Phát triển kinh tế hợp tác nhanh và bền vững
Cập nhật ngày: 02/08/2018 05:57:40
ĐTO - Định hướng phát triển lĩnh vực kinh tế hợp tác (KTHT) theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế chung tỉnh nhà, thời gian qua ngành nông nghiệp đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm.
Xã viên tham quan các giống lúa mới
Hiện nay, toàn tỉnh có 138 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012, tăng 9 HTX so với cuối năm 2017. Theo đó, tổng doanh thu của 120 HTX là 214 tỷ đồng/năm. Trong đó có 118 HTX hoạt động kinh doanh có lợi nhuận, bình quân 1 HTX có lợi nhuận gần 200 triệu đồng/năm.
Đối với tổ hợp tác (THT), có 188/949 THT được đánh giá là hoạt động có hiệu quả với tổng lợi nhuận là gần 21 tỷ đồng. Bình quân mỗi THT thu lợi nhuận khoảng 130 triệu đồng/năm. Riêng các THT còn lại đa số góp công sức tạo ra lợi ích chung, hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất, không hoạt động vì mục đích tạo ra lợi nhuận kinh tế.
Năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) triển khai thực hiện một số nội dung hỗ trợ, phát triển KTHT trên địa bàn tỉnh. Định hướng phát triển KTHT theo chiều sâu, ngành nông nghiệp phối hợp với Trường Cán bộ Quản lý NN&PTNT II tổ chức tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ thành lập mới HTX nông nghiệp. Từ nguồn vốn của Trung ương, nguồn vốn của tỉnh, năm 2018, tỉnh hỗ trợ 64 cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học với chuyên môn về quản trị kinh doanh, kinh tế nông nghiệp, kế toán... về làm cán bộ HTX. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho 8/9 HTX tham gia thí điểm HTX kiểu mới với tổng kinh phí hỗ trợ trên 106 tỷ đồng.
Nhằm giúp các HTX nông nghiệp bắt kịp xu hướng sản xuất mới, tỉnh đã hỗ trợ các HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thông qua các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, từ nguồn vốn mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM với tổng kinh phí là 1.500 triệu đồng.
Khuyến khích các địa phương thành lập Hội quán nhằm tập hợp những nông dân cùng sản xuất chung ngành nghề để sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm ăn hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 52 Hội quán, đây là tiền đề để thành lập các HTX bền vững trong thời gian tới.
Trước sự hỗ trợ từ các ngành hữu quan, lĩnh vực KTHT của tỉnh nhà có những bước phát triển mới. Các HTX, THT đã mạnh dạn sản xuất theo nhu cầu thị trường, đẩy mạnh liên kết sản xuất. Đơn cử như HTX nông sản sạch xã Vĩnh Thới đã liên kết tiêu thụ với Công ty VinEco nhiều năm qua. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm, công ty này đã thu mua cho HTX khoảng 825 tấn trái gồm: quýt đường, cam soàn, mận, cam sành, quýt hồng. Hay mô hình nuôi vịt trong rọ của THT nuôi vịt Tháp Mười có liên kết cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Vừa qua, sản phẩm trứng vịt của Lê Ngọc Mới – Tổ trưởng THT chăn nuôi vịt Tháp Mười còn được cấp mã code truy xuất nguồn gốc khi tham gia vào thị trường TP.Hồ Chí Minh.
Ông Tống Văn Phong – Giám đốc HTX nông sản sạch xã Vĩnh Thới chia sẻ: “Hướng đến sự phát triển bền vững, ngoài việc HTX đón đầu với phương pháp sản xuất trái cây an toàn thì HTX còn quan tâm đến doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Bởi đây là một trong những tiêu chí mang tính sống còn của nhà vườn”.
Theo Sở NN&PTNT đánh giá, dù các HTX có nhiều sự thay đổi tích cực nhưng năng lực hoạt động vẫn còn nhiều hạn chế. HTX chưa mạnh dạn mở rộng hình thức kinh doanh theo hướng đa dịch vụ; cán bộ HTX còn yếu về năng lực chuyên môn.
Hiện nay, đa phần các HTX nông nghiệp chỉ tập trung hoạt động các dịch vụ đầu vào chưa quan tâm đến các dịch vụ đầu ra như bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Việc liên kết giữa HTX với các doanh nghiệp chưa cao nên sản phẩm của xã viên phải tiêu thụ qua thương lái, đầu ra thiếu ổn định, lợi nhuận đạt thấp. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cho HTX được ban hành nhiều nhưng chậm hướng dẫn thực hiện, bổ sung sửa đổi, nên HTX khó tiếp cận với các chính sách vay vốn tín dụng, đầu tư cơ sở hạ tầng...
Nhận định trước thuận lợi và khó khăn, ngành nông nghiệp định hướng phát triển KTTT năm 2019 chính là giám sát và hoàn thiện hoạt động HTX theo Luật HTX năm 2012; khuyến khích thành lập mới HTX, THT có phương hướng và cơ sở phát triển tốt, đảm bảo các nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Ngành nông nghiệp tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của HTX, THT; tăng cường năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, giải thể các HTX yếu kém, không hoạt động hoặc hoạt động không đúng quy định; nâng cao hiệu quả đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào tăng trưởng kinh tế chung.
Trên tinh thần đó, năm 2019, ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu phát triển KTHT nhanh và bền vững; phấn đấu đến năm 2020 đưa khu vực KTHT, nhất là HTX nông nghiệp thoát khỏi tình trạng yếu kém.
Trong năm 2019, số lượng HTX nông nghiệp tăng 20,6%/năm, với doanh thu bình quân đạt từ 2.200 triệu đồng trở lên đối với HTX nông nghiệp. Số lượng thành viên tăng thêm trong năm đối với HTX là 8%; đối với THT là 3%.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xây dựng, hỗ trợ và phát triển các HTX, THT, trang trại mang tính chất đặc thù gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh; các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới; mô hình liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản thông qua các hợp đồng kinh tế.
K.D