Chuyển biến tích cực từ việc thanh toán không dùng tiền mặt
Cập nhật ngày: 08/07/2019 15:20:53
ĐTO - Thời gian gần đây, việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có nhiều chuyển biến tích cực. Đồng hành với chủ trương lớn này, các đơn vị, ban ngành và đối tác trung gian trong lĩnh vực thanh toán điện tử trên địa bàn tỉnh đã áp dụng nhiều phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Thời gian gần đây, các siêu thị, trung tâm thương mại cũng triển khai hiệu quả việc thanh toán không dùng tiền mặt
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, đến ngày 31/5/2019, trên địa bàn có 25 chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) và 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội cấp tỉnh; 11 chi nhánh cấp huyện trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp; 75 Phòng giao dịch trực thuộc chi nhánh NHTM, Ngân hàng Chính sách Xã hội và 1 Phòng giao dịch Ngân hàng Phát triển Việt Nam; 17 Quỹ tín dụng nhân dân.
Nhằm đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, các tổ chức tín dụng đã mở rộng lắp đặt hệ thống máy giao dịch tự động (ATM) và hệ thống máy chấp nhận thẻ (POS) tại trung tâm huyện, thị, thành phố phù hợp với nhu cầu của người dân. Toàn tỉnh hiện có 170 ATM được lắp đặt khắp các huyện, thị, thành phố trong tỉnh; tăng 5 máy so với cùng kỳ năm trước. Tổng số máy POS trên địa bàn là 515 máy; tăng 38 máy so với cùng kỳ năm trước, trong đó 429 máy đã kết nối. Hiện tại có 20/25 NHTM và Kho bạc Nhà nước đã trang bị máy POS; trong đó, tổng số thẻ phát hành hơn 711 ngàn thẻ. Hệ thống thanh toán qua ATM, POS đảm bảo an toàn, thông suốt, phục vụ kịp thời nhu cầu thanh toán và rút tiền mặt của người dân trên địa bàn, đặc biệt là trong dịp lễ, Tết. Năm 2018, tổng doanh số thanh toán qua POS hơn 326 tỷ đồng.
Thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh không ngừng cải tiến, tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hiện đang áp dụng; đồng thời đẩy mạnh phát triển, ứng dụng các phương tiện và mô hình thanh toán hiện đại, dễ sử dụng, phù hợp với điều kiện vùng nông thôn. Trong đó phải kể đến những tổ chức tín dụng, mạng lưới bưu điện, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã triển khai các tiện ích đến khách hàng như: Bank Plus, Internet Banking, IPay, ví điện tử...
Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp đã làm việc với Cục Thuế Đồng Tháp và Kho bạc Nhà nước tỉnh Đồng Tháp về triển khai việc thu thuế qua ngân hàng. Đến nay, văn phòng Cục Thuế tỉnh Đồng Tháp và 12/12 Chi cục Thuế huyện, thị, thành phố đã triển khai thực hiện thu thuế qua ngân hàng.
Là đơn vị đi tiên phong trong việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, những năm gần đây, Công ty Điện lực Đồng Tháp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong việc đẩy mạnh thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Hiện có 18/26 chi nhánh ngân hàng ký kết thu hộ tiền điện với Công ty Điện lực Đồng Tháp. Số lượng khách hàng thanh toán tiền điện qua ngân hàng đến ngày 31/5/2019 là 36.877/561.892, chiếm 6,56% trong tổng số khách hàng sử dụng điện.
Việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng được người dân đánh giá mang lại nhiều tiện ích. Cô Phan Thị Thanh Tâm ngụ khóm 1, thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung chia sẻ: “Lúc trước, cứ đến ngày 15 hàng tháng, tôi nhận thông báo hóa đơn tiền điện rồi ra ngân hàng, các điểm thu hộ đóng tiền. Giờ chỉ cần dùng Internet Banking là giải quyết xong hóa đơn tiền điện. Cách thanh toán này vừa giúp tôi tiết kiệm thời gian và đảm bảo an toàn”.
Cũng thanh toán tiền điện, nước qua phương thức ủy nhiệm cho ngân hàng trừ tiền từ thẻ ATM, bà Lê Thị Hưởng ngụ khóm 1, thị trấn Lai Vung cho biết: “Tôi đăng ký dịch vụ tại ngân hàng, rồi hàng tháng các đơn vị điện, nước gửi tin nhắn báo lượng điện, nước mình đã dùng, số tiền phải thanh toán. Sau đó, bên ngân hàng sẽ gửi tin nhắn thông báo trừ tiền thanh toán, rất tiện lợi”.
Theo ông Nguyễn Văn Quế - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, việc triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tạo sự thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công như: giao dịch thanh toán được thực hiện nhanh chóng, chính xác, chủ động và tiết kiệm thời gian bằng cách thanh toán qua ATM, internet banking hoặc đăng ký dịch vụ trích nợ tự động và đảm bảo tính an toàn, hạn chế rủi ro... Do đó, thời gian qua, việc thực hiện triển khai thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân, nhất là đối với khách hàng là cán bộ, công nhân viên.
Để việc thanh toán không dùng tiền mặt đi vào chiều sâu
Theo NHNN Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, bên cạnh những thuận lợi thì việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ. Theo đó, dù lượng khách hàng đăng ký thanh toán các dịch vụ công đã tăng mạnh ở năm 2018 nhưng vẫn còn thấp. Nguyên nhân do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, đặc biệt là người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa; việc sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến của người dân còn nhiều bỡ ngỡ, chưa ý thức bảo mật thông tin tài khoản - thẻ; tâm lý ngại thay đổi phương thức thanh toán của người dân. Ngoài ra, người dân chưa hiểu hết các mặt lợi ích của việc thanh toán qua ngân hàng nên việc triển khai thanh toán đối với dịch vụ công vẫn còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, tình hình tội phạm công nghệ cao liên quan đến hoạt động thanh toán của ngân hàng gia tăng và tinh vi với tần suất ngày càng nhiều. Điều này gây hoang mang đến khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng...
Ông Phan Duy Phúc - Giám đốc NHTM CP Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Thời gian qua, đơn vị đã triển khai lắp đặt 120 máy POS để đáp ứng nhu cầu khách hàng trên địa bàn tỉnh. Song, để việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai sâu rộng rất cần sự chung tay của các ngành, địa phương trong việc đăng ký thanh toán qua máy POS hay dịch vụ tiện ích của ngành ngân hàng”.
Về phương hướng trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Quế - Giám đốc NHNN Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Sắp tới, ngành ngân hàng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng đến người dân là công nhân tại khu công nghiệp, công nhân viên chức lao động trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ chỉ đạo các NHTM chủ động phối hợp với các đơn vị Kho bạc Nhà nước tỉnh, các bệnh viện, trường học, các điểm giao dịch một cửa, điểm thu, nộp thuế, hải quan, chi trả an sinh xã hội... tiếp tục triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp, thuận lợi cho khách hàng trong thu, nộp thuế, thanh toán hóa đơn định kỳ, chi trả viện phí, chi trả lương; chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng, phù hợp với điều kiện ở các vùng sâu, nông thôn...”.
Khánh Phan