Hợp tác xã Thanh long VietGAP Phong Hòa
Tạo đầu ra bền vững cho trái thanh long
Cập nhật ngày: 02/06/2018 07:55:57
ĐTO - Phong Hòa là xã có địa bàn rộng thuộc huyện Lai Vung, giáp ranh với nhiều tỉnh, huyện, dân cư đông, sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, hoa màu và cây ăn trái. Để phát triển bền vững, tạo thu nhập ổn định cho nông dân, thanh niên Nguyễn Hữu Dư đã tổ chức, vận động nông dân trồng thanh long theo mô hình VietGAP có liên kết tiêu thụ đầu ra, mô hình này góp phần tạo thu nhập ổn định cho bà con và thanh niên trong xã.
Dự kiến trong thời gian tới, Hợp tác xã sẽ đẩy mạnh sản xuất theo hướng VietGAP đạt 100% diện tích canh tác
Anh Nguyễn Hữu Dư - Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) thanh long ruột đỏ cho biết, nhận thấy tiềm năng của cây thanh long ruột đỏ nên anh phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tổ chức vận động thành lập THT vào tháng 6/2015 để giúp người dân phát triển kinh tế. Ban đầu, THT có diện tích canh tác là 2ha, sau đó nhân rộng mô hình lên 50ha, sản xuất mỗi năm 3 vụ, mỗi vụ cung cấp ra thị trường 14 tấn thanh long. Vốn ban đầu khi đầu tư khoảng 800 triệu đồng cho 2ha, sau đó Tỉnh đoàn đã hỗ trợ số vốn vay 240 triệu đồng, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật, cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các thành viên, hỗ trợ giải quyết đầu ra cho trái thanh long sau khi thu hoạch, từ đó thu hút nhiều thành viên tham gia.
Qua thời gian tổ chức và hoạt động, THT đã giúp đỡ nhiều thành viên chuyển đổi sang cây thanh long ruột đỏ có giá trị kinh tế cao, từ đó giúp cho nông dân phát triển kinh tế. Trên cơ sở nền tảng hoạt động của THT, sự phối hợp hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, THT đã họp thành viên và tổ chức vận động thành lập Hợp tác xã (HTX) thanh long VietGAP Phong Hòa vào tháng 1/2018. Mục đích nhằm nâng cao giá trị trái thanh long, tập hợp bà con nhân dân tham gia HTX nhằm giúp nâng cao thu nhập, tạo đầu ra bền vững cho trái thanh long cũng như góp phần thực hiện chủ trương liên kết sản xuất và tiêu thụ trong nông nghiệp.
Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình hoạt động HTX còn một số khó khăn, do quản lý HTX đòi hỏi cao hơn so với THT, trong khi các thành viên trong Hội đồng quản trị chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm nên gặp khó trong tổ chức và điều hành; hiện nay HTX chỉ mới đảm bảo đầu ra cho trái thanh long thông qua liên kết tiêu thụ trái tươi là chính. Bên cạnh đó, do khó khăn về vốn nên HTX chưa mở rộng đầu tư các trang thiết bị, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo cung ứng đầy đủ cho xã viên sử dụng.
Anh Nguyễn Hữu Dư - Giám đốc HTX thanh long VietGAP Phong Hòa cho biết, thời gian tới, HTX sẽ đẩy mạnh sản xuất thanh long theo hướng VietGAP đạt 100% diện tích canh tác, vận động thêm thành viên tham gia vào HTX; nghiên cứu thị trường và nỗ lực hơn nữa tìm đầu ra cho trái thanh long bền vững, đặc biệt là thanh long được canh tác theo VietGAP từng bước mở rộng quy mô của HTX. Tuy nhiên, để làm được điều này, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của tổ chức đoàn thể và các cơ quan chức năng về việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ thanh niên về kiến thức tiếp cận thị trường, khả năng quản lý, chuyên môn để HTX phát huy tốt hơn nữa vai trò hỗ trợ thanh niên, nông dân trên địa bàn trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập.
Thảo Vy