng phi nông nghiệp, tăng đầu tư, tăng xuất khẩu, tăng năng suất các yếu tố tổng hợp, tuân thủ không gian phát triển và quy hoạch vùng nguyên liệu...

Mục tiêu cụ thể được tỉnh định hướng trong giai đoạn 2016-2020 với tổng sản phẩm trong tỉnh có tốc độ tăng trưởng đạt từ 6,5-6,9%/năm và sau đó nâng lên từ 7-7,6%/năm; giai đoạn từ 2021-2030 và dự kiến giai đoạn 2026-2030 tăng bình quân từ 7-7,5%/năm.

Đối với thu nhập bình quân đầu người tính theo GRDP của tỉnh đến năm 2020 chỉ tiêu này sẽ đạt trên 50 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 82-86 triệu đồng/người/năm và đạt từ 132-141 triệu đồng/người/năm vào năm 2030...

Trên tinh thần góp ý điều chỉnh quy hoạch, Đồng Tháp định hướng xây dựng cấu trúc không gian phát triển với 3 khu vực kinh tế (công nghiệp, thương mại dịch vụ du lịch và nông nghiệp). Phân vùng phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh dựa trên khả năng hình thành và phát triển của các khu, cụm công nghiệp hiện có của tỉnh. Định hướng đến 2030, tỉnh hình thành 4 vùng phát triển công nghiệp chính (vùng phát triển công nghiệp khu vực Sa Đéc; vùng phát triển công nghiệp khu vực Cao Lãnh; vùng phát triển công nghiệp khu vực Lấp Vò - Lai Vung; vùng phát triển công nghiệp khu vực Tháp Mười - Cao Lãnh) và 3 vùng phát triển công nghiệp vệ tinh.

Đối với phân vùng phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch trên địa bàn tỉnh dựa trên thế mạnh hiện có và tiềm năng phát triển về mạng lưới hạ tầng thương mại – dịch vụ, hệ thống phát triển kho vận trong tương lai. Đồng Tháp sẽ có 3 vùng phát triển thương mại – dịch vụ chính, trong đó trung tâm là các đô thị lớn. Trong đó có vùng phát triển thương mại - dịch vụ - logistics khu vực Sa Đéc, vùng phát triển thương mại - dịch vụ - logistics khu vực Cao Lãnh, vùng phát triển thương mại - dịch vụ khu vực Hồng Ngự.

Phân vùng phát triển nông nghiệp của tỉnh được xác định từ sự thuận lợi về các yếu tố thích ứng của cây trồng, vật nuôi; sự phát triển hạ tầng thủy lợi, nguồn nước; thích ứng với biến đổi khí hậu và phát huy thế mạnh 5 ngành hàng chủ lực. Sản xuất nông nghiệp theo 3 vùng chính. Vùng Hồng Ngự (bao gồm các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông và TX.Hồng Ngự) sẽ phát triển nuôi thủy sản tự nhiên và công nghiệp, là vùng phát triển nông nghiệp ổn định. Vùng Cao Lãnh (gồm TP.Cao Lãnh, các huyện Cao Lãnh, Tháp Mười, Thanh Bình) đảm nhiệm phát triển chuyên canh lúa công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản và vườn cây ăn trái, chăn nuôi. Vùng Sa Đéc (bao gồm TP.Sa Đéc, các huyện Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò) là vùng chuyển đổi sản xuất, phát triển chuyên canh lúa công nghệ cao, vườn cây ăn trái năng suất cao, hoa kiểng áp dụng kỹ thuật mới.

Vùng nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái hướng phát triển sẽ tập trung tại TP.Sa Đéc, TP.Cao Lãnh, TX.Hồng Ngự và các thị trấn của 9 huyện. Ngoài ra còn có khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tạo sự đột phá

Để việc điều chỉnh quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế, các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ những mô hình, cách làm hay với Đồng Tháp như: khai thác lợi thế hệ sinh thái vùng, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, tăng cường chế biến nhằm tạo ra những sản phẩm mang tính đột phá, độc đáo.

