Về đồng... nghiên cứu khoa học
Cập nhật ngày: 03/04/2019 14:27:15
ĐTO - Đồng ruộng, nơi có những ký ức tuổi thơ, ấp ủ nhiều hoài bão, khát vọng của tương lai. Dù ở trong phòng thí nghiệm hay là những chuyến đi thực địa miệt mài, câu chuyện về những người làm dự án, những công trình nghiên cứu khoa học xuất phát từ ruộng lúa, liếp vườn, con cá, củ khoai… vẫn thấm đẫm niềm đam mê, quyết tâm cống hiến.
Hoa Sa Đéc – một trong những kết quả được nghiên cứu chuyển giao
Ý tưởng và đam mê
Tiềm năng nông nghiệp là nguồn cảm hứng không chỉ hấp dẫn với những người làm kinh tế mà còn với những người có niềm đam mê khoa học. Các hoạt động nghiên cứu để trả lời câu hỏi: Làm sao, làm gì để giúp nông dân biến sản phẩm của mình thành các sản phẩm đa dạng, có giá trị kinh tế cao?
Ít ai biết tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp có gian phòng cà phê khoa học, mỗi tháng sinh hoạt 1 lần. Học sinh (HS), sinh viên (SV), giảng viên (GV), chuyên gia đến từ các trường đại học tại TP.Hồ Chí Minh, TP.Cần Thơ sẽ cùng nhau bàn luận về những vấn đề liên quan đến chuyên ngành. HS, SV, GV từ những ý tưởng ban đầu, kiến thức được học, niềm đam mê nghiên cứu khoa học sẽ được các chuyên gia khuyến khích, cố vấn, hỗ trợ, biến ý tưởng thành những đề tài nghiên cứu có cơ sở khoa học, ứng dụng thực tế.
Anh Huê Quốc Hòa – Trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế cho biết: “70% các dự án, đề tài nghiên cứu của HS, SV, GV thuộc lĩnh vực nông nghiệp, còn lại là các lĩnh vực khác. SV, HS, GV của trường cùng các chuyên gia đã nghiên cứu các lĩnh vực thủy sản: cá tra, lươn, ếch, cá lóc hoặc khoai lang tím, nhãn, khoai môn, kiệu, mãng cầu... tại các huyện Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành, Tam Nông...”.
Các công trình sau khi được HS, SV, GV của trường nghiên cứu thành công, được chuyển giao cho hộ gia đình, địa phương để ứng dụng ra thực tế. Vốn gốc nông dân, nhóm SV Bùi Thị Minh Thơ, Nguyễn Thị Anh Thư đã chọn nghiên cứu đề tài “Thử nghiệm sản xuất rượu vang khoai lang tím Nhật tại huyện Châu Thành” với sự hỗ trợ của cô Lê Thái Anh Thư, Trần Tố Quyên - GV Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp. Đại diện nhóm, cô Lê Thái Anh Thư cho biết: “Ý tưởng dự án nghiên cứu của nhóm xuất phát từ suy nghĩ muốn giúp người trồng khoai có thể đa dạng sản phẩm từ củ khoai mà không quá phụ thuộc vào giá cả thị trường. Sau 1 năm nghiên cứu, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Ban giám hiệu trường, khoa..., sản phẩm rượu vang khoai lang tím Nhật cùng một số sản phẩm khác được làm từ nguyên liệu là củ khoai lang được trồng tại huyện Châu Thành đã ra đời...”. Dự án của nhóm đã vào vòng chung kết cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học lĩnh vực công nghệ thực phẩm.
Nghiên cứu chuyển giao
Theo Phòng Nghiên cứu khoa học - Sở Khoa học và Công nghệ, nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học được triển khai, thực hiện trong toàn tỉnh. Giai đoạn 2010 - 2017, các công trình nghiên cứu khoa học chuyển giao có 66 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, chuyển giao 30 đơn vị, cơ quan, thực hiện, ứng dụng. Trong nông nghiệp, từ năm 2008 – 2018, tỉnh đã triển khai 54 đề tài, dự án nghiên cứu, chuyển giao phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn như: Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến xuất khẩu một số nấm ăn tại huyện Lai Vung”, Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống, sản xuất một số chủng loại hoa chủ lực tại làng hoa Sa Đéc”, “Xây dựng chương trình sản xuất VietGAP cho xoài Cao Lãnh”...
Các công trình sau khi nghiên cứu đã được chuyển giao cho các đơn vị liên quan triển khai, ứng dụng, nhân rộng trong thực tế, mang lại hiệu quả, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong lĩnh vực trồng trọt đã hoàn chỉnh quy trình sản xuất nông nghiệp tốt đối với cây lúa, rau màu, cây ăn trái chủ lực làm giảm ô nhiễm môi trường, tăng chất lượng nông sản. Lĩnh vực thủy sản sau quá trình nghiên cứu, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II đã chuyển giao kỹ thuật đến các hộ sản xuất cá tra trên địa bàn tỉnh, nâng cao tốc độ tăng trưởng, năng suất. Ông Lê Văn Dũng ngụ ấp 1, xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh cho biết: “Nông dân bây giờ phải thay đổi thói quen, ứng dụng khoa học, công nghệ. Trồng xoài thì tiếp cận với kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ, bao trái, tưới tiết kiệm nước, sử dụng phân, sản xuất hữu cơ... giúp tăng sản lượng, giảm chi phí. Những nhà khoa học đã nghiên cứu, cung cấp cho chúng tôi những kiến thức này, với người nông dân rất là cần thiết...”.
Giai đoạn 2016 – 2020, các công trình, dự án nghiên cứu khoa học khởi nguồn từ tài nguyên bản địa, nông nghiệp tiếp tục triển khai. Tiến bộ khoa học công nghệ sẽ góp phần mang lại đời sống mới cho người dân, thuyết phục họ tiếp cận tư duy sản xuất mới trên chính mảnh đất của mình, tạo nền tảng phát triển nông thôn bền vững.
C.Phương