Nông nghiệp huyện Hồng Ngự chuyển dịch mạnh mẽ, du lịch tăng trưởng khá

Cập nhật ngày: 16/07/2019 15:08:07

ĐTO - Đầu năm đến nay, với việc tập trung thực hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới, tăng hàm lượng ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp của huyện biên giới Hồng Ngự có nhiều khởi sắc mới. Song song với những kết quả nổi bật của ngành nông nghiệp thì sự tăng trưởng mạnh của ngành du lịch cũng là điểm nổi bật của địa phương.


Nhiều đoàn khách quốc tế thích thú khi ghé thăm làng nghề dệt choàng Long Khánh A, huyện Hồng Ngự

Với sự hỗ trợ từ ngành nông nghiệp trong việc chuyển giao các mô hình sản xuất mới phù hợp đặc điểm sinh thái của địa phương và thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, 6 tháng đầu năm, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đã và đang mang lại hiệu quả cho nhiều nông dân trên địa bàn huyện. Đáng lưu ý là các mô hình sinh kế trong mùa lũ như: mô hình 2 lúa + tôm càng xanh, diện tích 5ha được thực hiện tại xã Thường Thới Hậu B, bước đầu mang lại kết quả khả quan. Lợi nhuận trong mô hình khoảng 13,80 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình 2,48 triệu đồng/ha; mô hình 2 lúa + vịt + cá đồng, cá tự nhiên thực hiện trên diện tích 10ha, lợi nhuận 13,3 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình 5,3 triệu đồng/ha (ngoài mô hình 8 triệu đồng/ha).

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với tiêu thụ là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả tiếp tục được duy trì từ đầu năm đến nay. Theo đó, hiện đã có 20ha lúa hữu cơ của Nông trại Tâm Việt (xã Thường Phước 2) được Công ty Vinamit (TP.Hồ Chí Minh) bao tiêu. Huyện Hồng Ngự đang tiếp tục kêu gọi thêm doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho các diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ còn lại của địa phương trong vụ đông xuân năm 2019 - 2020.

Một trong những điểm nhấn nổi bật của ngành nông nghiệp huyện Hồng Ngự thời gian qua chính là việc chuyển đổi cây trồng hiệu quả từ các diện tích vườn tạp. Hiện địa phương chỉ đạo cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng cây ăn trái gắn với phục vụ du lịch tại 2 xã cù lao Long Khánh A, Long Khánh B, đến nay cải tạo được 36,85ha/48ha. Đồng thời chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái ở vùng khép kín xã Thường Phước 1 và Thường Phước 2, định hướng khu vực này sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng xoài keo hướng đến xuất khẩu.

Trên địa bàn huyện hiện có Hợp tác xã (HTX) sản xuất rau an toàn theo chương trình VietGAP với diện tích 13,7ha tại xã Long Thuận. Định hướng đến cuối năm 2019, HTX sẽ nhân rộng thêm 10ha. Ngoài ra, huyện tiếp tục chỉ đạo nhân rộng, phát triển thêm diện tích sản xuất rau trong nhà màng, nhà lưới theo hướng VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ nông sản tại các xã có điều kiện.

Thời gian qua, mô hình hội quán nông dân tiếp tục phát huy được lợi thế đã góp phần tạo điều kiện cho nông dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và liên kết trong sản xuất, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật nhằm sản xuất an toàn, tiến tới sản xuất hữu cơ tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đồng thời, mô hình cũng tạo thêm sinh kế cho nông dân phù hợp với đặc điểm tự nhiên và điều kiện địa phương, nhất là trong mùa lũ. Hiện trên địa bàn huyện Hồng Ngự đã có 2 hội quán được thành lập (Hội quán Tâm Việt ở xã Thường Phước 2 và Hội quán Làng bè ở xã Long Thuận). Đồng thời, địa phương cũng chuẩn bị tổ chức ra mắt Hội quán nuôi Lươn (xã Thường Phước 1).

Với việc phát huy được những tiềm năng và thế mạnh trong phát triển du lịch, thời gian qua, du lịch của huyện Hồng Ngự có nhiều khởi sắc mới, tăng hơn 18 ngàn lượt khách so với cùng kỳ năm 2018. Huyện Hồng Ngự còn là điểm lựa chọn dừng chân của nhiều đoàn khách quốc tế trong thời gian qua. Từ đầu năm 2019 đến nay, huyện đã tiếp đón hơn 37.500 lượt du khách đến tham quan, trong đó có 30 đoàn khách quốc tế.

Để đạt được sự tăng trưởng vượt bật này, thời gian qua, huyện đã thực hiện tốt công tác mời gọi đầu tư và mang lại một số hiệu quả. Cụ thể như: Dự án Du lịch văn hóa nông nghiệp Đồng Tháp Mười của Công ty TNHH Du lịch Văn hóa Việt Mekong tại Nông trại Tâm Việt (sản xuất lúa hữu cơ kết hợp du lịch trải nghiệm); du lịch miệt vườn, tham quan mua sắm tại làng nghề dệt choàng xã Long Khánh A, bãi tắm cồn Long Khánh A... Song song đó, địa phương cũng vận động người dân tham gia vào hoạt động du lịch như: phục vụ du khách lưu trú và khách tham quan theo mô hình du lịch nông trại (Farmstay); trải nghiệm trồng rau sạch, nông nghiệp lúa sạch; tham quan nhà cổ, di tích lịch sử, làng nghề, làng bè, vườn cây ăn trái và tắm cồn. Đồng thời, huyện còn phát triển các sản phẩm quà tặng du lịch như: khô các loại, nước mắm cá linh, cá lóc; sản phẩm khăn từ làng nghề dệt choàng Long Khánh, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn