Thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế

Cập nhật ngày: 11/08/2020 05:27:14

ĐTO - Tập trung phát triển sản xuất công nghiệp, UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố ưu tiên các nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn xổ số kiến thiết để đầu tư hoàn chỉnh và phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu. Đồng thời linh hoạt vận dụng các chính sách thu hút nguồn lực đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


Hạ tầng và công tác chỉnh trang đô thị được tập trung thực hiện góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ảnh: Ngô Minh Trường

Với các chính sách năng động, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn địa phương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đảm bảo tốt nguồn thu ngân sách của tỉnh trên cơ sở khai thác hợp lý các nguồn thu hiện có. Ước tính đến năm 2020, tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 7.000 tỷ đồng, tăng bình quân 12%/năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch. Bên cạnh đó, định hướng phát triển dịch vụ hỗ trợ, hậu cần công nghiệp ven sông Tiền (từ TP.Sa Đéc đến TP.Cao Lãnh) và khu vực Đồng Tháp Mười được nghiên cứu và triển khai. Tỷ lệ lắp đầy khu kinh tế cửa khẩu là 26,25%; 3 khu công nghiệp (tỷ lệ lắp đầy 96,71%), 14 cụm công nghiệp (tỷ lệ lắp đầy 73%); đang xây dựng mới Khu công nghiệp Tân Kiều, huyện Tháp Mười (quy mô 150ha) và một số cụm công nghiệp mới: đang xây dựng và kêu gọi đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Tân Lập, huyện Châu Thành (quy mô 34ha), đầu tư Cụm công nghiệp Mỹ Hiệp 2, huyện Cao Lãnh (25ha).

Toàn tỉnh có hơn 180 dự án đăng ký đầu tư (tăng thêm 36 dự án so với năm 2015), trong đó có 138 dự án hoàn thành; 17 dự án đang xây dựng và 30 dự án chuẩn bị đầu tư. Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, bao gồm hạ tầng du lịch được quan tâm thực hiện, triển khai. Trong đó có Dự án kết nối giao thông phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển du lịch gồm các tuyến đường đến các điểm du lịch trọng yếu của tỉnh như: Khu di tích Gò Tháp, Khu di tích Xẻo Quít, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Làng hoa kiểng Sa Đéc, Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam... Chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng được nâng cao, cơ sở hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư, xã hội hóa mang lại nhiều hiệu quả.

Huyện Tân Hồng là một trong những địa phương đặc biệt chú trọng công tác hoàn thiện cơ sở hạ tầng gắn với phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nâng cao chất lượng sống của người dân. Hiện nay, huyện đang tiếp tục kêu gọi đầu tư Cụm công nghiệp Dinh Bà và đang đề nghị bổ sung thêm quy hoạch định hướng Cụm công nghiệp Tân Phước với diện tích là 75ha; có 2 dự án đã đầu tư và đưa vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư 325 tỷ đồng. Song song đó, huyện đã tập trung triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thêm 89 doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn huyện gần 200 doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư là 340 tỷ đồng. Các cơ sở sản xuất kinh doanh đã giải quyết việc làm cho hơn 8.000 lao động tại chỗ. Nhiều dự án, công trình quan trọng như Dự án kinh tế - quốc phòng, đầu tư và nâng cấp đường Tỉnh lộ 843, đường tuần tra biên giới, kết cấu hạ tầng cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà được đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tại huyện Cao Lãnh, UBND huyện Cao Lãnh với sự hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh đã tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Nhiều công trình, dự án đầu tư đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trung tâm xã Mỹ Hiệp được UBND tỉnh công nhận là đô thị loại V; tiếp tục đầu tư hạ tầng, chỉnh trang đô thị đối với đô thị loại IV thị trấn Mỹ Thọ. Huyện thực hiện có hiệu quả các chính sách về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; triển khai kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Qua đó, phát triển mới 245 doanh nghiệp, các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn hoạt động ổn định, tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động. Hạ tầng các cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư hoàn thiện, tạo thuận lợi thu hút các nhà đầu tư.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung các giải pháp thành lập và đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng khu, cụm công nghiệp với quỹ đất công nghiệp thu hút đầu tư góp phần phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, có các khu công nghiệp Tân Kiều (Tháp Mười), Sông Hậu 2 (Lai Vung), Trần Quốc Toản mở rộng (TP.Cao Lãnh), Ba Sao (huyện Cao Lãnh); Tân Lập (Châu Thành)... Cụm tiểu thủ công nghiệp kết hợp khu khởi nghiệp TP.Cao Lãnh. Đồng thời phát triển mạng lưới giao thông của tỉnh kết nối với mạng lưới giao thông các đô thị lớn trong khu vực và cả nước. Phát triển hệ thống kho vận, kho nông sản kết hợp với cảng, bến bãi giao thông đảm bảo cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đề ra các phương án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, theo quy hoạch qua đó cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn