Nông dân thiệt hại vì chuột cắn phá lúa
Cập nhật ngày: 23/05/2016 10:11:19
Những ngày này, nông dân huyện Tam Nông đang chuẩn bị thu hoạch vụ lúa hè thu 2016. Tuy nhiên, một số cánh đồng thuộc địa bàn xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất do chuột cắn phá.
Nông dân buồn rầu vì lúa bị chuột cắn phá
Theo nhiều hộ dân ở ấp Tân Lợi, xã Tân Công Sính, lúa bị chuột cắn phá nghiêm trọng từ giai đoạn làm đòng đến trổ. Nhìn mảnh ruộng bị chuột cắn phá, ông Võ Tuấn Lập ngụ ấp Tân Lợi buồn rầu nói: “Năm nay, số lượng chuột nhiều gấp đôi các năm trước. Từ thời điểm lúa giai đoạn 30 – 35 ngày đã xuất hiện chuột cắn phá, tôi mua thuốc về diệt và làm nhiều biện pháp xử lý nhưng cũng không tác dụng. Ban đầu, chuột tấn công chỉ một khoảnh ruộng nhỏ rồi lan dần khắp nơi trên ruộng khiến năng suất lúa có thể giảm hơn 30%”.
Tương tự như trường hợp của ông Lập, 2ha lúa đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch của ông Nguyễn Thanh Hùng ngụ ấp Tân Lợi cũng bị ảnh hưởng do chuột cắn phá. Ông Hùng cho biết: “Đầu vụ, nhìn lúa phát triển tốt, tôi rất phấn khởi. Vậy mà tới thời điểm lúa chuẩn bị làm đòng, chuột xuất hiện và cắn phá nhiều. Để cứu vãn, tôi giặm lại lúa rồi can thiệp bằng nhiều biện pháp phòng trừ nhưng tình hình vẫn không ổn. Ước tính từ đầu vụ tới giờ, ruộng của tôi thiệt hại hơn 40%”.
Còn trường hợp của anh Nguyễn Văn Hiền cùng ngụ ấp Tân Lợi lại thê thảm hơn. Vụ hè thu này, gia đình anh Hiền canh tác khoảng 10ha lúa (gieo sạ từ ngày 19/1 âm lịch). Thế nhưng, hơn 50% diện tích đã bị chuột cắn phá. Anh Hiền nói: “Lúc đầu, chuột gây hại ít, tôi còn can thiệp thuốc nhưng tới khi quá nhiều thì đành bỏ phế. Thiệt hại kinh tế do chuột gây ra có thể hơn 150 triệu đồng. Tôi mong các ngành, các cấp hỗ trợ cho những hộ bị thiệt hại để phần nào khôi phục sản xuất trong vụ tiếp theo”.
Trao đổi với chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND xã Tân Công Sính Phạm Minh Phụng cho biết: “Đến ngày 19/5, UBND xã vẫn chưa nhận được thông tin từ nông dân về việc chuột gây hại lúa. Tuy nhiên, xã sẽ khảo sát lại trên diện rộng những thiệt hại để có báo cáo tổng hợp cho UBND huyện”.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTTN) huyện Tam Nông, qua kiểm tra đồng ruộng, số diện tích ruộng lúa ảnh hưởng do chuột cắn phá có thể là do nông dân tự ý gieo sạ sớm hơn 2 tuần so với lịch thời vụ, khiến lượng chuột trong khu vực tập trung về cắn phá. Bên cạnh đó, những năm gần đây, nước lũ ít cũng là nguy cơ khiến tỷ lệ chuột sinh sản nhiều.
Ông Lưu Văn Tiến – Phó Phòng NN&PTNT huyện Tam Nông cho biết: “Từ đầu vụ, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân về việc xuống giống tuân thủ theo nguyên tắc là gieo sạ tập trung theo lịch khuyến cáo, gieo sạ đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng. Trước thực trạng lúa bị chuột cắn phá, ngành nông nghiệp huyện sẽ rà soát lại tỷ lệ ảnh hưởng, tìm hiểu rõ các nguyên nhân để báo cáo Sở NN&PTNT chờ chỉ đạo cụ thể”.
Để phòng trừ chuột gây hại, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, trước khi gieo sạ lúa, nông dân nên dọn vệ sinh những bờ ruộng cho sạch cỏ để chuột không còn nơi ẩn náu; tăng cường việc đào hang để diệt chuột kết hợp với dùng bả thuốc. Nông dân có thể dùng màn phủ che chắn ngay chân ruộng để hạn chế lượng chuột phá hoại.
Khánh Phan