Trồng măng cụt kết hợp du lịch cho hiệu quả cao

Cập nhật ngày: 30/10/2018 09:56:38

ĐTO - Không chọn những loại cây ăn trái thông dụng như xoài, nhãn, cam... để phát triển kinh tế, ông Võ Văn Phục (63 tuổi) ở xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh đã tìm hướng đi cho riêng mình thông qua mô hình trồng măng cụt kết hợp với du lịch sinh thái.


Khách tham quan, chụp ảnh tại vườn sinh thái Minh Phát

Chọn hướng đi riêng

Tâm sự về cơ duyên chọn cây măng cụt phát triển kinh tế, ông Võ Văn Phục chia sẻ: “Trước đây, xã Mỹ Long là vùng đất chuyên canh trồng xoài, tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa như mong đợi bởi giá xoài bấp bênh. Tình cờ trong một lần đi đám cưới tại Sóc Trăng, thấy nhà nào cũng khang trang, qua tìm hiểu được biết là nhờ trồng cây măng cụt. Thấy vậy tôi quyết định về cải tạo vườn cây ăn trái trồng xen măng cụt để cải thiện kinh tế gia đình”.

Lúc đầu, ông Phục chỉ trồng thử nghiệm, thấy măng cụt phát triển tốt, nên ông mở rộng diện tích ra cả vườn. Ông Phục cho biết: “Măng cụt là loại cây khá dễ trồng, chỉ cần tưới nước, chăm sóc sau 6 năm cây sẽ cho trái. Hàng năm, với diện tích canh tác 1,2ha, măng cụt cho khoảng 3 tấn trái; giá bán dao động từ 45 ngàn - 50 ngàn đồng/kg, gia đình tôi thu nhập trên 150 triệu đồng”.

Ông Phục chia sẻ thêm: “Lúc đầu, bà con thấy tôi trồng măng cụt, ai cũng cho rằng trồng loại này chỉ có nước bán vườn. Sau 10 năm, khi mô hình đạt hiệu quả, bà con xung quanh muốn học hỏi kinh nghiệm để canh tác loại cây ăn trái này”.


Khách tham quan trải nghiệm hái măng cụt tại vườn

Sản xuất kết hợp với du lịch

Vừa là Phó Chủ tịch Hội Làm vườn xã Mỹ Long và Chủ nhiệm Minh Phát Hội quán, ông Phục thường xuyên đi tham quan, học hỏi các mô hình trồng cây ăn trái hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Cùng với mong muốn tạo ra sản phẩm sạch để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và thị trường, 2 năm nay, ông Phục đã áp dụng mô hình trồng măng cụt theo hướng hữu cơ.

Bên cạnh trồng cây ăn trái theo hướng sạch, ông Phục còn manh nha khởi nghiệp với mô hình làm du lịch sinh thái trên chính vườn măng cụt của gia đình. Mô hình mở cửa đón du khách từ tháng 4/2018 nhưng đã thu hút được hàng trăm lượt khách đến tham quan, thưởng thức trái cây tại vườn.

Ông Phục cho biết thêm, do măng cụt chỉ cho trái vào khoảng tháng 4 âm lịch nên để đón du khách quanh năm, ông đang triển khai thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tại vườn với nhiều loại cây ăn trái khác như xoài, vú sữa, cam, mít... Thêm vào đó, ông đang lên kế hoạch xây dựng thêm một số công trình như nhà vườn, nhà vệ sinh, khu nghỉ dưỡng... theo hình thức homestay nhằm tạo điểm nhấn hấp dẫn cho du khách khi đến với Mỹ Long, huyện Cao Lãnh”.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn