Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ Chanh Cao Lãnh
Nâng cao giá trị cho sản phẩm chanh không hạt
Cập nhật ngày: 10/07/2019 09:22:14
ĐTO - Những năm qua, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Tiêu thụ Chanh Cao Lãnh (huyện Cao Lãnh) áp dụng sản xuất chanh không hạt theo hướng an toàn tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, sản phẩm của HTX từng bước có đầu ra tiêu thụ ổn định, khẳng định thương hiệu Chanh Cao Lãnh trên thị trường…
Thành viên Hợp tác xã chăm sóc vườn chanh không hạt
Sản xuất chanh VietGAP đáp ứng nhu cầu thị trường
Những ngày giữa tháng 6, các thành viên của HTX Sản xuất và Tiêu thụ Chanh Cao Lãnh đang tất bật thu mua sản phẩm cho thành viên. Ông Phạm Minh Cường – Giám đốc HTX vừa sắp xếp chanh vào thùng để chuyển hàng cho đối tác vừa cầm điện thoại để sẵn sàng trao đổi với thành viên về kỹ thuật trồng.
Theo ông Cường, tiền thân của HTX là Tổ hợp tác (THT) sản xuất chanh Cao Lãnh, thời điểm đầu sản xuất của đơn vị khá manh mún, sản phẩm chủ yếu chỉ bán tại các chợ trên địa bàn huyện. Vào thời điểm đó, không đối tác nào chịu ký hợp đồng vì sản lượng cung ứng chưa đáp ứng nhu cầu. “Ban đầu, các thành viên trong THT chủ yếu ngồi với nhau họp để chuyển giao khoa học kỹ thuật. Qua thời gian sinh hoạt, nhận thấy được lợi ích từ việc phát triển lên HTX, tôi kiên trì vận động nhà vườn thành lập HTX Sản xuất và Tiêu thụ Chanh Cao Lãnh. Đến nay, HTX có 15 thành viên, diện tích canh tác chanh không hạt gần 70ha” – ông Cường chia sẻ.
Chanh không hạt là loại cây dễ trồng, có chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng, ít sâu bệnh lại cho trái quanh năm. Với mục tiêu sản xuất ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, HTX đã áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào quá trình canh tác. So với cách làm cũ, mô hình canh tác chanh không hạt theo hướng VietGAPcho năng suất thấp hơn nhưng đổi lại tiết kiệm chi phí sản xuất được hơn 10%.
Theo ông Cường, yêu cầu của doanh nghiệp đặt ra là sản phẩm chanh phải có chất lượng tốt, an toàn. Vì thế, trong quá trình sản xuất, thành viên HTX luôn tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo thời gian cách ly để không còn tồn dư hóa chất. Bên cạnh đó, mẫu mã và chất lượng chanh sản xuất ra đảm bảo sự đồng nhất, trọng lượng đạt bình quân 16 – 20 trái/kg. Sau khi thu hoạch, chanh được kiểm tra kỹ lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trong quá trình chăm sóc, việc bón phân phải đảm bảo tỷ lệ 60% lượng phân hữu cơ, còn lại bón phân đạm và một số loại phân vi lượng khác để cây chanh phát triển tốt, cho trái sai, kích cỡ đồng đều.
Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, đơn vị tiêu thụ, việc ghi chép nhật ký sản xuất được HTX quan tâm. Đến nay, hầu hết các thành viên đã quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất, đáp ứng tốt yêu cầu truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp ký kết hợp đồng. Bên cạnh đó, HTX còn đầu tư các máy đo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các chất hóa học khác nhằm kiểm soát chặt chẽ các loại thuốc theo tiêu chuẩn 4 đúng: đúng thời điểm, đúng thời gian cách ly, đúng liều lượng và đúng bệnh. Riêng các thành viên HTX còn đầu tư hệ thống phun tưới tự động trong vườn nhằm giảm chi phí sản xuất.
Ông Phạm Minh Cường cho biết thêm: “Sản xuất chanh không hạt theo hướng VietGAP không chỉ đảm bảo sức khỏe, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng mà nông dân còn được hỗ trợ đầu ra, đảm bảo giá bán cao hơn thị trường”.
Hợp tác xã chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho đối tác
Xây dựng thương hiệu Chanh Cao Lãnh
Ngoài việc nâng cao sản lượng, chất lượng và đa dạng hóa thị trường đầu ra, HTX Sản xuất và Tiêu thụ Chanh Cao Lãnh còn chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản. Thời gian qua, đơn vị đầu tư mạnh dạn về bao bì, nhãn hiệu, tem nhãn để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tăng độ nhận diện thương hiệu.
Với vai trò cầu nối, HTX đứng ra thu mua và vận chuyển khoảng 20 tấn chanh/tháng cho thành viên với giá bán ổn định và cao hơn thị trường. Hiện nay, sản phẩm chanh không hạt của HTX đang có mặt tại các siêu thị lớn tại TP.Hồ Chí Minh như BigC, VinMart... và nhiều chợ đầu mối lớn tại các tỉnh.
Là một trong những thành viên khá lên nhờ trồng chanh không hạt, ông Trần Chí Hiền – thành viên HTX Sản xuất và Tiêu thụ chanh Cao Lãnh cho biết: “Gia đình tôi có hơn 6.000m2 vườn, trước đây chủ yếu trồng cây tạp nên thu nhập rất bấp bênh. Khoảng hơn 5 năm trở lại đây, tôi chuyển đổi sang trồng chanh không hạt và tham gia vào HTX cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp. Nhờ đó, mỗi năm thu nhập gia đình tôi được cải thiện hơn trước kia rất nhiều”.
Ông Huỳnh Thanh Sơn – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh cho biết: “Mô hình sản xuất chanh an toàn của HTX Sản xuất và Tiêu thụ Chanh Cao Lãnh được coi là nhân tố mới của nền nông nghiệp của địa phương. Góp phần vào việc thay đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ hỗ trợ nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái, trong đó có chanh không hạt. Để công tác này được triển khai hiệu quả, huyện tiếp tục hỗ trợ nông dân trong việc kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ nhằm đảm bảo đầu ra ổn định”.
Khánh Phan