Khảo sát thực hiện chính sách hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

Cập nhật ngày: 01/06/2018 06:04:06

Ngày 31/5 ông Trần Anh Dũng – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh dẫn đầu đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết hợp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đến làm việc với UBND huyện Tháp Mười về thực hiện chính sách hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN) và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (MTQGXDNTM).


Đoàn công tác khảo sát thực tế mô hình nuôi vịt đẻ (nuôi rọ) ở xã Phú Điền.

Về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, nông dân trên địa bàn huyện đã tiếp cận vay vốn hỗ trợ với tổng số 368 máy các loại, số tiền giải ngân 103.600 triệu đồng.

Huyện đã chọn 2 hợp tác xã là Mỹ Đông 2 và Thắng Lợi của xã Mỹ Đông để thực hiện thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới. Huyện đang triển khai xây dựng mô hình cánh đồng sản xuất lúa lý tưởng nằm trong vùng dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững, sử dụng phân bón thông minh với 170 ha và đang đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất theo hướng hiện đại.

Về hỗ trợ phát triển 5 ngành hàng chủ lực, đối với ngành hàng lúa gạo có 110 hộ tham gia liên kết và tiêu thụ từ hợp tác xã với doanh nghiệp, diện tích thực hiện 260 ha.

Ngành hàng vịt, huyện đã thành lập 1 tổ hợp tác chăn nuôi vịt xã Mỹ Hòa với 13 hộ/30.000 con vịt, liên kết đầu vào, tiêu thụ đầu ra ổn định. Đến nay, mô hình được nhân rộng trên các xã với tổng số 30 hộ chăn nuôi vịt tự nguyện vào tổ hợp tác, số lượng gần 103.000 con…

Khó khăn của huyện trong TCCNN là tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tự phát của nông dân còn diễn ra; một số chính sách ban hành nông dân, các tổ chức chưa tiếp cận được hoặc tiếp cận còn hạn chế, chưa phát huy được hiệu quả. Nguyên nhân là các tổ hợp tác, hợp tác xã, nông dân không đủ điều kiện theo chính sách ban hành.

Qua hơn 8 năm thực hiện chương trình MTQGXDNTM, bộ mặt nông thôn của huyện Tháp Mười có nhiều chuyển biến tích cực. Huyện huy động được nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, huyện được tỉnh công nhận 4 xã đạt chuẩn NTM, đạt 100%  kế hoạch; các xã còn lại đạt từ 10 - 14 tiêu chí. Giai đoạn 2016 – 2020, đến nay huyện có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM là Mỹ Quí, Phú Điền, Mỹ An; 5 xã còn lại của huyện dự kiến đạt vào năm 2019, để đến năm 2020 Tháp Mười đạt chuẩn huyện NTM theo kế hoạch đã đề ra.

Qua buổi làm việc, ông Trần Anh Dũng – Trưởng đoàn công tác ghi nhận hiệu quả của các chương trình, nghị quyết của huyện Tháp Mười trong thực hiện chính sách hỗ trợ TCCNN, chương trình MTQGXDNTM. Huyện đã có nhiều mô hình hiệu quả như nuôi vịt đẻ trứng (nuôi rọ), trồng sen, nuôi ếch.

Bên cạnh đó, ông Trần Anh Dũng nhắc nhở huyện cần thực hiện tốt hơn nữa công tác triển khai để người dân tiếp cận được các chính sách hỗ trợ TCCNN của trung ương và tỉnh; cần quan tâm tập trung đầu tư phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn. Đồng thời đoàn ghi nhận các kiến nghị của huyện Tháp Mười để báo cáo, kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh tháo gỡ, hỗ trợ.

Thanh Trúc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn