Phát huy vai trò chủ thể của nông dân thông qua hội quán, hợp tác xã

Cập nhật ngày: 06/12/2018 10:43:35

ĐTO - Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (ngày 21/11), Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan có bài phát biểu về những kết quả của tỉnh nhà đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết “Tam nông” trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhấn mạnh về vai trò của hợp tác xã (HTX), việc “hợp tác với nhau trong cuộc sống sẽ làm tiền đề cho hợp tác trong sản xuất”.


Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan trao quà cho Chủ nhiệm Thuận Tân hội quán (xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh)

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh Đồng Tháp đạt được những kết quả khá toàn diện. Tính đến năm 2017, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản theo giá so sánh năm 2010 đạt 40.602 tỷ đồng (tăng 12.376 tỷ đồng so với năm 2008, đạt mức tăng trưởng bình quân 4,2%/năm). Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đạt trên 34 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so năm 2008. Đó là thu nhập bình quân đầu người theo thống kê, thu nhập thực tế cao hơn nhờ nông dân giảm chi phí sản xuất và hoạt động các ngành nghề phi nông nghiệp.

Đồng Tháp triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN) được khoảng 3 năm, dựa trên 5 sản phẩm chủ lực. Đến nay, Đồng Tháp đứng đầu về sản lượng cá tra và các dòng sản phẩm có giá trị gia tăng từ cá tra; đứng thứ ba về sản lượng lúa đồng thời là trung tâm chế biến của vùng; đứng trong nhóm đầu diện tích vườn cây ăn trái. Trong quá trình triển khai Nghị quyết 26, tỉnh đã phát hiện ra những điểm nghẽn, những trở lực, những khó khăn. Có những điểm nghẽn đã vượt qua được, có những nút thắt còn đang lúng túng tìm giải pháp, nhưng với những gì đã làm được, tỉnh Đồng Tháp tự tin rằng mình đã tìm đúng hướng, đi đúng đường. Những nội dung, mục tiêu của Đề án TCCNN của tỉnh được tóm tắt trong 6 vấn đề: “Hợp tác, Liên kết, Thị trường” và “Giảm chi phí, Tăng chất lượng, Chế biến tinh”. Đối chiếu với những gì mà nông nghiệp gặp phải trong thời gian qua như phải “giải cứu” nhiều loại nông sản, cho thấy chúng tôi đã tìm ra đúng giá trị cốt lõi từ những điều ấy.

Trong các bản báo cáo ở nhiều cấp cho thấy, nông sản Việt luôn bị cho là có sức cạnh tranh kém nhưng chưa có những lý giải thấu đáo về nguyên nhân. Nông sản cạnh tranh kém vì chi phí sản xuất cao dẫn đến giá thành cao; chất lượng không đồng đều, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Gần đây, Việt Nam phấn khởi khi một vài nông sản xuất khẩu được, nhưng đồng thời cũng có nhiều lô hàng bị từ chối vì vi phạm tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các chất cấm khác.

Giải pháp tháo gỡ 2 nút thắt “chi phí cao” và “chất lượng kém” sẽ không thể làm được nếu vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát. Sản xuất nhỏ thì chi phí cao. Sản xuất tự phát thì sẽ không tuân thủ một quy trình chung để bảo đảm chất lượng, độ đồng đều cho nông sản. Sản xuất riêng lẻ thì ngay người sản xuất cũng sẽ tự cạnh tranh với nhau. Cạnh tranh với nhau thì người sản xuất muốn mua trước, mà để được mua trước thì phải mua giá cao hơn. Cạnh tranh với nhau thì người sản xuất muốn bán trước, mà để được bán trước thì phải bán giá thấp hơn. Vậy là, thiệt cả 2 đầu: mua và bán. Để cạnh tranh, người nông dân có thể cắt giảm quy trình canh tác để giảm chi phí, có thể dùng những hóa chất độc hại để nông sản được lớn hơn, đẹp hơn. Đây là “điểm liệt” trên thị trường, làm cho nền nông nghiệp thiếu bền vững.

Những phân tích nêu trên cho thấy HTX là cứu cánh duy nhất giúp tháo gỡ khó khăn cho người nông dân, DN và cả nền nông nghiệp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nhiều HTX chậm chuyển đổi, hoạt động không đúng bản chất, chưa thật sự là “bà đỡ” cho mục tiêu “giảm chi phí và nâng cao chất lượng”. Nguyên lý của kinh tế hợp tác (KTHT) là tận dụng sức mạnh khi “mua chung, bán chung”. Mua chung là mua sỉ, mua sỉ thì giá rẻ, mua được tận gốc tránh được hàng gian, giả, kém chất lượng. Bán chung thì nhờ vào sức mạnh số đông để đàm phán với mức giá tốt nhất.

Nguyên nhân dẫn đến KTHT chưa phát triển như các nước chính là lòng tin của người nông dân và đây đó chưa hiểu đúng, đầy đủ bản chất của HTX. Muốn tạo dựng lòng tin trong nông dân cần phải có một không gian cộng đồng để người dân đến với nhau, chia sẻ với nhau, bớt đi sự đố kỵ, hẹp hòi vì những va đập trong cuộc sống. Không gian cộng đồng đó, Đồng Tháp đặt tên là “Hội quán nông dân”. Đến nay, tỉnh đã có 58 Hội quán ra đời gắn với một vùng nguyên liệu cụ thể, trong các Hội quán này đã có 597/3.146 đảng viên là thành viên, chiếm 18,98%; 15/58 đảng viên là Chủ nhiệm Hội quán, chiếm 25,86%. Có thể nói “Đảng đã cùng với nông dân, sống trong lòng nông dân” để làm cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp, nông thôn. Hội quán nông dân là mảnh ghép gắn kết với Hội Nông dân đẩy nhanh tiến trình TCCNN và xây dựng nông thôn mới.

Hội quán được thành lập với phương châm “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác”, trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, tự chủ, tự quản của người dân, là một thiết chế đa chức năng mới ở nông thôn. Từ những buổi sinh hoạt của Hội quán, chuyện xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự, hỗ trợ giảm nghèo, xử lý môi trường được chính người dân bàn luận và thực hiện. Những công trình hạ tầng do người dân tự thực hiện, hoặc “chính quyền cung cấp vật tư - người dân thực hiện”, “tình làng - nghĩa xóm” sẽ được kết chặt, niềm tin được nâng lên. Từ Hội quán, người nông dân kết nối với các DN, các chuyên gia từ các viện, trường, nhờ đó kiến thức của người dân được nâng lên. Vai trò chủ thể của người nông dân được khẳng định, tinh thần tự lực, tự chủ, tự cường được phát huy, người nông dân thực sự tham gia vào quản trị địa phương và làm chủ xóm làng.


Phương thức sản xuất thông minh, thân thiện với môi trường đang được nông dân Đồng Tháp đẩy mạnh thực hiện

“Hợp tác với nhau trong cuộc sống sẽ làm tiền đề cho hợp tác trong sản xuất”. Thực tế là đã có nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp lần lượt ra đời hoạt động đúng bản chất, đa dịch vụ trên nền của các Hội quán đã tạo ra một phong trào đang lan tỏa nhanh ở Đồng Tháp. Đến nay, toàn tỉnh có 129 HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012, 949 tổ hợp tác và 58 trang trại đang được củng cố và thành lập mới.

Cũng thông qua mô hình Hội quán, người nông dân đã được hướng dẫn tiếp cận quy trình sản xuất sạch, nông nghiệp có trách nhiệm, nông nghiệp thông minh. Các mô hình “Cây xoài nhà tôi”, “Cây cam vườn tôi”, “Ruộng nhà mình” đặt nền móng cho thương mại điện tử, nối kết nông sản ra thị trường bằng công nghệ số. Ngoài ra, bà con còn được hỗ trợ làm du lịch cộng đồng, các hoạt động khởi nghiệp trên lĩnh vực bảo quản, chế biến, đóng gói bao bì, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu làm đa dạng hóa sản phẩm.

Trong chuyến về thăm Đồng Tháp, đồng chí Tổng Bí thư/Chủ tịch Nước đã hoan nghênh mô hình “Hội quán” và cho rằng, đây là sáng kiến về tập hợp, đoàn kết bà con nông dân; là nơi hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật, cũng là nơi trao đổi tâm tình, góp ý kiến, đoàn kết bà con để làm ăn, phát triển quê hương.

Đồng Tháp là một trong những địa phương đi những bước đầu tiên trên hành trình chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”; lấy giá trị gia tăng trong từng công đoạn của chuỗi ngành hàng nông sản làm mục tiêu hướng tới. Trục liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa nông dân và DN, được phát huy bắt đầu từ những “cánh đồng mẫu lớn”, các Hội quán, HTX. Một trong những điểm yếu trong sản xuất và tiêu thụ là “thông tin bất cân xứng” - một trong các bên tham gia vào chuỗi ngành hàng không biết rõ thông tin về một hay các bên còn lại. Đồng Tháp đang thiết lập những công cụ quản lý để minh bạch, cung cấp thông tin nhiều nhất, nhanh nhất, thuận tiện nhất cho nông dân, HTX và DN. Làm được điều này sẽ tạo dựng lòng tin và nâng dần niềm tin cho tất cả các bên tham gia. Có như vậy, mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ mới thật sự bền vững.

Đang có nhiều cách tiếp cận khác nhau với nền nông nghiệp 4.0, tuy nhiên, Đồng Tháp đang theo đuổi ý kiến của các nhà khoa học. Đó là, “Cuộc Cách mạng nông nghiệp lần thứ 4 chính là phải bắt đầu từ việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học mà gia tăng sử dụng các chế phẩm sinh học, các phương thức sản xuất thân thiện với môi trường và người sử dụng để tạo ra các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao”. Đây là một hành trình đầy khó khăn nhưng Đồng Tháp đang kiên trì thực hiện.

Những gì Đồng Tháp đã trăn trở và đang làm như đã nêu ở trên có thể chỉ phù hợp với đặc thù của mình. Tuy nhiên, nếu xem HTX là cứu cánh của nền nông nghiệp, cần có những chính sách hỗ trợ đối với HTX và những DN tham gia vào tiến trình TCCNN. Cụ thể như, cần có một Luật riêng về HTX nông nghiệp đủ mạnh để làm cho HTX có đủ nguồn lực và sức mạnh dẫn dắt kinh tế hộ. Bên cạnh đó, để chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần phải có nhiều cơ chế, chính sách song hành. Đặc biệt là hỗ trợ nông dân, HTX, DN tiếp cận tín dụng để đẩy mạnh hoạt động sản xuất theo chuỗi ngành hàng, trong đó tiếp cận công nghệ bảo quản, chế biến nông sản.

Để cơ cấu lại ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, Đồng Tháp đang có nhiều mô hình giảm diện tích đất trồng lúa để đan xen với những cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện suy giảm nguồn tài nguyên nước. Tuy nhiên, chính sách giảm diện tích trồng lúa vẫn còn bất cập so với mong chờ của người dân, cần có sự tác động rõ ràng hơn ở tầm vĩ mô.

Thảo Vy (lược ghi)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn