Đồng Tháp

Xây dựng nhiều mô hình theo tinh thần Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao

Cập nhật ngày: 09/05/2024 10:40:27

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240509104137dt2-5.mp3

 

ĐTO - Với mục tiêu xây dựng vùng chuyên canh lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo hướng bền vững, nâng cao chuỗi giá trị và gắn với bảo vệ môi trường, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao) được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt mới cho ngành hàng lúa gạo ở vùng đất chín rồng.


Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát tại cánh đồng thực hiện mô hình điểm Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao tại Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thọ, xã An Long, huyện Tam Nông (ảnh tư liệu)

Trên tinh thần đó, Đồng Tháp chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các mô hình thực hiện theo tinh thần đề án này tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Bước đầu, các mô hình nhận được sự quan tâm, đồng tình cao từ người dân.

TẠO ĐỘT PHÁ CHO NGÀNH HÀNG LÚA GẠO

Để chuẩn bị sẵn sàng cho việc nhân rộng Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao ở khu vực ĐBSCL, vụ lúa hè thu năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) triển khai 5 mô hình điểm về “canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh” tại các tiểu vùng sinh thái khác nhau thuộc 5 tỉnh, thành phố gồm: Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Thơ. Tại Đồng Tháp, mô hình điểm sẽ được triển khai tại Hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) Phú Thọ, xã An Long, huyện Tam Nông với quy mô 50ha.

Thông tin về việc triển khai các mô hình điểm tại các tỉnh ĐBSCL, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục Trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cho biết: “Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL. Đồng thời hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng canh tác bền vững và hiệu quả. Theo đó, mục tiêu đề ra đến năm 2025, ĐBSCL phấn đấu có từ 300.000 - 400.000ha lúa chất lượng cao và đến năm 2030 phải hoàn thành 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Vì vậy, việc xây dựng các mô hình điểm ở các tỉnh là rất cần thiết. Đây còn là cơ sở quan trọng giúp Bộ NN&PTNT xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí chuẩn cho đề án, giúp các tỉnh triển khai thực hiện thuận lợi hơn...”.

Bên cạnh mô hình đang được Bộ NN&PTNT triển khai tại HTX NN Phú Thọ, xã An Long, huyện Tam Nông, năm 2024, tỉnh còn chủ động triển khai thực hiện một số mô hình “canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh” theo tinh thần của đề án tại nhiều huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh với quy mô khoảng 20.000ha, tập trung ở một số địa phương có vùng chuyên canh lúa lớn tại các huyện như: Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười, Lấp Vò, Cao Lãnh và TP Hồng Ngự.

Ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Song song với mô hình 50 hecta Bộ NN&PTNT triển khai tại HTX NN Phú Thọ, bằng nguồn lực nội tại của tỉnh, Đồng Tháp sẽ tiến hành rà soát thực hiện các mô hình theo tinh thần Đề án 1 triệu hecta tại một số địa phương. Trước mắt, Đồng Tháp sẽ hướng dẫn người dân áp dụng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn tiên tiến, áp dụng quy trình canh tác lúa bền vững... Sau khi Bộ NN&PTNT hoàn thiện bộ tiêu chí, Đồng Tháp sẽ điều chỉnh lại các mô hình đã thực hiện để triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh...”.


Áp dụng các quy trình về canh tác lúa bền vững giúp nông dân Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Quyết Tâm (xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh) giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận

NÔNG DÂN ĐỒNG HÀNH THỰC HIỆN

Là HTX được ngành nông nghiệp huyện Cao Lãnh lựa chọn thực hiện thí điểm Đề án 1triệu hecta lúa chất lượng cao trong vụ hè thu năm 2024, bà con xã viên tại HTX dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Quyết Tâm, xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh cảm thấy rất phấn khởi trước những hiệu quả bước đầu mô hình mang lại.

Ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc HTX DVNN Quyết Tâm, xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh, chia sẻ: “Ban đầu khi được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón hóa học, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật... nhiều xã viên có tâm lý lo lắng. Tuy nhiên, trong quá trình canh tác, bà con nhận thấy cây lúa phát triển rất khỏe, ít sâu bệnh hơn so với trước đây... Nhờ vậy, năng suất vụ hè thu này đạt khá hơn so với cùng kỳ những năm trước. Mặc dù buổi đầu thực hiện, HTX còn lúng túng và bỡ ngỡ nhưng bà con nhận thấy, với việc chuyển đổi quy trình canh tác theo tinh thần của Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao sẽ là xu hướng tất yếu vừa giúp nông dân nâng cao được lợi nhuận vừa góp phần giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ người sản xuất và cả người tiêu dùng...”.

Thông tin về việc triển khai thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao tại địa phương, ông Lê Văn Bình - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cao Lãnh, cho biết: “Nhằm đảm bảo lộ trình triển khai đề án, huyện Cao Lãnh xây dựng kế hoạch và đề ra mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện phấn đấu có 11.100ha diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao. Đến năm 2025, phấn đấu diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao 22.760ha. Riêng trong năm 2024, huyện đề ra mục tiêu có 4.619ha diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao. Trên tinh thần thực hiện kế hoạch đề ra trong vụ hè thu năm 2024 cùng sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp tỉnh, huyện Cao Lãnh triển khai thực hiện “Mô hình canh tác lúa bền vững tại HTX DVNN Số 1” và “Mô hình sử dụng giống lúa chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ và ứng dụng thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật” tại HTX DVNN Quyết Tâm (xã Ba Sao) với tổng diện tích 526ha. Bước đầu, các mô hình nhận được sự đồng tình rất cao từ người nông dân”.

Tại 2 mô hình đang được triển khai ở xã Ba Sao, nông dân được hướng dẫn sản xuất lúa theo quy trình: ứng dụng giống lúa chất lượng cao cấp xác nhận, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về quy trình canh tác lúa bền vững (SRP), áp dụng “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”, ứng dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước ngập khô xen kẽ, ứng dụng Drone vào quy trình canh tác, ứng dụng cơ giới hóa... Các giải pháp nhằm giúp nông dân xây dựng chuỗi sản xuất ngành hàng lúa gạo theo hướng giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải, nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái.

Mặc dù các mô hình thực hiện theo Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao chỉ mới được triển khai thí điểm tại một số HTX trên địa bàn tỉnh, nhưng bước đầu đạt được nhiều tín hiệu tích cực. Các mô hình giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đảm bảo sức khỏe cho bà con, người tiêu dùng và môi trường...

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn