Tạo sự chuyển biến cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai

Cập nhật ngày: 26/03/2019 14:59:37

ĐTO - Ngày 26/3, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo tham vấn nội dung ý tưởng Dự án “Chuyển đổi đồng bằng sông Cửu Long” vận động nguồn vốn từ Quỹ Khí hậu xanh (GCF).

Hội thảo dưới sự điều hành của ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp; ông Chu Văn Chuông - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT; ông Achim Fock – Giám đốc điều phối danh mục và hoạt động dự án, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cùng sự tham gia của đại diện lãnh đạo các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương nhận định, nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trù phú, tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang đều có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nơi đây đang bị thách thức bởi biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường. Điều này đặt ra nhu cầu cấp bách là chuyển đổi mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện tự nhiên và phát huy lợi thế mùa lũ làm kinh tế nông nghiệp.

Vì vậy chúng tôi kỳ vọng vào mục tiêu của dự án Dự án “Chuyển đổi đồng bằng sông Cửu Long” vận động nguồn vốn từ Quỹ Khí hậu xanh, với các giải pháp dựa vào tự nhiên, công trình và phi công trình thu hút nguồn vốn tư nhân, nguồn vốn viện trợ giải quyết sạt lở bờ sông và những bất lợi từ biến đổi khí hậu... tạo sự chuyển biến quan trọng cho vùng ĐBSCL trong tương lai.

Dự án này dự kiến được tài trợ từ GCF khoảng 40 triệu USD với mục tiêu là nhân rộng chuyển đổi sinh kế của nông hộ nhỏ lẻ sang những mô hình chống chịu khí hậu và tăng cường sự tham gia của họ vào chuỗi giá trị dựa vào lũ. Dự án có 3 hợp phần gồm: hỗ trợ chính sách Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; nhân rộng tính chống chịu khi hậu cho các dự án liên tỉnh; quản lý và giám sát dự án.

Tại hội thảo, đại diện tỉnh Đồng Tháp, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Đồng Tháp chia sẻ về tầm nhìn và định hướng chiến lược phát triển bền vững tiểu tiểu vùng Đồng Tháp Mười, đồng thời đề xuất 1 số ý tưởng đầu tư Dự án “chuyển đổi đồng bằng sông Cửu Long”.

Theo đó, đề nghị Ngân hàng thế giới, GCF nghiên cứu, hỗ trợ chợ nhân rộng việc chuyển đổi sinh kế của các hộ nông dân sản xuất theo hướng có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; tăng cường sự tham gia của nông dân vào chuỗi sinh kế mùa lũ; đầu tư xây dựng một số hạ tầng thiết yếu.

Riêng đối với tỉnh Đồng Tháp, do kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ từ Trung ương cho công tác di dời dân còn hạn chế nên tỉnh đề nghị các bộ ngành liên quan cùng Ngân hàng thế giới quan tâm hỗ trợ dự án di dời các hộ dân vùng sạt lở. Đồng thời, đầu tư mới chương trình hỗ trợ sinh kế và việc làm cho người dân vùng sạt lở di dời và cụm tuyến dân cư; hỗ trợ địa phương thực hiện dự án giám sát đánh giá và chỉnh trị sạt lở cho sông Tiền sông Hậu.

Bên cạnh đó, ngành NN&PTNT tỉnh cũng đề xuất ý tưởng đầu tư dự án “chuyển đổi đồng bằng sông Cửu Long” tại Đồng Tháp như: chuyển đổi đất lúa sang trồng sen, phát triển làng nghề gắn với du lịch; dự án xây dựng hệ thống tưới tiêu thông minh thuộc dự án ICRSL (WB 9); dự án thí điểm công trình chính trị và chống xói lở ấp Trung, xã Phú Thuận B…

Chiều cùng ngày, hội thảo tiếp tục thảo luận nhóm về ý tưởng đầu tư, tính phù hợp tiêu chí đầu tư của GCF và Nghị quyết 120 của Chính phủ với các nội dung: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển chuỗi giá trị và du lịch sinh thái; Hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp nước nông thôn và điện; Quy hoạch không gian, quản lý tài nguyên nước, hệ thống thông tin cấp vùng, xây dựng thể chế, chích sách cho khu vực; Xói lở bờ sông và chỉnh trị sông.

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn