Tái cơ cấu các ngành hàng chủ lực

Cập nhật ngày: 10/08/2015 11:36:03

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp đã lựa chọn 5 ngành hàng nông sản có lợi thế, có khả năng cạnh tranh và có thị trường. Cụ thể là lúa gạo, cá tra, xoài, vịt và hoa kiểng để phát triển những vùng chuyên canh, nâng cao giá trị gia tăng nông sản. Đến nay, sau 2 năm triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Ngành hàng lúa gạo: tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo tập trung vào công tác tổ chức lại sản xuất, áp dụng các biện pháp giảm giá thành, phát triển các sản phẩm gia tăng để nâng cao giá trị ngành hàng. Toàn tỉnh đã áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất với 100% diện tích sản xuất, 22% sử dụng công cụ sạ hàng, 78% phun xịt bằng máy, 83% chủ động bơm tưới, đặc biệt có 99% thu hoạch bằng máy, giúp tiết kiệm chi phí được 4,3 triệu đồng/ha; khâu phơi sấy tiết kiệm 90.000 đồng/tấn lúa, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ giảm 600 - 700 đồng/kg giá thành.

Ngành hàng xoài: tỉnh đã xây dựng mô hình canh tác xoài an toàn, mô hình sản xuất xoài rải vụ với tổng diện tích là 50ha, hỗ trợ 45% chi phí bao trái xoài cho 100ha, qua đó tiết kiệm 6-8 lần phun xịt với giá trị 5,6 triệu đồng/ha.

Ngành hàng hoa kiểng: tỉnh đã triển khai xây dựng Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng đầu tư 33,6 tỷ đồng, từng bước hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực hoa kiểng và xây dựng cơ sở hạ tầng cho Làng hoa kiểng Sa Đéc gắn với tham quan du lịch, nâng cao giá trị cho ngành hàng hoa kiểng.

Ngành hàng cá tra: tỉnh đã tiến hành rà soát và quy hoạch chi tiết về nuôi, chế biến cá tra trên địa bàn tỉnh; tổ chức đăng ký xác nhận vùng nuôi cho 29 hồ sơ nuôi cá tra thương phẩm với diện tích 812,7ha, sản lượng 308.503 tấn; thực hành nông nghiệp tốt GAP với 65,3% diện tích, thành lập hợp tác xã nuôi cá tra tại huyện Châu Thành gắn với liên kết theo chuỗi giá trị để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ngành hàng vịt: tái cơ cấu ngành hàng vịt hướng đến sản xuất ổn định, bền vững, tổ chức liên kết giữa các trang trại chăn nuôi - doanh nghiệp chế biến thức ăn - cơ sở chế biến; phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi vịt an toàn và thu hẹp vịt chạy đồng theo mô hình 2 lúa 1 vịt; đẩy mạnh củng cố mạng lưới thú y cơ sở, nhất là cán bộ nông nghiệp xã nhằm nâng cao năng lực quản lý và giám sát dịch bệnh tại địa phương.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn