Đẩy mạnh bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp
Cập nhật ngày: 01/08/2018 09:53:58
ĐTO - Thực trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA) không chỉ gây khó khăn cho công tác sửa chữa, bảo dưỡng, vận hành đường dây mà còn gây nguy hiểm đến tài sản, tính mạng của người dân. Vì thế, việc bảo vệ HLATLĐCA luôn được Công ty Điện lực Đồng Tháp đặc biệt quan tâm.
Nhân viên ngành Điện lực Đồng Tháp thường xuyên tuyên truyền hướng dẫn cho người dân nhận biết về an toàn lưới điện cao áp
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn xảy ra một số hành vi vi phạm HLATLĐCA dẫn đến sự cố, tai nạn điện làm mất điện, chết người, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và ngành Điện phải mất nhiều thời gian, công sức để khắc phục.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 Quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện. Trong đó, các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: trộm cắp hoặc tháo gỡ dây néo, dây tiếp địa, trang thiết bị của lưới điện; trèo lên cột điện, vào trạm điện hoặc khu vực bảo vệ an toàn công trình điện khi không có nhiệm vụ; sử dụng công trình lưới điện cao áp vào những mục đích khác khi chưa được sự thỏa thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện cao áp; thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện.
Ngoài ra, các hành vi như: lắp đặt ăng-ten thu phát sóng; dây phơi; giàn giáo; biển, hộp đèn quảng cáo và các vật dụng khác tại các vị trí mà khi bị đổ, rơi có thể va chạm vào công trình lưới điện cao áp; trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không, trạm điện; bắn chim đậu trên dây điện, trạm điện hoặc quăng, ném bất kỳ vật gì lên đường dây điện, trạm điện; sử dụng cột điện, trạm điện để làm nhà, lều, quán, buộc gia súc hoặc sử dụng vào mục đích khác; để cây đổ vào đường dây điện khi chặt tỉa cây... cũng là hành vi vi phạm HLATLĐCA bị nghiêm cấm.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố xảy ra do vi phạm HLATLĐCA, thời gian qua, Công ty Điện lực Đồng Tháp đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân về nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn khi xây cất nhà ở, công trình trong hành lang lưới điện để người dân thấy được sự nguy hiểm khi vi phạm và tự giác phòng tránh; cấp phát quạt nhựa tuyên truyền bảo vệ HLATLĐCA cho khách hàng sử dụng điện; nhắc nhở người dân sử dụng các dụng cụ, vận hành phương tiện phải đảm bảo khoảng cách an toàn đối với hành lang lưới điện trong quá trình thực hiện.
Để đảm bảo HLATLĐCA trong thời gian tới, ngành Điện lực tỉnh khuyến cáo người dân không nên tự ý trồng cây trong khu vực ảnh hưởng hành lang an toàn lưới điện, phối hợp và hỗ trợ tốt với ngành Điện trong việc kiểm tra, chặt tỉa cây nhằm đảm bảo sự an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân. Bên cạnh thực hiện các giải pháp tạm thời, Công ty Điện lực Đồng Tháp còn chú trọng triển khai những giải pháp mang tính lâu dài, cụ thể như thường xuyên kiểm tra, xử lý các vị trí cột điện, dây điện chùng, võng không đạt tiêu chuẩn quy định về khoảng cách an toàn; xử lý các công trình vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện.
Bên cạnh đó, đơn vị sẽ đẩy mạnh việc kiểm tra định kỳ đường dây, ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm mới phát sinh và tái phạm; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ HLATLĐCA, đồng thời lập biên bản vi phạm, yêu cầu chủ nhà, chủ công trình khắc phục, cương quyết không để phát sinh những điểm vi phạm mới.
Khi người dân có nhu cầu thực hiện các hoạt động trong HLATLĐCA như: xây dựng nhà ở, công trình hoặc đốn, mé cây xanh gần đường dây điện, hãy liên hệ với ngành Điện qua số điện thoại: 19001006 hoặc 19009000 để được hướng dẫn và hỗ trợ thực hiện đảm bảo an toàn.
Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả:
1. Trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không, trạm điện: bị phạt tiền từ 1 đến 5 triệu đồng (theo điểm b, khoản 1, Điều 15).
2. Chặt và để cây đổ vào lưới điện: bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng (theo điểm c, khoản 3, Điều 15).
3. Xây dựng hoặc cải tạo nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không khi chưa có sự thỏa thuận hoặc không thực hiện đúng các thỏa thuận để bảo đảm an toàn trong quá trình xây dựng, cải tạo nhà ở, công trình với đơn vị quản lý vận hành đường dây: bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng (theo điểm d, khoản 2, Điều 15)
4. Điều khiển thiết bị, dụng cụ, phương tiện hoặc các hoạt động khác vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp: bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng (theo điểm d, khoản 2, Điều 15).
5. Thả diều hoặc bất cứ vật gì gây sự cố lưới điện: bị phạt tiền từ 1 đến 5 triệu đồng (theo điểm d, khoản 1, Điều 15).
6. Ngoài các hình thức xử phạt chính, tổ chức cá nhân vi phạm có thể bị:
- Tịch thu tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm (theo khoản 7, Điều 15).
- Buộc khôi phục lại trình trạng ban đầu (theo điểm a, khoản 8, Điều 15).
- Buộc phải di chuyển phương tiện, thiết bị ra khỏi hành lang an toàn lưới điện cao áp (theo điểm b, khoản 8, Điều 15).
|
Hoài Minh