Nghề sản xuất khô cá lóc
Vừa mừng vừa lo khi vảy cá hút hàng
Cập nhật ngày: 03/07/2019 18:08:02
ĐTO - Nếu như trước đây tại các nơi sản xuất khô cá lóc, vảy cá là loại phế phẩm bỏ đi thì thời gian gần đây, vảy cá lại được nhiều thương lái tranh mua. Nhiều hộ sản xuất khô cá phấn khởi vì có thêm nguồn thu nhập từ vảy cá, song một số hộ dân vẫn lo ngại vì thương lái không giải thích rõ mục đích thu mua vảy cá để làm gì.
Người dân thu gom vảy cá để bán cho thương lái
Theo nhiều hộ dân chuyên sản xuất khô cá lóc tại xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, thương lái bắt đầu thu mua vảy cá cách đây khoảng 2 năm. Ban đầu họ mua vảy cá tươi với mức giá 500 đồng/kg, sau đó tăng lên 2.000 đồng/kg, hiện tại giá vảy cá tươi được thu mua tại huyện Tam Nông từ 5.000 - 7.000 ngàn đồng/kg. Đặc biệt, thời gian gần đây có thêm nhiều thương lái từ nơi khác đến thu mua đã đẩy giá lên đến 10.000 - 12.000 ngàn đồng/kg.
Ông Đỗ Công Bình - Giám đốc Công ty CP Khô Tứ Quý (huyện Tam Nông cho biết, hiện có rất nhiều đầu mối liên hệ và nhờ ông làm đầu mối thu mua vảy cá từ làng khô Phú Thọ. Các thương lái này phần lớn là người ở ngoài tỉnh, đến từ Tiền Giang, An Giang và Cà Mau. Tuy nhiên, theo ông Bình, vảy cá thường bốc mùi tanh và khó trữ lâu, hơn nữa sẽ không thích hợp khi dự trữ vảy cá gần nơi chế biến khô. “Dù có thêm lợi nhuận khi làm đầu mối thu gom vảy cá nhưng tôi không muốn việc này làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của mình. Hơn nữa do không biết rõ thương lái thu mua về để làm gì, nên rất ngại xảy ra trường hợp đã thu gom vảy cá trữ nhưng thương lái mất tăm là rối luôn” - ông Bình bày tỏ.
Cũng giống công ty của ông Bình, nhiều hộ sản xuất khô tại làng khô Phú Thọ vừa cảm thấy vui mừng nhưng cũng khá dè dặt với việc thu mua vảy cá của thương lái. Chị Võ Thị Lệ Hoa - một trong những đầu mối thu gom vảy cá ở làng khô Phú Thọ cho hay: “Thời gian gần đây, do giá cá lóc nguyên liệu tăng cao, lợi nhuận từ làm khô khá bấp bênh do đó vảy cá có thể bán được cũng mang lại nguồn thu nhập tốt. Song, do không biết thương lái thu mua vảy cá nhằm mục đích gì nên tuy phấn khởi nhưng chúng tôi cũng hơi lo. Bởi nếu là xương cá, ruột cá thì mình biết người ta mua về làm thức ăn cho cá trê nhưng vảy cá thì không biết”.
Để yên tâm hơn, trong khâu giao dịch, chị Hoa yêu cầu thương lái đặt cọc 20 triệu đồng khi chị làm đầu mối thu gom vảy cá. Được biết, hiện tại địa bàn huyện Tam Nông có rất nhiều hộ thu gom vảy cá như chị Hoa, song không phải ai cũng được thương lái đặt tiền cọc.
Việc thu mua vảy cá lóc không chỉ xuất hiện tại địa bàn huyện Tam Nông mà tại một số khu vực sản xuất khô cá lóc của huyện Hồng Ngự cũng có thương lái đến từng hộ sản xuất khô thu gom vảy cá.
Anh Nguyễn Tiến Phương - Chủ cơ sở sản xuất khô cá lóc Tiến Phương, xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự thông tin, khoảng hơn 1 năm nay có khá nhiều lái đến cơ sở đặt vấn đề thu gom vảy cá và nhờ làm đầu mối thu gom. Tuy nhiên, do sơ ảnh hưởng đến sản xuất khô và ô nhiễm môi trường nên tôi không đồng ý. Hiện giá vảy tươi tại Hồng Ngự khoảng 5.000 đồng/kg và vảy cá đã phơi khô khoảng 15.000 đồng/kg”.
Theo nhiều người làm khô, trung bình 100kg cá sẽ thu được khoảng 7 - 10kg vảy. Bán được vảy cá người dân có thêm nguồn thu nhập bên cạnh bán khô và phụ phẩm như xương, đầu cá cho người nuôi cá trong vùng.
Ông Lưu Văn Tiến - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông cho biết, việc thu mua vảy cá lóc ở địa bàn huyện diễn ra khoảng 2 năm nay. Theo thông tin từ các đầu mối thu tại địa phương, vảy cá được một doanh nghiệp từ tỉnh Tiền Giang đến đặt hàng thu gom. Vảy cá sau khi được thu mua về sẽ được doanh nghiệp này chế biến và đóng gói để xuất khẩu. Trước đây vảy cá ở làng khô chủ yếu là bỏ đi, thời gian gần đây có đơn vị thu mua đã mang lại nguồn thu nhập tăng thêm cho người sản xuat. Hiện ngành nông nghiệp cũng đang theo dõi về tình hình thu mua vảy cá trên địa bàn nhằm có hướng dẫn kịp thời cho người dân khi xảy ra những diễn biến bất thường.
Mỹ Lý