Tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu có chiều hướng giảm

Cập nhật ngày: 14/11/2019 05:12:26

ĐTO - Theo UBND tỉnh, năm 2019 tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu qua biên giới vào nội địa trên địa bàn tỉnh diễn ra với tính chất nhỏ lẻ, có chiều hướng giảm so với cùng kỳ năm 2018.


Tiêu hủy thuốc lá nhập lậu

Thời gian qua, các lực lượng chức năng đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Trung ương và địa phương về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát bằng các đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt, đối với tuyến biên giới, các ngành hữu quan tiếp tục duy trì phối hợp chốt chặn buôn lậu tại các khu vực trọng điểm nên tình hình vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu cơ bản được kiểm soát, chưa phát sinh điểm nóng trên địa bàn.

Mặt hàng nhập lậu được phát hiện chủ yếu là thuốc lá điếu ngoại, rượu, bia, nước giải khát, đường cát, mỹ phẩm, thuốc tân dược, thuốc đông y, pháo nổ, thuốc bảo vệ thực vật, hàng điện tử, phụ kiện điện thoại di động, gỗ. Riêng tình hình vận chuyển số lượng thuốc lá điếu nhập lậu từ 500 bao đến dưới 1.500 bao có chiều hướng tăng so với cùng kỳ năm 2018 (giảm 18% về số vụ bắt giữ nhưng số lượng thuốc lá nhập lậu tăng 16,5%).

Theo các ngành hữu quan, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu diễn ra không theo quy luật. Hàng hóa nhập lậu được phân tán nhỏ lẻ, vận chuyển thành nhiều đợt, đồng thời tổ chức theo dõi hoạt động của các lực lượng chức năng để né tránh sự kiểm tra, kiểm soát. Địa bàn hoạt động buôn lậu chủ yếu là xã Tân Hội (TX.Hồng Ngự), xã Tân Hộ Cơ (huyện Tân Hồng); xã Thường Phước 1, xã Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự). Trong nội địa, khu vực nội ô TX.Hồng Ngự là nơi trung chuyển hàng lậu về TP.Cao Lãnh, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Năm 2019, tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp vẫn còn diễn ra. Hàng hóa hầu hết từ các địa phương khác chuyển đến, được làm giả rất tinh vi, khó nhận biết. Thủ đoạn của các đối tượng này lợi dụng sự thiếu hiểu biết, ít thông tin của người tiêu dùng, đặc biệt là ở vùng sâu, các đối tượng đưa hàng về chào bán lén lút các lực lượng chức năng nên khó kiểm soát. Hàng hóa được phát hiện chủ yếu là phụ tùng xe máy, bột ngọt, bột giặt, thuốc bảo vệ thực vật, đồng hồ đeo tay, phân bón, xăng dầu.

Vấn đề an toàn thực phẩm được các lực lượng chức năng tập trung phối hợp, kiểm tra ngay từ đầu năm, nhất là mặt hàng bánh, kẹo, mứt, rượu, bia và thực phẩm tiêu dùng, nhằm hạn chế mức thấp nhất tình trạng ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là trong dịp lễ, Tết.

Thời gian qua, lực lượng chức năng còn tiến hành kiểm tra, phát hiện 1.500 vụ với 887 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có 657 vụ vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu (giảm 18%); 171 vụ hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; 9 vụ vận chuyển pháo nổ; 612 vụ gian lận thương mại; 44 vụ hàng giả. Theo đó, tiến hành xử lý hành chính 1.483 vụ với tổng số tiền phạt 7,2 tỷ đồng, buộc nộp số tiền tương đương giá trị phương tiện vi phạm tịch thu là 1.600 triệu đồng; trị giá hàng hóa thu giữ trên 7 tỷ đồng. Đồng thời, khởi tố 9 vụ với 11 đối tượng về tội vận chuyển hàng cấm là thuốc lá ngoại nhập lậu.

Trước những kết quả đạt được, trong năm 2020, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác nắm tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu trên tuyến biên giới và thị trường nội địa. Theo đó, tập trung xử lý vi phạm liên quan đến các mặt hàng xăng dầu, phân bón, rượu, bia, đường cát, thuốc lá điếu, mỹ phẩm và các loại hàng hóa khác. Mặt khác, mở các đợt cao điểm tập trung xử lý các đường dây, ổ nhóm có tính chất phức tạp, quy mô lớn, không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là hành vi sản xuất, tiêu thụ xăng giả, kém chất lượng trên lưu thông trên thị trường.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng của tỉnh còn thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ pháp luật về niêm yết giá, đăng ký kinh doanh, ghi nhãn hàng hóa, đo lường, chất lượng, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay buôn lậu, tích cực tố giác tội phạm. Ngoài ra, tổ chức tuyên truyền pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đến tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh biết, thực hiện đúng các quy định của pháp luật...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn