HUYỆN CAO LÃNH

Xây dựng nông thôn mới gắn với Đề án tái cơ cấu nông nghiệp

Cập nhật ngày: 02/03/2020 11:49:51

ĐTO - Từ đầu năm 2019, huyện Cao Lãnh được tỉnh công nhận và tổ chức công bố 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) (xã Mỹ Hiệp, Mỹ Hội và Phong Mỹ). Đến cuối năm, huyện đề nghị tỉnh công nhận thêm 5 xã đạt chuẩn NTM (xã Tân Hội Trung, Bình Hàng Trung, Bình Hàng Tây, Mỹ Long và xã Nhị Mỹ) nâng tổng số xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM và đạt 19 tiêu chí là 14 xã (đạt trên 82% tổng số xã toàn huyện Cao Lãnh). Các xã còn lại: Phương Thịnh, Phương Trà và Ba Sao cũng đạt từ 17 tiêu chí trở lên. Đặc biệt, huyện Cao Lãnh tích cực triển khai thực hiện xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, khu dân cư NTM kiểu mẫu và vườn mẫu đến năm 2020 bước đầu mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.


Năm 2019, huyện Cao Lãnh thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ được gần 9.500ha lúa

Để đạt được những kết quả trên, UBND huyện Cao Lãnh tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; đẩy mạnh các phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng xã văn hóa - NTM”; xây dựng và nhân rộng những mô hình hay, cách làm mới; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; thực hiện tốt việc công khai, dân chủ, phát huy vai trò chủ thể của người dân. Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện chú trọng triển khai sản xuất theo quy trình an toàn, ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Trong năm 2019, địa phương đã tổ chức thực hiện liên kết tiêu thụ được 9.450ha lúa (đạt 135% kế hoạch) và 2.015 tấn trái cây xoài, chanh, ổi, cam xoàn với các doanh nghiệp: Công ty VinEco, Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên, hệ thống siêu thị Coop-mart, Coop-food, Bách hóa xanh,... ước giá trị sản xuất và thu nhập của nông dân tăng thêm khoảng 34,6 tỷ đồng, góp phần cải thiện đời sống cũng như thúc đẩy kinh tế nông nghiệp địa phương phát triển. Anh Nguyễn Văn Hai ngụ xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh cho biết: “Quan điểm của cá nhân tôi thì việc liên kết tiêu thụ lúa là cần thiết, bởi vì khi sản xuất gắn với tiêu thụ thì tôi biết được vụ sản xuất lúa này có lợi nhuận bao nhiêu, thậm chí giá bao tiêu có thể thấp hơn giá thị trường tại thời điểm thu hoạch lúa, nhưng gia đình tôi vẫn quyết định tham gia sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm vì đã ổn định đầu ra. Còn sản xuất không gắn với tiêu thụ nông sản ít nhiều có may rủi, có khi được mùa nhưng thất giá...”.

Thông qua xây dựng NTM, các mặt đời sống, văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao và an ninh trật tự xã hội trên địa bàn huyện Cao Lãnh được ổn định và không ngừng phát triển theo chiều hướng tích cực. Tổng mức đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế, giáo dục, văn hóa - xã hội được hơn 368 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 10 tỷ đồng. Quy mô, mạng lưới trường, lớp và trang thiết bị dạy học ở các cấp học được đầu tư đáp ứng nhu cầu dạy và học, đến nay toàn huyện có 37 trường đạt chuẩn Quốc gia. Cơ sở vật chất văn hóa không ngừng được nâng cấp, đầu tư mới đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần của nhân dân. Công tác cải cách thủ tục hành chính được quan tâm, đáp ứng sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững ổn định, đảm bảo cuộc sống vui tươi, bình an cho người dân ở nông thôn. Những kết quả trên đã tạo tiền đề để huyện Cao Lãnh thúc đẩy nhanh việc thực hiện các tiêu chí huyện NTM, trước mắt là phấn đấu đạt huyện Anh hùng trong thời kỳ đổi mới.

TIẾN ĐẠT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn