Khó khăn trong quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công
Cập nhật ngày: 05/05/2018 05:53:46
ĐTO - Rượu thuộc nhóm hàng hóa Nhà nước hạn chế kinh doanh. Vì vậy, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đã ban hành nhiều văn bản quản lý mặt hàng này. Gần đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 04/2018 về việc phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành công thương trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có phân cấp UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện quản lý đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, việc cấp phép, kiểm tra chất lượng rượu thủ công còn nhiều khó khăn.
Trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp (DN) được Sở Công Thương cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có quy mô 3 triệu lít/năm, sản lượng hàng năm 30.000 lít. Do gặp khó khăn trong tiêu thụ, 2 DN đã ngưng hoạt động từ năm 2017. Về rượu thủ công, toàn tỉnh có 2.423 cơ sở (hộ), chủ yếu là sản xuất rượu gạo, với tổng sản lượng hàng năm ước khoảng 15 triệu lít. Đến nay, Phòng Kinh tế, Kinh tế và Hạ tầng các địa phương đã cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh cho 189 cơ sở (7,77%). Toàn tỉnh có khoảng 4.100 cơ sở kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu, đến cuối năm 2017, có 256 cơ sở được cấp giấy phép (đạt 6,24%).
Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, những năm gần đây, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đều có kế hoạch kiểm tra mặt hàng rượu, trong đó tập trung kiểm tra thủ tục hành chính về hoạt động sản xuất, kinh doanh và lấy mẫu đưa đi phân tích, kiểm nghiệm. Năm 2017, Chi cục đã trang bị cho các đội quản lý thị trường bộ kiểm tra (test) nhanh Methanol trong rượu để thực hiện trong quá trình kiểm tra. Nhưng bộ test nhanh này cho kết quả kiểm tra mang tính chất tham khảo, không xử lý được. Vì theo qui định của pháp luật xử lý hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực hàng giả, hàng kém chất lượng đối với hàng hóa thì phải có kết quả giám định của cơ quan chức năng (các cơ quan phân tích thử nghiệm) mới có căn cứ pháp lý để xử lý. Do đó, khi các Đội quản lý thị trường kiểm tra lấy mẫu test nhanh có dấu hiệu vi phạm, tiếp tục lấy mẫu gửi giám định để xử lý. Năm 2017, các Đội quản lý thị trường đã kiểm tra 124 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, lấy 8 mẫu rượu gửi kiểm nghiệm hàm lượng (cảm quan, Etanol, Metanol, Aldehyt, Ester, hàm lượng rượu bậc cao) với kết quả 5 mẫu đạt, 3 mẫu không đạt.
Cách nhận biết hàng thật, hàng giả cũng như rượu thật, rượu giả hiện nay, các lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn, do hàng giả được làm rất tinh vi với mắt thường không thể nào xác định được mà phải có nhà sản xuất chính hãng mới xác định hàng hóa của họ là hàng thật hay giả.
Tình hình thực hiện cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh cũng còn hạn chế, nhất là loại hình sản xuất rượu thủ công. Các cơ sở sản xuất rượu thủ công rải rác ở địa bàn nông thôn, sản xuất lại không thường xuyên, không đăng ký kinh doanh nên việc nắm bắt thông tin, thực trạng sản xuất, số lượng cơ sở gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các địa phương đối với loại hình này chưa được quan tâm nhiều. Do hồ sơ đề nghị được cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công khá phức tạp và chi phí thực hiện ban đầu cao so với qui mô sản xuất nên các hộ sản xuất ngán ngại, dù được hướng dẫn vẫn không thực hiện. Có nhiều hộ sản xuất làm hồ sơ thủ tục đề nghị cấp giấy phép sản xuất rượu nhưng chỉ làm nửa chừng, chưa đầy đủ rồi ngưng không thực hiện. Một số cơ sở do sản xuất không thường xuyên, sản lượng thấp, thị trường nhỏ hẹp (trong xóm, ấp), hiệu quả thấp nên không muốn thực hiện đăng ký cấp phép.
TN