Thay đổi tư duy sản xuất trước nhu cầu thị trường

Cập nhật ngày: 27/07/2018 05:56:56

ĐTO - Sáng ngày 26/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng chủ trì hội thảo “Xây dựng và phát triển chuỗi ngành hàng nông sản chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc”. Hội thảo có sự tham gia của đại diện các sở, ngành, hội quán, hợp tác xã (HTX) và cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng mong muốn lắng nghe ý kiến của nhà khoa học, DN, đại diện các chợ đầu mối để các HTX, hội quán cập nhật thông tin thị trường, tiến đến tổ chức lại sản xuất, áp dụng công nghệ, thực hiện truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, tiếp cận các kênh tiêu thụ giúp đầu ra nông sản được thông thoáng.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM cho biết, khó khăn hiện nay đối với các tỉnh chính là tạo đầu ra cho nông sản, trong khi đó TP.HCM với khoảng 10 triệu dân đang có nhu cầu về sản phẩm nông sản được nhận diện và truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, nếu Đồng Tháp muốn tham gia vào thị trường này thì cần tiếp cận chuỗi thực phẩm an toàn và kết nối tiêu thụ, đảm bảo sản phẩm phải an toàn, xây dựng các tiêu chuẩn hàng hóa gắn với truy xuất nguồn gốc...

Tại đây, TS. Đặng Kim Sơn - Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cũng chia sẻ về xây dựng chuỗi giá trị cho gạo, giúp Đồng Tháp tiếp cận với thị trường Hà Nội. Theo ông Đặng Kim Sơn, hiện tại, gạo trên thị trường có đến 90% không có bao bì nhãn mác, chi phí trung gian chiếm đến 65% giá thành. Vì vậy, Đồng Tháp cần cải tiến chuỗi giá trị lúa gạo, trong đó điều cần thiết là giảm bớt khâu trung gian, tập trung vào lợi ích người sản xuất và người tiêu dùng, chia sẻ rủi ro xây dựng niềm tin với người tiêu dùng...

Tham luận của các ngành: công Thương, nông nghiệp, khoa học và công nghệ trong hội thảo đã trình bày về tình hình liên kết tiêu thụ nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc; tổ chức sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc; quản lý và phát triển các nhãn hiệu hàng hóa trong chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp chủ lực.

Thời gian qua, tỉnh đã xây dựng thực hiện nhiều chuỗi ngành hàng nông sản chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc. Trong đó có 2 chuỗi ngành hàng là cá tra và trứng vịt thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, có mặt tại các siêu thị và được xuất khẩu ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, các ngành hữu quan cũng xác định, việc thực hiện công tác này vẫn còn nhiều khó khăn khi người sản xuất thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc còn ít, qui mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, năng lực kết nối tiêu thụ, tìm kiếm thị trường của một số cơ sở sản xuất, HTX còn hạn chế...

Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện các doanh nghiệp TP.HCM khẳng định sẽ sẵn sàng hỗ trợ nông sản tỉnh nhà trong việc quảng bá, tiếp cận với thị trường, hệ thống trang thiết bị hiện đại để bảo quản nông sản. Điều quan trọng nhất hiện nay chính là sản phẩm nông sản của tỉnh nhà cần đáp ứng yêu cầu về sản phẩm chất lượng, an toàn, đủ số lượng...

Sau khi lắng nghe ý kiến của các ngành, cộng đồng DN, HTX, Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Hùng chỉ đạo ngành Công Thương, Nông nghiệp tiếp thu những ý kiến trao đổi của các đại biểu để hoàn chỉnh kế hoạch Xây dựng và phát triển chuỗi ngành hàng nông sản chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc.

Theo đó, Sở Công Thương sẽ làm đầu mối kết nối với thị trường TP.HCM, đồng thời chọn các đối tác HTX, tổ hợp tác, DN đủ điều kiện tham gia đề án quản lý, nhận diện truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch cũng khuyến cáo bà con nông dân tự lực tự cường, vươn lên, hợp tác để phát triển trước sự biến động cũng như đòi hỏi khắt khe của thị trường...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn