Nông dân thay đổi tư duy sản xuất để thích ứng với thị trường

Cập nhật ngày: 06/05/2021 06:15:43

ĐTO - Với tổng diện tích sản xuất cây ăn trái trên 5.000ha, huyện Cao Lãnh được xem là một trong những địa phương có vùng chuyên canh cây ăn trái lớn của Đồng Tháp. Thời gian qua, nhiều mặt hàng cây ăn trái của địa phương được tiêu thụ rộng rãi khắp các tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Để đạt được những kết quả tích cực đó, thời gian qua, nông dân huyện Cao Lãnh có nhiều thay đổi tích cực về tư duy canh tác nông nghiệp, từng bước chuyên nghiệp hóa trong sản xuất…


Nhà vườn thu hoạch chanh

Nông dân liên kết cùng nhau giải quyết bài toán “dội chợ”

Từ nhiều năm nay, bên cạnh sản phẩm xoài Cao Lãnh, nhiều loại trái cây thế mạnh khác của địa phương được thị trường rất ưa chuộng như chanh, ổi, sầu riêng... Nhờ áp dụng sản xuất theo quy trình sạch – an toàn, kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, ngoài sản phẩm xoài được xuất khẩu thì thời gian gần đây mặt hàng chanh không hạt của huyện Cao Lãnh cũng được doanh nghiệp (DN) bao tiêu xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Việc sản phẩm chanh không hạt của địa phương được xuất khẩu sang thị trường này giúp nông dân giải quyết vấn đề đầu ra. Kết quả này còn đánh dấu sự chuyên nghiệp hóa của người dân trong sản xuất khi từng bước cải tiến quy trình sản xuất để chinh phục được những thị trường khó tính.

So với chanh bông tím truyền thống, chanh không hạt có nhiều ưu điểm như dễ xử lý cho trái, năng suất cao, đặc biệt là rất ít sâu bệnh. Vì vậy, những năm gần đây diện tích trồng chanh không hạt của huyện không ngừng phát triển mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu thế trên, chanh không hạt cũng gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ. Do đó, để thoát khỏi tình trạng “dội chợ” vào mỗi vụ mùa, một số nhà vườn trồng chanh không hạt ở xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh “rủ” nhau thành lập Tổ hợp tác (THT) chanh không hạt xã Mỹ Long thay cho cách sản xuất riêng lẻ theo kiểu “mạnh ai nấy làm” như trước đây. Dưới mái nhà chung THT, các nhà vườn cùng nhau thay đổi kỹ thuật canh tác, tiếp thị sản phẩm và kết nối với DN thu mua. Chính sự chủ động kết nối và cùng nhau “ngồi lại” mà các thành viên trong THT chanh không hạt xã Mỹ Long giải quyết bài toán khó về việc “dội chợ” khi thu hoạch.

Ông Phạm Văn Niềm - Tổ trưởng THT chanh không hạt xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh bộc bạch: “Thời gian đầu, khi chưa có nhiều diện tích trồng chanh không hạt, việc tiêu thụ rất thuận lợi. Tuy nhiên đến khi diện tích canh tác chanh không hạt tăng đột biến thì thị trường tiêu thụ bắt đầu khó khăn. Thông thường, vào mùa nắng giá chanh khoảng 30 – 40 ngàn đồng/kg, nhưng đến mùa mưa thì giá chanh bắt đầu “lao dốc” chỉ còn khoảng 5 – 6 ngàn đồng/kg. Trước tình cảnh khó khăn đó, tôi và một số anh em trồng chanh tại địa phương rủ nhau tìm giải pháp. Theo đó, chúng tôi nhận thấy việc đầu tiên cần làm là cùng nhau liên kết để có được vùng nguyên liệu đủ lớn. Bước thứ hai là thay đổi quy trình sản xuất, canh tác theo quy trình sạch và có chứng nhận hẳn hoi. Có như thế mới mời gọi được doanh nghiệp đến với mình”.

Giai đoạn đầu, THT chanh không hạt xã Mỹ Long cũng gặp nhiều khó khăn khi tìm đối tác liên kết. Tuy nhiên đến cuối năm 2019, sau khi đạt chứng nhận VietGAP, sản phẩm chanh không hạt của THT chính thức được lên kệ của siêu thị Coopmart. Đây là “quả ngọt” đầu tiên khi nhà vườn thay đổi quy trình canh tác. Khi sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường, chanh không hạt của THT chanh không hạt xã Mỹ Long bắt đầu được nhiều DN biết đến và đặt vấn đề kết nối tiêu thụ. Thành quả đó cũng là cơ hội để sản phẩm chanh không hạt của THT kết nối với đối tác xuất khẩu chuyên nghiệp như Công ty TNHH The Fruit Republic Cần Thơ.

Chuyên nghiệp trong sản xuất

Không dừng lại đó, THT đang tiến hành thực hiện sản xuất chanh theo quy trình GlobalGAP. Ngoài việc ghi chép nhật ký sản xuất, các khâu quản lý về truy xuất nguồn gốc, phân loại, sơ chế sau khi thu hoạch cũng được THT này thực hiện chuyên nghiệp.

Anh Lương Như Ý - Tổ phó THT chanh không hạt xã Mỹ Long chia sẻ: “Để có thể bán chanh cho DN xuất khẩu sang thị trường Châu Âu không phải là chuyện dễ dàng. Trong suốt quá trình thu mua, công đoạn test kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm được DN thực hiện liên tục. Sau khi kiểm tra, nếu phát hiện lô hàng của nhà vườn nào không đạt chuẩn là DN cắt hợp đồng ngay. Do đó, ngoài việc phải tuân thủ quy trình sản xuất do DN hướng dẫn, nông dân chúng tôi còn phải rất thận trọng trong việc bảo vệ sản phẩm của mình trước những tác động của môi trường xung quanh. Đơn cử như, khi các vườn chung quanh phun xịt thuốc, chúng tôi phải thận trọng, có giải pháp không để chanh bị nhiễm thuốc hóa học. Mặc dù quy trình DN yêu cầu có khó khăn nhưng khi nhà vườn tuân thủ đúng hướng dẫn thì không cần bận tâm chuyện “được mùa mất giá” hay “dội chợ” như trước đây”.

Từ ngày gắn kết làm ăn với DN, các thành viên trong THT không còn cảnh phải thấp thỏm vào mỗi vụ mùa. Thay vào đó, nông dân chỉ cần tập trung sản xuất đúng quy trình mà DN đề ra. Hiện tại, toàn THT chanh không hạt xã Mỹ Long có khoảng gần 17ha được DN ký kết hợp đồng bao tiêu, sản lượng tiêu thụ trung bình khoảng 30 tấn/tháng. Hiện một số diện tích trồng chanh mới cũng đang được DN hướng dẫn quy trình để tiếp tục mở rộng liên kết tiêu thụ chanh không hạt cho nông dân ở địa phương. Không những bao tiêu toàn bộ sản lượng chanh của THT mà DN còn thu mua giá cao hơn ngoài thị trường từ 1.000 – 2.000 đồng/kg nên nông dân rất phấn khởi. Với việc có được đầu ra ổn định; trung bình mỗi năm, 1 công chanh (1.300m2), nhà vườn có thể lãi từ 100 – 120 triệu đồng.

Ông Huỳnh Thanh Sơn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh cho biết, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sẽ là một trong những nền tảng quan trọng giúp nền kinh tế mũi nhọn của huyện Cao Lãnh đột phá. Thời gian qua, địa phương thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nông dân thay đổi phương thức sản xuất, ứng dụng khoa học học công nghệ vào sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất sạch trên nhiều loại cây trồng.

Nhằm giúp các sản phẩm nông sản đặc thù của địa phương được tiến xa hơn, địa phương còn triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân xây dựng mã số vùng trồng cho một số sản phẩm cây ăn trái thế mạnh của huyện; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho nhiều mặt hàng cây ăn trái và lúa gạo, triển khai và nhân rộng các mô hình sản xuất có chứng nhận VietGAP. Bên cạnh đó, huyện thường xuyên hỗ trợ nông dân tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ với DN giúp nông sản của địa phương có thể tiến sâu hơn vào các phân khúc thị trường cao cấp. Từ đó góp phần giúp người dân khu vực nông thôn nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế ổn định...

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn