Mạnh dạn tạo ra nhiều dấu ấn trên hành trình mới
Cập nhật ngày: 05/07/2019 13:11:55
ĐTO - Nhằm ghi nhận những thuận lợi, chia sẻ các khó khăn vướng mắc, tiếp thu các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh để tạo môi trường thuận lợi, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư, tại TP.Cao Lãnh, UBND tỉnh vừa tổ chức buổi họp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư 6 tháng đầu năm 2019. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương đồng chủ trì chương trình. Tham dự buổi họp mặt có trên 70 DN và nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan phát biểu trong chương trình họp mặt doanh nghiệp
Tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh
Theo báo cáo UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm, mặc dù điều kiện khách quan không thuận lợi, giá gạo và thủy sản đều giảm, dịch tả heo Châu Phi hoành hành nhưng hầu hết các ngành sản xuất, dịch vụ vẫn đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách đạt 4.265 tỷ đồng, bằng 60,2% dự toán năm (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2018). Kết quả này đã thể hiện sự đóng góp quan trọng của các thành phần kinh tế đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phát biểu tại buổi họp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương gửi lời cảm ơn đến cộng đồng DN đã chọn Đồng Tháp để phát triển sự nghiệp. Theo Chủ tịch Nguyễn Văn Dương, những tình cảm, những nhận xét tốt đẹp, những đóng góp chân tình, thẳng thắn của cộng đồng DN là nguồn động lực để Đồng Tháp không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành tỉnh duy nhất trong cả nước có 11 năm liên tiếp nằm trong nhóm dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI). Chính nhờ thương hiệu “Đồng Tháp - PCI” mà giờ đây Đồng Tháp đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo ông Nguyễn Văn Dương, trong bối cảnh nhiều đổi thay của kinh tế thế giới hiện nay, chính quyền địa phương luôn thấu hiểu rằng, các DN đang đứng trước rất nhiều áp lực cạnh tranh và những khó khăn nội tại. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn thách thức cũng mở ra cơ hội mới. Đặc biệt, Việt Nam cũng đang có nhiều lợi thế trước những tác động của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại tự do, Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu vừa được ký vào ngày 30/6 vừa qua.
Thời gian qua, để khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, ở góc độ địa phương, Đồng Tháp đã giới thiệu những dự án quan trọng thuộc các lĩnh vực: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị, năng lượng sạch để các nhà đầu tư quan tâm và nghiên cứu thực hiện. Ông Nguyễn Văn Dương khẳng định: “Chúng tôi cam kết hỗ trợ DN từ khâu lập dự án đầu tư, thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong suốt quá trình hoạt động, bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh cho tất cả các DN”.
Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành. Đặc biệt, UBND tỉnh vừa có công văn yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải cắt giảm triệt để các chi phí không hợp lý trong tuân thủ quy định pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, ngăn chặn các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức cho DN. Chính quyền Đồng Tháp xác định, đây là một trong những nỗ lực nhằm tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, tạo thuận lợi nhất cho DN và nhà đầu tư.
Mạnh dạn tạo ra nhiều dấu ấn trên hành trình mới
Thời gian gần đây, thị trường xuất khẩu nông sản chủ yếu của Việt Nam là Trung Quốc đã thay đổi nhiều chính sách nhập khẩu theo hướng khắt khe hơn về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Chương trình họp mặt lần này cũng dành nhiều thời gian trao đổi về nội dung trên.
Tham dự chương trình trong vai trò khách mời, ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch Vinamit trình bày nội dung chuyên đề về nông nghiệp công nghệ cao và chia sẻ kinh nghiệm về xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đề cập chi tiết về vấn đề đăng ký mã vạch cho các sản phẩm nông sản của địa phương. Ông nhấn mạnh, đây là những yếu tố cần thiết khi tham gia vào thị trường Trung Quốc. Ông cũng dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề DN gặp phải khi thâm nhập sản phẩm vào thị trường Trung Quốc (yếu tố về văn hóa, chính trị, những thủ tục cần thiết khi nhập khẩu...).
Doanh nghiệp trao đổi ý kiến tại buổi họp mặt
Trong chương trình họp mặt, ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật) cũng cung cấp nhiều thông tin cần thiết về quy định kiểm dịch thực vật - an toàn thực phẩm xuất khẩu để đảm bảo xuất khẩu trái cây tươi thuận lợi, đáp ứng quy định của nước nhập khẩu, cụ thể là thị trường Trung Quốc.
Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Nguyễn Quốc Định - Chủ tịch HĐQT Công ty Imexpharm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dẫn đầu của tỉnh bày tỏ quan điểm về những rủi ro khi DN tập trung vào một thị trường duy nhất. Theo ông, ngoài Trung Quốc, thị trường Ấn Độ và Nhật Bản cũng là những thị trường tiềm năng DN nên hướng đến. Tất nhiên, theo ông, khi xuất khẩu sản phẩm qua Nhật Bản là DN phải đáp ứng những tiêu chuẩn, yêu cầu vô cùng chặt chẽ.
Trao đổi về nội dung khởi nghiệp, ông Nguyễn Quốc Định cho rằng, khi thực hiện khởi nghiệp, các startup tỉnh nhà nên hướng đến thị trường rộng, tư duy vươn ra lớn mạnh. Ngoài ra, việc liên kết, hợp tác giữa các DN trong tỉnh với nhau để khai thác được tiềm năng giữa các bên cũng là vấn đề vô cùng bức thiết. Đây cũng là một trong những yếu tố tạo nền tảng hướng đến phát triển bền vững, các bên đều có lợi.
Đại diện Công ty TNHH Marine Functional Việt Nam (Nhà máy sản xuất đạm thủy phân và dầu) - ông Nguyễn Anh Ngọc cho rằng, tỉnh Đồng Tháp có tiềm năng về ngành chế biến nông sản trái cây, thủy sản rất lớn nhưng đến nay chưa khai thác được nhiều về các phụ phẩm nông nghiệp, đây cũng là vấn đề DN nên quan tâm khai thác. Nếu khai thác hiệu quả các lĩnh vực này thì sẽ thu được thêm giá trị gia tăng từ nông sản rất cao. Về sản xuất, kinh doanh, DN cũng cần thay đổi, phải có tư duy mới để tạo ra được giá trị gia tăng, chủ động trong kinh doanh và giữ gìn bảo vệ môi trường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (thứ hai từ phải sang) đến thăm doanh nghiệp trên địa bàn huyện Cao Lãnh. Ảnh: Nhật Khánh
Bên cạnh việc trao đổi về những dự tính phát triển những dự án mới và ý tưởng mới, phát biểu tại chương trình, ông Trương Lê Huy Hoàng - chủ cơ sở sản xuất Khô trâu Quang Hiển cho biết, vừa qua, ông may mắn được tỉnh tạo điều kiện tham dự hội chợ quốc tế về thực phẩm và đồ uống ThaiFex 2019 (tổ chức tại Bangkok, Thái Lan). Trong dịp này, ông được tham quan, học tập kinh nghiệm tại Trung tâm nghiên cứu thực phẩm tại Thái Lan. Từ sự trải nghiệm đó, ông bày tỏ mong muốn địa phương cũng có một trung tâm tương tự để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong khâu nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm trước khi đưa ra thị trường nhằm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí xuất khẩu hiện nay.
Chủ trì chương trình họp mặt, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan chia sẻ với cộng đồng DN tỉnh nhà nhiều nội dung về hiệp định thương mại thế hệ mới. Những nội dung Bí thư Lê Minh Hoan đề cập một lần nữa đánh động cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà về vấn đề chúng ta ký hiệp định thương mại thế hệ mới là “chúng ta mở cánh cửa bước ra thế giới bên ngoài thì cũng nên nhớ là chúng ta cũng phải mở cánh cửa để thế giới bên ngoài bước vào với chúng ta”.
Theo Bí thư Lê Minh Hoan, các hiệp định thương mại mới vừa là cơ hội vừa là thách thức rất lớn. Các hiệp định thương mại thế hệ mới không chỉ đề cập đến vấn đề thương mại, đầu tư mà còn bao hàm cả mức độ cam kết phi thương mại như lao động, môi trường, trách nhiệm xã hội, cam kết phát triển bền vững và quản trị tốt. Xu thế thị trường và những quy định mới từ những hiệp định thương mại thế hệ mới buộc chúng ta (bao gồm nông dân, DN và cả chính quyền) phải thay đổi... Bí thư Lê Minh Hoan nhắn nhủ: “Không thay đổi là đối mặt thất bại, thất bại do sự thiếu chuẩn bị, thất bại do say sưa với những thương vụ thành công mà không để ý đến mặt đất dưới chân đang rung chuyển...”.
Đề cập đến việc liên kết và tiêu thụ đã đặt ra từ khi địa phương bắt tay vào triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại chương trình họp mặt với những câu hỏi làm thế nào để mối liên kết được bền vững... Bí thư Lê Minh Hoan cho rằng, tất cả thành công trong xây dựng phải bắt đầu từ tâm thế của DN, chính quyền địa phương sẽ là cầu nối và là chất xúc tác kết nối các tác nhân đó.
Năm qua là một năm tiếp tục thành công của chủ trương khởi nghiệp. Dịp này, Bí thư Lê Minh Hoan bày tỏ sự khâm phục ý chí khát vọng của những cánh chim trong “Đàn sếu khởi nghiệp”. Trong không khí cởi mở, thân mật của buổi họp mặt, Bí thư cũng chia sẻ với DN tỉnh nhà những lời tự sự của một doanh nhân Nhật Bản qua câu chuyện về vấn đề “Hưng suy của một quốc gia đồng nhất với tâm hồn và trạng thái của quốc dân”. Câu chuyện như lời gửi gắm tình cảm và khát vọng cho quê hương Đất Sen hồng thịnh vượng dựa trên những giá trị tốt đẹp mà cộng đồng DN đang mang lại và sẽ mang lại. Bí thư cũng gửi lời chúc cộng đồng DN trong và ngoài tỉnh tràn đầy năng lượng và hãy mạnh dạn tạo ra nhiều dấn ấn trên hành trình mới.
Thanh Hiền