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ dẫn chứng mô hình thành công của Malaysia khi sản xuất dầu cọ đứng đầu thế giới khi đất nước này biết khai thác tiềm năng sẵn có và dự báo nhu cầu của người tiêu dùng để đầu tư mang tính trọng tâm. Trở lại với Đồng Tháp, giáo sư cho rằng, địa phương có rất nhiều sản phẩm tiềm năng (lúa gạo, xoài và cá tra, hoa kiểng, cây sen). Vì vậy, Đồng Tháp cần xây dựng mục tiêu ngay từ bây giờ với kỳ vọng trong tương lai tỉnh nhà sẽ có sản phẩm mang tầm quốc tế.

Bên cạnh đó, giáo sư Võ Tòng Xuân thống nhất với định hướng Đồng Tháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng để điều tiết diện tích lúa nhưng phải gắn với nhu cầu thị trường. Tỉnh cần nhanh chóng bắt tay với các doanh nghiệp để xây dựng theo mô hình chuỗi giá trị.

Theo ông Đặng Kiều Nhân – Viện nghiên cứu đồng bằng sông Cửu Long, kinh tế địa phương phần lớn dựa vào nông nghiệp. Tuy nhiên, việc tìm hướng đi khác biệt trong sản xuất nông nghiệp chính là yếu tố cần thiết như dựa trên hệ sinh thái của Đồng Tháp Mười, đẩy mạnh chế biến để tạo ra giá trị mới bằng những sản phẩm độc đáo, cao cấp. Riêng các sản phẩm cấp thấp hơn, tỉnh quan tâm đến việc hạ giá thành sản xuất.

Đồng quan điểm trên, ông Từ Minh Thiện - Phó Trưởng Ban Quản lý khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh cho rằng, Đồng Tháp với thế mạnh sản xuất cây ăn trái, cần quan tâm ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, nhất là cho công đoạn sau thu hoạch nhằm tăng thời gian bảo quản, hạn chế tình trạng cung vượt cầu cho nông sản. Tuy nhiên, rào cản đáng kể chính là kinh phí thực hiện. Để giải bài toán khó này, tỉnh cần linh hoạt, tạo cơ chế để thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Phải tránh dàn trải, cần tập trung phát triển cho từng ngành hàng ứng với từng giai đoạn. Đối với thị trường, cần nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng sở tại với định hướng sản phẩm trọng tâm thị trường trọng điểm - cũng là những chia sẻ của ông Thiện với địa phương.

Hạ tầng giao thông được xem là bệ đỡ cho sự phát triển của tỉnh. Đối với Đồng Tháp, ngoài các đường Quốc lộ 30,80,54 thì còn có tuyến N2 (đường Hồ Chí Minh) cùng với cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống đang hoàn tất đưa vào sử dụng. Thuận lợi hơn khi tỉnh ta có hệ thống đường thủy thuận lợi. Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng - nguyên Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ, việc khai thác trục N2 này sẽ tạo nên động lực và sự khác biệt, hấp dẫn nhà đầu tư hơn khi đến với Đồng Tháp thông qua việc hình thành các khu công nghiệp cộng với phát triển các cụm logistic.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc Công ty Cổ phần Nông trại Sinh thái (Ecofarm), Đồng Tháp cần mạnh dạn đầu tư trọng điểm vào 2 ngành hàng hoa kiểng và cây ăn trái với ưu điểm lớn là có giá trị gia tăng cao, dễ dàng ứng dụng khoa học công nghệ cao. Nhận định được tiềm năng đó, công ty dự định sẽ sớm triển khai đầu tư vào 2 ngành hàng hoa Sa Đéc và khai thác vườn cây ăn trái tại cồn Tân Thuận Đông để kết hợp với du lịch nông nghiệp...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn