Thu nửa tỷ đồng với mô hình trồng sầu riêng
Cập nhật ngày: 09/05/2018 14:30:20
ĐTO - 18 năm trồng và thành công với mô hình trồng sầu riêng, lợi nhuận hàng năm thu về gần nửa tỷ đồng, tuy nhiên ít ai biết rằng, đằng sau sự thành công đó là nỗ lực không mệt mỏi của cô Phan Thị Ngọc Hương (ấp 1, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh).
Cô Hương chăm sóc vườn sầu riêng
Từng công tác trong ngành công an nhưng do kinh tế khó khăn nên cô Hương đã rẽ hướng chọn nghề làm vườn cải thiện thu nhập gia đình. Khi bắt tay thực hiện ý tưởng của mình, cô Hương phải đối mặt với khó khăn trên mảnh vườn đất đai khô cằn, chỉ toàn cây dại, nơi đây lại không có nguồn nước tưới tiêu.
Cô Phan Thị Ngọc Hương chia sẻ: “Lúc ấy, tôi cảm thấy ngao ngán do bản thân chưa tiếp xúc với công việc nặng nhọc, nhưng với quyết tâm của một người lính và bởi vốn là con nhà nông, tôi đã quyết tâm cải tạo mảnh vườn”. Sau thời gian cải tạo, đất vườn bắt đầu cải thiện, cô Hương chọn nhãn tiêu da bò để canh tác. Sau 4 năm, cây bắt đầu cho trái thì trận lũ năm 2000 khiến vườn nhãn chết sạch, cuốn đi bao vốn liếng, công sức bỏ ra, gia đình phải đối diện với khó khăn.
Bắt đầu lại với “con số 0”, cô Hương tiếp tục suy nghĩ tìm cây trồng phù hợp. Vào thời điểm ấy, cô Hương và chồng thường xuyên xuống vùng Cái Mơn (tỉnh Bến Tre) - nơi được xem là thủ phủ của sầu riêng, nhận thấy đây là loại nông sản mang lại nguồn kinh tế cao, tạo sự khác biệt khi trồng tại địa phương nên gia đình quyết định đánh liều kết duyên với loại nông sản này. Hồi tưởng lại khoảng thời thời gian đó, cô Hương chia sẻ: “Thật tình, lúc đó tôi chỉ mua cây giống sầu riêng về trồng mà không biết một chút gì về kỹ thuật. Cộng với đất canh tác là đất sét sỏi, bị nhiễm phèn nặng nên những năm đầu cây sầu riêng không phát triển”.
Không bỏ cuộc trước khó khăn, cô Hương tiếp tục “chiến dịch” cải tạo đất lần 2, học cách xử lý và cải tạo đất phèn từ những nông dân có nhiều kinh nghiệm làm vườn. Cô Hương còn kỳ công hơn khi thuê nhân công cuốc toàn bộ đất mặt để rải vôi sau đó là phân lân, phân chuồng cho sầu riêng. Với sự kiên trì đó, đến năm thứ sáu, vườn sầu riêng đã bắt đầu cho trái.
Cô Hương chia sẻ: “Sầu riêng cho trái lần đầu rất to, lòng tôi vui không kể xiết. Nhưng niềm vui ấy chưa được trọn vẹn thì tôi phải đối mặt với việc trái bị sượng do thiếu kỹ thuật canh tác. Trái bán không người mua, nhìn vườn sầu riêng tôi chỉ biết im lặng” .
Không phụ người có lòng, tình cờ xem tivi, cô Hương thấy một nông dân tỉnh Tiền Giang thành công với mô hình sầu riêng và chia sẻ kỹ thuật cho người dân. Cô đã tìm đến tận nhà người nông dân này học hỏi kinh nghiệm. Được sự hướng dẫn tận tình quy trình canh tác sầu riêng trước và sau thu hoạch, cô Hương áp dụng vào vườn sầu riêng nhà mình và kết quả thật sự mỉm cười với cô. Với 120 gốc sầu riêng (sầu riêng Ri6, sầu riêng Thái) hàng năm cho trái khoảng trên 10 tấn, trừ tất cả chi phí, cô thu về lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng.
Bằng sự chịu khó học hỏi để làm giàu chính đáng, cô Phan Thị Ngọc Hương còn thử sức với mô hình trồng sầu riêng mùa nghịch từ năm 2016. Theo cô Hương, quy trình xử lý mùa nghịch đòi hỏi người trồng phải vững vàng về kỹ thuật. Chỉ cần sơ suất thì năng suất trái sẽ đạt thấp, trong khi chi phí đầu tư cho mùa vụ này tăng gấp đôi so với mùa thuận.
Đổi lại, nông dân trồng sầu riêng mùa nghịch sẽ được đền bù bởi giá cả sẽ cao khi thị trường có nguồn cung hạn chế. Thực tế từ cách làm này đã giúp cô Hương tăng gần gấp đôi lợi nhuận so với mùa thuận.
Đến khi làm chủ quy trình, cô Hương nhận ra ngày xưa bản thân đánh liều quá khi chọn mô hình sầu riêng. Sầu riêng là loại cây đỏng đảnh bậc nhất, cây rất dễ bị dịch bệnh tấn công, đổ ngã. Chất lượng trái chịu sự ảnh hưởng lớn của thời tiết như mưa nhiều thời tiết lạnh cơm sầu riêng sẽ không vàng. Muốn đạt năng suất trái, người trồng phải leo trèo trong đêm để thụ phấn cho cây.
Trải qua nhiều khó khăn khi canh tác để đạt được kết quả như hôm nay, nhưng cô Hương không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm trồng sầu riêng cho nông dân muốn thử sức với loại nông sản này với quan niệm “Nông dân cùng nhau làm giàu”.
Ngoài ý chí vươn lên làm giàu, cô Phan Thị Ngọc Hương còn tham gia đóng góp cho nhiều hoạt động xã hội ở địa phương như chia sẻ và tư vấn pháp luật cho người dân, vận động người thân, bạn bè tặng quà Tết cho người nghèo. Nhiều năm qua, cô Hương từng đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc và vinh dự nhận Bằng khen của UBND tỉnh, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ...
Y DU